Bánh xe lặng lẽ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày cuối năm, thành phố Yên Bái tràn ngập những cơn gió lạnh. Khoác trên mình những chiếc áo ấm ra đường, có khi nào bạn bắt gặp hay vô tình lướt qua những phụ nữ dáng dấp quê mùa, ăn mặc phong phanh đẩy chiếc “xe” hay chính xác hơn là “quầy hàng di động” khắp các con đường, góc phố bán hàng rong với mong muốn bình dị là kiếm thêm vài ba chục nghìn đồng gửi về quê nhà nuôi sống gia đình.

Em Liên đẩy xe bán hàng dọc đường Nguyễn Thái Học.
Em Liên đẩy xe bán hàng dọc đường Nguyễn Thái Học.

Những nẻo đường kiếm sống

 

Mảnh đất miền Trung khắc khổ, hết bị bão lũ dày vò đến khô hạn kéo dài, vì vậy không ít người phải chịu cảnh sống xa quê, lặn lội lên tận Yên Bái làm đủ mọi nghề để mưu sinh và tích góp gửi tiền về nuôi sống chồng con. Chị Hoá là một trong số đó. Tờ mờ sáng, khi mọi người vẫn cuộn mình trong những chiếc chăn ấm, thì chị đã cùng hàng chục phụ nữ - những người cùng quê hành trình một ngày mới mưu sinh. Chị là Nguyễn Thị Hoá, quê xã Thiệu Châu, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, ra Yên Bái làm nghề bán hàng rong được 5 năm. Con số 5 năm không phải ngắn nhưng so với quãng đời khổ cực chị đã trải qua thì nó không có ý nghĩa gì. Chính mảnh đất này đã giúp chị kiếm sống. Trời Yên Bái cuối năm nay rét đậm, nhưng sáng nào chị cũng dậy sớm để kiểm tra, sắp xếp hàng hoá chằng lên xe rồi hì hục đẩy hàng đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán hàng, từ sáng đến tận tối mịt mới về, mỗi ngày có khi đẩy xe đến 30- 40 cây số là chuyện thường. Bình quân ngày được 20 nghìn đồng, ăn uống tằn tiện lắm mới dành dụm gửi về cho chồng và 2 đứa con nhỏ từ 350.000- 400.000 đồng mỗi tháng. “Phải thế thôi chú ơi! Cứ ở nhà trông chờ vào mấy sào ruộng thì chết đói cả lũ!”- Chị Hoá tâm sự.

 

Cũng giống như chị Hoá, những phụ nữ khác, đặc biệt là những em gái tuổi mới 15, 16 mà đã phải tham gia đoàn quân “đi bộ kiếm sống” vì gia đình ở quê nhà chỉ có đôi ba sào ruộng thu hoạch tạm đủ ăn. Vậy mà, hết hạn hán khô khốc kéo dài đến bão lũ hoành hành đã cuốn phăng đi tất cả mồ hôi nước mắt của vô vàn những ngày tháng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Gia đình đông anh em, nên chỉ học hết lớp 1 và 2 là bỏ học tự đi kiếm sống. Em Nguyễn Thị Liên cùng quê với chị Hóa năm nay 15 tuổi nhưng em đã rời gia đình từ khi lên 10. Gia đình đông anh em, bố lại bị tật nguyền, mình mẹ không thể xoay xở hết, em đã từng đi làm “ô - sin” ở Hà Nội nhưng chỉ được một năm em đã phải chuyển đi nơi khác do gia đình đó bạc đãi em quá. Và rồi theo lời mách bảo của "đoàn quân" ở Yên Bái, em đã tham gia vào cùng. Thời gian cũng đã được 4 năm. Liên tâm sự: “Nhà nghèo là thế anh ạ! Mặc dù học đến lớp 2 nhưng bây giờ đến tên mình em cũng chẳng biết viết thế nào! Nhớ những ngày đầu mới lên Yên Bái, do chưa quen việc không bán được hàng lại bị lừa mất hết. Ăn không đủ chứ đừng nghĩ đến chuyện gửi tiền về quê giúp cha mẹ nuôi các em. May mọi người giúp đỡ cho ăn và dạy cách bán hàng nên dần em đã quen việc và tự lo cho bản thân cũng như gửi tiền về gia đình”.

 

“Đội quân đi bộ” tập trung đông đủ cả phụ nữ, trẻ em và họ đến từ khắp mọi miền trong cả nước: Thanh Hoá, Nghệ An, Hưng Yên... Mỗi người mỗi cảnh nhưng cùng chung mục đích là kiếm sống. Ước mơ giản dị thôi nhưng không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Chị Khim cùng quê với chị Hoá cho biết: “Độ này, hàng bán cũng được lắm! Nhưng khổ nỗi quân ăn chặn và lừa đảo lấy hết hàng. Hôm vừa rồi, khi đẩy xe bán hàng ở Yên Bình không hiểu chúng dùng "thủ thuật" gì mà khi đưa cho tôi 100 nghìn đồng, vậy mà một lúc sau có bao nhiêu tiền bán được hàng tôi cứ đưa cho chúng...”. Không chỉ chị Khim mà các chị như: Hằng, Cả, Lưu... cũng đều bị lừa với những cách thức khác nhau: giả vờ dừng xe, mua rồi cầm hàng phóng vút đi, hay dùng tiền giả để mua hàng... Vậy là bao nhiêu công lao vất vả, dãi nắng, dầm mưa của mấy ngày đi bộ bán hàng đều trở về con số không...

 

Và ước mơ ngày tết

 

19 giờ tối, đi dọc đường ray tàu phía trong ga, rẽ vào một ngõ nhỏ đi bộ chừng 200 m, chúng tôi đã tìm được nơi tạm trú của một trong nhưng "đội quân". Trong gian nhà làm bằng tranh tre, tiếng nói cười vui vẻ và âm thanh của tiếng bát tiếng đũa, tiếng húp canh sột soạt vang ra. Thấy chúng tôi xuất hiện, mọi âm thanh trở lên im bặt, mấy chục đôi mắt đổ dồn về tò mò thì em Liên reo lên:

 

-Em nhận ra rồi, hai anh mấy hôm nay hay đi bộ đẩy xe cùng cháu! Các anh tìm nhà cũng giỏi thật.

 

Gần 20 phụ nữ và trẻ em đang ngồi quây quần bên mâm cơm: cũng có ít thịt ba chỉ, còn lại chủ yếu là rau và cơm. Anh bạn đi cùng nói vui:

 

-Ăn thế này thì làm gì đủ sức!

 

-Thế các chú bảo mọi người ăn thế nào thì mới đi bộ được!? Nói cho vui thôi chứ các chị cũng muốn bảo vệ sức khoẻ lắm, nhưng như vậy thì làm gì đủ tiền gửi cho các cháu ở quê! Chị Hoá giãi bày.

 

Chị Lưu ngồi trên phản gấp lại chiếc áo vừa mua được ban chiều để mang về làm quà tết cho con vui vẻ nói:

 

-Mình cũng mong tết đến để được về quê đoàn tụ cùng gia đình. Gần một năm rồi không gặp chồng và con, nhớ lắm!

Nói đến đây tôi thấy chị rơm rớm nước mắt, cảnh sống xa gia đình gần như đã thành quen. 7 năm rồi chị chỉ được gặp anh và các cháu tính trên đầu ngón tay. Tay rời chiếc áo, chị nhìn về xa xăm, thoáng vẻ ưu tư:

 

-Có những hôm bị ốm không đi bán hàng, ngồi trong nhà, dõi ra cửa thấy đám trẻ ăn mặc gọn gàng ấm cúng chơi đùa ngoài ngõ, chị lại nhớ đến tụi nhỏ ở nhà. Không biết giờ này chúng ra sao? Có được ăn no mặc ấm không? Lòng mình lại quặn thắt và nhớ chúng vô cùng!

 

Căn phòng trở nên im lặng, những tiếng thở dài thườn thượt, những khuôn mặt hốc hác, sạm đen, sâu hoắm, quầng thâm đã rơi lệ.

 

Liên và đám bạn cùng trạc tuổi ngồi phía bên ngoài đang mân mê cái áo lụa vừa mua làm quà tặng mẹ có vẻ vui hơn vì điều đó đã hiện rõ trong nụ cười và ánh mắt trong trẻo của em.

 

-Đêm nay Liên về quê với gia đình và các em. Chị Hoan nói.

 

Thảo nào tôi thấy em vui đến vậy, vui là đúng thôi vì em sắp được đoàn tụ cùng gia đình sau một năm vất vả kiếm sống.

20 giờ, có khoảng gần 10 chị bước vào, tiếng chào, hỏi thăm vang rộn. Bầu không khí căn phòng như ấm lên. Hỏi ra chúng tôi mới biết các chị kia là người xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá ở trọ nhà bên cạnh sang đây chào về tết. Những cái nắm tay thật chặt, những lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết:

 

-Em về nói hộ với anh và các cháu độ dăm bữa nữa chị sẽ về! Chị ở đây vẫn khoẻ cả nhà không phải lo!

 

-Cho em gửi lời hỏi thăm và chúc tết gia đình chị năm mới mạnh khoẻ và hẹn ra tết gặp lại!

 

- Các chị, các em đi mạnh khoẻ...

 

Và rồi nàng xuân đang cựa mình thật nhanh để đón chào năm mới. Dẫu rằng cuộc sống của các chị vẫn còn đó những khó khăn, vất vả. Song niềm vui đón xuân là của chung dù người giàu hay nghèo.

 

Ngọc Sơn - Đức Thành

Các tin khác

YBĐT - Đỉnh Phiêng Nhe chưa phải là đỉnh núi cao của Trạm Tấu, song Phiêng Nhe đã đi vào lịch sử, Phiêng Nhe trở nên thân quen, mãi mãi sống trong lòng dân Trạm Tấu và nhân dân cả nước. Nơi đây 51 người con anh dũng đã yên nghỉ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những vườn hồng không hạt mắc bệnh trơ cành trụi lá ở xã Vĩnh Lạc.

YBĐT - Bao vườn hồng trĩu quả tháng 8 và vị ngọt giòn của nó còn mãi trong ký ức những người con xa quê theo năm tháng. Nhưng cây hồng không hạt có thời làm giàu cho người dân xã Vĩnh Lạc (Lục Yên) hôm nay lại đang mắc một căn bệnh lạ. Người ta chỉ còn biết đau đáu nhìn vườn hồng lúc lỉu rũ lá, rụng quả mà xót xa!

Thợ rèn Giàng A Gia nay đã chuyển sang rèn dao, cuốc phục vụ đồng bào trong xã.

YBĐT - Mùa xuân dường như đến sớm hơn ở Nà Hẩu . Xuân này là mùa xuân thứ tư người Mông trong xã hưởng ứng cuộc vận động toàn dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ cho Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục