Cụ Khang và đội múa sư tử phố Hồng Thái
- Cập nhật: Thứ hai, 12/9/2011 | 9:06:57 AM
YBĐT - Đêm rằm Trung thu này bất cứ ai có dịp qua tổ 25 phường Hồng Hà sẽ được mời dự hội trăng rằm với trẻ nhỏ và người dân nơi đây, nhất là sẽ được thưởng thức màn múa sư tử do cụ Khang chỉ huy...
“Tùng tùng, tùng tùng! Cách tùng tùng, tùng tùng! Nghe rõ nhịp trống phách mà đưa chân, uốn người, lắc đầu sư tử nhé! Nhanh hơn, mạnh hơn, nâng cao đầu sư tử lên… Thằng này múa hay lắm, hơn hẳn mấy năm trước, múa giỏi hơn bố cháu ngày xưa đấy!”- Cụ Khang, mồ hôi đầm đìa vẫn say sưa chỉ bảo lũ trẻ tập múa sư tử, chuẩn bị đón tết Trung thu 2011.“
Đúng là đâu đó trong cuộc sống thường nhật vẫn còn nhiều những con người bình thường với những công việc bình thường nhưng đem lại niềm vui cho cuộc sống.
Năm nay đã 83 tuổi, ông Nguyễn Tiến Khang sức đã yếu, chân đã chậm, mắt đã mờ, chỉ có tính cách vẫn vui vẻ và đôi tay nhanh nhạy gõ trống, đánh thanh la đúng nhịp, đúng điệu cho lũ trẻ trong phố múa sư tử.
Ông Khang kể: “Năm 1984 tôi mới về nghỉ hưu ở tổ 25, phố Hồng Thái, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái). Tết Trung thu năm ấy, khu phố thuê đội múa sư tử từ nơi khác về biểu diễn cho các cháu, là người biết múa sư tử từ lúc nhỏ tuổi ở quê nhà Gia Lâm - Hà Nội, lại làm lâu năm trong ngành Văn hóa thông tin nên tôi thấy đội múa sư tử ấy trình độ rất kém, chỉ múa qua quýt, trống, phách, vũ điệu lung tung cả, thế mà tiền thuê lại rất đắt… Tôi quyết định bàn với mấy anh em thành lập đội múa sư tử cho vui, tiếc là được mấy năm thì đội múa ấy cũng tan phần vì cuộc sống quá khó khăn, phần vì mấy anh em tuổi mỗi cao, mỗi yếu, có người lâm bệnh rồi qua đời. Đến năm 2004 tôi bàn với chị Nga tổ trưởng tổ 25 phải khôi phục lại đội múa sư tử, phải truyền dạy cho các cháu. Tôi quyết tâm làm vì đây là trò chơi dân gian, một nét truyền thống văn hóa của người Á Đông mình, tôi tin là mọi người sẽ nhiệt tình ủng hộ”.
Đúng như nhận định của mình, tổ chức Đảng, lãnh đạo khu phố và nhất là những gia đình có điều kiện trong khu dân cư ai cũng hăng hái nhiệt tình giúp đỡ. Gia đình các anh Hoàng Nhung, Thiện Anh, Hùng Vinh… còn sẵn lòng đóng góp tất cả các khoản chi, miễn sao các cháu vui, khỏe.
Thế là mùa thu năm 2005, tối thứ 7 nào sân nhà ông Khang cũng là điểm thu hút trẻ con và cả người lớn về tụ hội tập múa sư tử, để đến đêm trăng rằm người người, nhà nhà trong phố đều được vui khi thấy chính con em mình trong đội múa. Đến năm 2008 ông Nguyễn Tiến Khang bàn giao toàn bộ đội múa sư tử cho khu phố và tự bỏ tiền túi ra mua đầu sư tử, trống cái, thanh la và quần áo, mặt nạ về để thành lập một đội múa sư tử nhi đồng cho tổ dân phố 25.
Trước tết Trung thu cả tháng những đứa trẻ lên 6 lên 7 và cả những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn nữa cứ tối thứ 6, thứ 7 hễ nghe thấy tiếng trống của ông cụ Khang là tụ hội về nhà ông để được ông truyền dạy cho các điệu múa. Cha mẹ các cháu cũng thấy vui và nhiệt tình ủng hộ vì con em mình được chơi ngoan, được học một nét văn hóa truyền thống.
Anh chị Khanh Hà là hàng xóm của ông cụ Khang cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đã từng là thành viên của đội múa sư tử do ông Khang dạy, nay con trai tôi lại tiếp nối trò chơi dân gian ấy, tôi tự hào vì điều đó. Năm nào cũng thế, khu dân cư này góp tiền để tổ chức tết Trung thu cho trẻ nhỏ, việc làm ý nghĩa này góp phần tạo nên tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng”.
Nhờ lòng say mê, nhiệt tình của cụ Khang và những suy nghĩ đúng đắn của anh Khanh Hà ở tổ 25 mà đội múa sư tử thiếu nhi của tổ nhân dân đã lớn mạnh không ngừng, những cháu bé nhỏ tuổi, nhìn rất ngộ nghĩnh nhưng lại múa sư tử rất giỏi đã làm nức lòng người xem, đây cũng chính là lý do mà nhiều cơ quan đơn vị doanh nghiệp tìm đến đội múa sư tử thiếu nhi ở tổ 25 để nhờ biểu diễn cho cơ quan, đơn vị doanh nghiệp mình khi có lễ hội, nhất là dịp tết Trung thu. Cụ Khang tự hào vì điều đó lắm, cụ cho biết: “Phải từ chối rất nhiều người đến mời biểu diễn vì không muốn để ảnh hưởng đến việc học của các cháu, mục tiêu của tôi là vui, khỏe và giữ gìn, phát huy nét truyền thống văn hóa của dân tộc”.
Đêm rằm Trung thu này bất cứ ai có dịp qua tổ 25 phường Hồng Hà sẽ được mời dự hội trăng rằm với trẻ nhỏ và người dân nơi đây, nhất là sẽ được thưởng thức màn múa sư tử do cụ Khang chỉ huy, các nhân vật múa chính, cầm đầu sư tử, đến người phụ vẫy đuôi hay chú tếu cầm quạt, người gõ trống, người đánh thanh la… đều là những “vũ công” nhí của tổ dân phố.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Đến thôn 6, xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái), mọi người thường nhắc đến chị Nguyễn Thị Dịu, một phụ nữ dám nghĩ dám làm. Chị là một trong số những người thực hiện mô hình trồng nấm tiêu biểu hiện nay ở thành phố.
YBĐT - Đó là ông Nguyễn Văn Quyết trú tại tổ 24, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. Ông sinh năm Mậu Thìn (1928) đến nay đã tròn 83 tuổi. Ông được UBND phường và bà con tín nhiệm giao nhiệm vụ quản lý chợ Nam Cường. Cái chức này bao gồm cả quản lý và quét chợ hàng ngày.
YBĐT - Anh là Nông Thanh Đồ, cán bộ điều dưỡng kiêm làm chương trình HIV/AIDS, một người hết mình về công việc lại biết phát triển chăn nuôi, làm ăn kinh tế giỏi.