Bao giờ Bảo tàng tỉnh ra mắt công chúng?

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/10/2013 | 8:59:40 AM

YBĐT - Năm 2009, nhà bảo tàng được khởi công bên khu hồ Hào Gia liền kề với Thư viện tỉnh (thành phố Yên Bái) quả thực là niềm vui khôn tả không chỉ với riêng người làm công tác bảo tàng. Nhưng khi đã hoàn thiện tới 95% khối lượng thi công phần vỏ nhà trưng bày thì công trình phải dừng lại.

Nhà Bảo tàng tỉnh sau hơn 4 năm thi công hiện đã dừng lại, xung quanh đầy cỏ dại.
Nhà Bảo tàng tỉnh sau hơn 4 năm thi công hiện đã dừng lại, xung quanh đầy cỏ dại.

Bảo tàng tỉnh Yên Bái thành lập từ năm 1978 nhưng việc sưu tầm hiện vật đã được tiến hành từ năm 1956. Với gần 60 năm sưu tầm, nghiên cứu, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ một lượng lớn hiện vật vô cùng độc đáo, phong phú và đa dạng. Những hiện vật này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu khoa học và nếu được đưa ra trưng bày nó sẽ góp phần giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho công chúng.

Sở dĩ, được coi là nơi đang lưu giữ những hiện vật mà nhiều nơi không có được là do Yên Bái nằm trong số các địa danh phát hiện ra dấu vết của người tiền sử tại di tích hang Hùm ở huyện Lục Yên, là trung tâm trong dòng chảy của nền văn minh lúa nước sông Hồng nên mới có những thạp đồng Đào Thịnh, thạp Hợp Minh nổi tiếng. Yên Bái cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện vẻ vang của chiến tranh vệ quốc trên dọc tuyến sông Thao và chiến dịch giải phóng Tây Bắc hay chiến dịch Điện Biên lịch sử... Đồng thời, đây còn là miền đất hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa của nhiều tộc người cùng sinh sống.

Để những tư liệu, hiện vật quý giá ấy đến được với công chúng, những người làm công tác bảo tàng thời kỳ tỉnh Hoàng Liên Sơn đã phải nhiều lần đóng gói hiện vật theo từng chuyên đề rồi tổ chức trưng bày ở nhiều địa phương kể cả nơi tận cùng biên giới phía Bắc. Thời đó, Bảo tàng tỉnh có tên vui là “bảo tàng gánh”.

Hiện tại, việc trưng bày lưu động vẫn được tiến hành nhưng chủ yếu là tư liệu hình ảnh nên mọi việc thuận lợi hơn. Sau mỗi đợt trưng bày, phần lớn thời gian cán bộ bảo tàng dành cho việc sưu tầm, xác minh tư liệu để khối lượng ngày một đầy thêm.

Tuy nhiên, điều khiến cho những người làm công tác ở Bảo tàng tỉnh luôn trăn trở là từ khi tái lập tỉnh Yên Bái, nguồn tư liệu hiện vật quý giá đó đã phải chuyển qua chuyển lại khá nhiều chỗ với kho chứa sơ sài, không có thiết bị chuyên dụng để bảo quản hiện vật theo yêu cầu chuyên môn như máy bảo quản phim ảnh, không gian kho chứa thiếu ánh sáng, chật chội không có độ thông thoáng, không có thiết bị chống ẩm mốc, tủ và giá chứa hiện vật cũng không bảo đảm… Bởi vậy, những người bảo quản hiện vật ở đây, sớm hôm luôn vất vả chống lại sự xuống cấp hoặc hư hỏng của hiện vật.

Chẳng hạn, vì không có máy chống mốc phim ảnh nên mỗi ngày phải luân phiên kiểm tra hàng nghìn tấm phim âm bản, ảnh đã in phóng xem có bị ố mốc hay không rồi dùng bông lau sạch bề mặt phim, ảnh. Các đồ vật bằng vải hay trang phục các dân tộc, thư tịch cổ phải lợi dụng ánh nắng mặt trời để phơi. Riêng với thư tịch cổ, cách này cũng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ bởi làm như vậy rất dễ gây nhàu, rách hoặc mờ chất liệu mực nho.

Hiện vật bằng mây tre đan cũng là những thứ rất kỵ với nơi thiếu ánh sáng, độ ẩm cao. Đáng ngại hơn cả là bảo quản những hiện vật bằng gốm có độ nung thấp và hiện vật bằng kim loại đồng, sắt. Bởi thời tiết ẩm và nóng rất thất thường khiến bề mặt gốm dễ rạn nứt, hủy hoại hoa văn. Còn với hiện vật đồng, sắt thì ẩm dễ gây rỉ sét nhanh làm hư hỏng cả hoa văn đến chất liệu hiệu hiện vật. Thêm một mối lo canh cánh ngày đêm với những người làm công tác tại đây là kho chứa hiện vật rất gần với khu tập thể của một số cán bộ, nhân viên của ngành văn hóa nên nó còn ẩn chứa cả nguy cơ hỏa hoạn…

 

Những hiện vật bằng gốm có độ nung thấp chỉ được để tạm bợ trên các giá gỗ và trong các chậu nhựa.

Năm 2009, nhà bảo tàng được khởi công bên khu hồ Hào Gia liền kề với Thư viện tỉnh (TP Yên Bái) quả thực là niềm vui khôn tả không chỉ với riêng người làm công tác bảo tàng. Nhưng khi đã hoàn thiện tới 95% khối lượng thi công phần vỏ nhà trưng bày thì công trình phải dừng lại do tiết giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Vậy nên, sau hơn 4 năm kể từ khi khởi công đến nay, công trình nhà bảo tàng vẫn dở dang. Bao giờ công trình này được đầu tư trở lại?

Theo ông Trần Xuân Ca - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đó là vấn đề vẫn chưa có câu trả lời. Ông Ca còn cho biết thêm, nếu có đầu tư trở lại thì khâu trưng hiện vật để ra mắt công chúng vẫn đặt ra đầy khó khăn. Bởi lẽ, từ việc triển khai thi công nhà bảo tàng đến công đoạn trưng bày hiện vật đang thể hiện thiếu sự đồng bộ.

Lẽ ra từ khâu xây dựng nhà bảo tàng đến khâu đầu tư nội thất, lập ma két trưng bày, chỉnh lý hiện vật để quyết định hiện vật nào mang ra trưng bày và hiện vật nào bảo quản trong kho phục vụ nghiên cứu khoa học phải được thực hiện đồng bộ với nhau nhưng thực tế triển khai thì việc xây dựng phần nhà bảo tàng là một gói thầu và khi xong nhà bảo tàng lại mới tìm nhà thầu cho phần đầu tư nội thất và ngoại thất trưng bày.

Vì thế, giữa lắp đặt nội thất trưng bày vào không gian trưng bày của nhà bảo tàng sẽ không thể tránh được sự thiếu ăn khớp nên bắt buộc lại phải có thời gian để nghiên cứu điều chỉnh cho hợp lý. Xong việc hoàn thiện nội thất trưng bày thì lại mới tiếp đến việc tìm kiếm, hợp tác với các chuyên gia nghiên cứu lịch sử chỉnh lý hiện vật, trưng bày.

Tất cả những công đoạn này sẽ còn tốn rất nhiều thời gian, đó là chưa kể cả những phức tạp trong giải quyết những liên quan đến tài chính. Bởi vậy, các cấp, ngành chức năng nên xác định rõ những phức tạp này thì mới điều chỉnh được kế hoạch mang tính đồng bộ và lộ trình thời gian hợp lý để bảo đảm tiến độ ra mắt nhà bảo tàng tỉnh phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục các giá trị lịch sử văn hóa, quảng bá hình ảnh của quê hương Yên Bái với công chúng trong và ngoài tỉnh, tạo nên động lực phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai.

H.N

Các tin khác
Nông dân xã Việt Thành đang nuôi tằm theo phương pháp nuôi tằm đất.

YBĐT - Về với xã Việt Thành (Trấn Yên), nơi nghề trồng dâu nuôi tằm đã có từ lâu đời lần này, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi con tằm, cây dâu đang giúp người dân nơi đây giàu lên nhanh chóng. Giờ thì nghề trồng dâu nuôi tằm đã không còn bó hẹp ở Việt Thành mà đã lan rộng về Báo Đáp, Tân Đồng... và nhiều xã khác.

Lớp thực hành trồng nấm rơm ở thôn 3.

YBĐT - Sau gần 3 giờ đi ca-nô lênh đênh trên hồ Thác Bà, chuyển sang đi bằng xe máy, chúng tôi đã đến trung tâm xã Tích Cốc - một xã vùng xa của huyện Yên Bình. Đường từ bến ca-nô xã Cảm Nhân vào Tích Cốc khoảng chừng 15km đã được rải nhựa vài năm rồi, đi lại thuận lợi nhưng hiếm khi nhìn thấy một căn nhà xây nào bên đường khang trang, rộng rãi mang dáng dấp biệt thự... Tích Cốc vẫn nghèo lắm!

Cần có sự liên kết giữa nông dân với nhau để tạo thành những nông trang trong sản xuất nguyên liệu.
(Ảnh: Lê Phiên)

YBĐT - Để sản xuất, kinh doanh chè ngày một phát triển bền vững, song song với giải quyết những tồn tại đã nêu, chúng ta tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, vào các cơ sở chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Nói là vậy nhưng cơ bản vẫn cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tư duy và từ người nông dân đến các cấp quản lý.

Diện tích chè kinh doanh của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn luôn đạt năng suất trên 9 tấn/ha nhờ chăm sóc và thu hái đúng kỹ thuật.

YBĐT - Hạn chế, tồn tại trong sản xuất, kinh doanh chè đã rõ và cũng đã đến lúc, tỉnh Yên Bái cùng các ngành chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, tìm ra giải pháp, hướng đi phù hợp mới hy vọng vực dậy được vùng chè. Chỉ có như vậy mới đưa cây chè trở lại đúng vị thế của nó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục