Buồn như...bưu điện văn hóa xã!

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/6/2013 | 9:08:59 AM

YBĐT - Em Nguyễn Thu Ngân - học sinh lớp 9, nhà đối diện với điểm BĐVH xã An Thịnh cho biết: “Sách cũ, nhà bẩn mốc, Internet hỏng anh bảo đến làm gì… Mà chẳng riêng gì em, các anh cứ ngồi đây cả ngày cũng chẳng ai đến đâu”.

Cơ sở vật chất điểm bưu điện văn hóa đã xuống cấp như không được đầu tư.
Cơ sở vật chất điểm bưu điện văn hóa đã xuống cấp như không được đầu tư.

Điểm bưu điện văn hóa (BĐVH) xãlà một mô hình kết hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản (bao gồm cả truy cập Internet) với việc phổ biến thông tin và đọc sách báo miễn phí cho người dân vùng nông thôn, góp phần giúp ích cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi địa phương vùng nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của các điểm BĐVH hầu như cầm chừng, cơ sở vật chất xuống cấp, hoạt động khá nghèo nàn…

Thực trạng

Chúng tôi về xã An Thịnh, huyện Văn Yên. Đối lập với sự tấp nập, nhộn nhịp ở trung tâm xã với những ngôi nhà cao tầng là vẻ “hoang sơ” của điểm BĐVH xã. Bên ngoài là đống củi ngổn ngang ngay cửa ra vào, hàng rào sắt bao quanh han rỉ và đổ vỡ. Bên trong nếu không có cô giao dịch viên thì ai cũng tưởng nhầm đây là căn nhà bị bỏ hoang từ rất lâu. Những bộ bàn ghế phục vụ người dân tra cứu Internet xộc xệch, vỡ nát và cáu bẩn bởi bụi. Duy nhất, một màn hình vi tính thời “cổ lỗ sĩ” nằm chỏng chơ một góc. Tội nhất là cái box điện thoại. Trước nó khá hữu ích cho nhu cầu trao đổi thông tin của người dân nay là nơi chứa một đống chiếu mốc, bên ngoài mạng nhện phủ kín.

Trên tay cầm tập công văn, chuyển phát nhanh chuẩn bị đi giao cho các điểm yêu cầu, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang - giao dịch viên BĐVH xã An Thịnh chia sẻ: “Trước đây, còn có hệ thống kinh doanh Internet và box điện thoại nên người dân cũng hay đến để tra cứu thông tin và điện thoại cho người thân. Bây giờ, dịch vụ Internet khá nhiều, hầu hết người dân sử dụng điện thoại di động nên hầu như chẳng còn ai đến với các điểm BĐVH xã nữa. Có chăng một số bác nông dân đến tìm đọc sách hướng dẫn về chăn nuôi, trồng rừng… Công việc chủ yếu của tôi là đi giao công văn, giấy tờ và chuyển phát nhanh thôi. Thu nhập 750 nghìn đồng/tháng nên tôi làm thêm dịch vụ bán sim, thẻ và bảo hiểm xe máy… để tăng thêm thu nhập”.

Với số tiền công ít ỏi, lại hợp đồng theo từng năm một nên hầu hết các giao dịch viên làm việc ở đây người lâu nhất cũng không quá 2 năm. Em Nguyễn Thu Ngân - học sinh lớp 9, nhà đối diện với điểm BĐVH xã An Thịnh cho biết: “Sách cũ, nhà bẩn mốc, Internet hỏng anh bảo đến làm gì… Mà chẳng riêng gì em, các anh cứ ngồi đây cả ngày cũng chẳng ai đến đâu”.

Chị L. bán tạp hóa bên cạnh nói thêm: “Nhiều lúc chạy qua xem toàn sách cũ. Cô bé giao dịch viên ở đây, ngồi trực 4 tiếng rồi lại đóng cửa đi giao bưu phẩm, bưu kiện cho khách hàng, gần thì còn đỡ chứ nhiều thôn ở xã này xa lắm, tiền công không “cõng” đủ tiền xăng. Đấy có hơn 1 năm mà có tới 3 người thay nhau đến rồi… đi”.

Chúng tôi đến điểm BĐVH xã Ngòi A. Nơi đây có vẻ ngăn nắp sạch sẽ, cơ sở vật chất còn khá tốt nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng người đến. Vẫn cái kệ xinh xắn với hàng loạt sách báo cũ liên tục được xếp vào, bày ra. Cái box điện thoại nằm bất động với chiếc điện thoại cũ kỹ không còn sử dụng được.

 

Giao dịch viên điểm bưu điện văn hóa xã Ngòi A đang dọn dẹp các đầu sách vì ít được sử dụng.

9 năm gắn bó với điểm BĐVH xã, chị Phạm Thị Thu Hà là người hiểu hơn ai hết cái thời kỳ huy hoàng của ngành bưu điện. Bởi lúc đó người dân đến với điểm BĐVH xã đông nườm nượp, nhiều khi phải chờ đợi để được gọi điện thoại cho người thân, các cháu học sinh thì tìm sách, truyện, người lớn đọc sách, báo nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng, làm kinh tế… Nhưng kể từ khi bùng nổ của các loại hình dịch vụ thông tin, đời sống, việc làm của các giao dịch viên rất vất vả. Bây giờ, sáng lên mở cửa, dọn dẹp sách báo, nhà cửa, chờ giao thông viên đưa báo, bưu phẩm đến rồi dành cả một buổi chiều đưa báo và bưu phẩm chuyển đến tận tay người đặt.

Chị Hà tâm sự: “Ngòi A là một xã có địa bàn khá rộng với 12 thôn, bản và có 14 điểm giao dịch đặt báo. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tôi là cả xã chỉ có 3 thôn có đường nhựa, thôn xa nhất phải đi tới 12 km. Những hôm thời tiết tốt cũng phải 6 giờ chiều tôi mới về đến nhà, còn những hôm mưa gió, đường xa đi lại khó khăn thì 20 đến 21 giờ mới về là chuyện bình thường. Ngoài đồng lương khoán cho giao dịch viên hàng tháng, tôi phải bán thêm tem, thẻ điện thoại di động, bảo hiểm xe máy… để tăng thêm thu nhập”.

Các điểm BĐVH xã Mậu Đông, Đông Cuông, Đại Phác, Hoàng Thắng cũng chung tình trạng này. Có khác là ở điểm BĐVH hai xã Mậu Đông và Đông Cuông đã tạo điều kiện cho các nhân viên cùng gia đình ở tại điểm bưu điện và kinh doanh thêm nước giải khát để nâng cao thu nhập. Chị Nguyễn Thị Duyên - nhân viên tại điểm BĐVH xã Mậu Đông cho biết: “Lương tháng “3 cọc, 3 đồng”, gia đình cũng mới từ bên xã Yên Hợp chuyển về nên tương đối khó khăn mà công việc hiện nay chủ yếu là giao bưu phẩm, báo cho các đơn vị đặt mua. Bưu điện huyện đã tạo điều kiện cho gia đình về đây sinh sống và chúng tôi có kinh doanh thêm nước giải khát, bán sim thẻ, bảo hiểm xe máy… chứ không thì…!”.

Hướng đi nào cho các điểm BĐVH xã?

Xây dựng và tổ chức hoạt động các điểm BĐVH xã, phường là nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân theo chủ trương, nghị quyết của Đảng. Các điểm BĐVH xã được đầu tư khá đồng bộ, bao gồm nhà làm việc, tổng trị giá xây lắp trung bình cho mỗi điểm từ 70 - 100 triệu đồng, cùng các thiết bị viễn thông như: điện thoại, Internet, các loại sách, báo, văn hóa phẩm, bàn ghế...

Sự ra đời của các điểm BĐVH xã từng bước giúp người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các loại hình dịch vụ một cách thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn, không để mất mát tài sản, thư tín hay gián đoạn thông tin. Song, những năm gần đây, xu hướng xã hội hóa thông tin, các loại dịch vụ bưu chính, viễn thông đã “gõ cửa” đến từng khách hàng với nhiều tiện ích hấp dẫn thì dường như các điểm BĐVH xã chỉ còn mang tính phục vụ công ích mà thôi.

 

Dịch vụ truy cập Internet tại các điểm bưu điện văn hóa xã đã từ lâu không còn được sử dụng.

Theo ông Lưu Doãn Chiến - Giám đốc Bưu điện huyện Văn Yên: “Tại Văn Yên, hiện có 26/27 xã có điểm BĐVH. Riêng xã An Bình do bị sạt lở nên không có với lại người dân nơi đây rất gần với điểm BĐVH xã Trái Hút. Các điểm BĐVH xã hầu như đã xuống cấp, các trang thiết bị bàn ghế, tủ kém chất lượng và bị hỏng khá nhiều, tường, nền trần nhà đều bị vỡ. Đời sống của các nhân viên tại các điểm BĐVH xã rất khó khăn với thu nhập 750 nghìn đồng/người/tháng nên chúng tôi đã tạo điều kiện thêm bằng cách phát triển các dịch vụ bán thẻ, các loại bảo hiểm… Nhưng về lâu dài rất khó giữ chân họ, bởi hợp đồng chỉ năm một. Nếu tìm được việc khác là họ bỏ và chúng tôi lại phải phối hợp với các xã để bổ sung nhân viên”.

Trong 26 điểm BĐVH thì đã có hơn nửa số này rơi vào tình trạng khó khăn, gần như ngành phải bù lỗ hoàn toàn. Tổng hợp doanh thu của các bưu cục, điểm BĐVH đều rất thấp. Cụ thể: điểm BĐVH xã Phong Dụ Hạ năm 2012 trên 2,5 triệu đồng, quý 1 năm 2013 trên 600 nghìn đồng, xã Ngòi A 367 nghìn đồng năm 2012 và quý 1 năm 2013: 142 nghìn đồng, xã Phong Dụ Thượng: 120 nghìn đồng năm 2012 và quý 1 năm 2013 không có doanh thu …

Với thực trạng như hiện nay thì việc tìm ra hướng đi trong thời gian tới cho BĐVH xã sẽ là một bài toán khó. Mới đây nhất, ngày 4/2/2013, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Chương trình phối hợp công tác tăng cường hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐVH xã giai đoạn 2013 - 2020 (đối với các xã được lựa chọn tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới của 63 tỉnh, thành). Chương trình phối hợp này sẽ phần nào huy động nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng hiện có của hai ngành để tăng cường hoạt động, phát triển BĐVH xã trở thành điểm cung cấp thông tin, văn hóa ở địa phương, phát triển mạng lưới thư viện phục vụ nông thôn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa. Vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan được giao trách nhiệm thuộc tỉnh sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ngành, địa phương (nhất là cấp cơ sở) như thế nào để khắc phục được những hạn chế hiện nay của BĐVH xã. 

Trần Ngọc - Trần Minh

Các tin khác
Hầu hết các lái xe qua trạm cân đều chở quá tải cho phép.

YBĐT - Mặc dù mới được nâng cấp, sửa chữa nhưng nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 70 đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bị lún sụt, ổ trâu, ổ voi xuất hiện ngày càng nhiều khiến nguy cơ về ùn tắc và tai nạn giao thông luôn ở mức cao. Đây là hệ quả của việc mỗi ngày cung đường này phải “gánh” tới hàng nghìn chiếc xe quá khổ, quá tải. Để hạn chế tình trạng này, giải pháp đặt trạm cân, hạ tải đã được thực hiện nhiều ngày qua nhưng liệu có giải quyết được tận gốc vấn đề?

Phụ nữ Mường xã Sơn A với thành quả sản xuất thâm canh tăng vụ trên chân ruộng hai vụ lúa. (Ảnh: hanh Chi)

YBĐT - Ngày nay, nối tiếp truyền thống của thế hệ các mẹ và các chị, nhiều cô gái Mường nơi đây tựa những bông hoa tươi thắm. Trong số ấy phải kể đến chị Hoàng Thị Phượng hiện là Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ). Chị được mọi người cảm phục như một tấm gương mẫu mực về mọi mặt, nhất là tinh thần vượt khó, trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc.

Đăng kiểm kiểm tra hệ thống đèn pha bằng thiết bị cũ.

YBĐT - Những ngày này ở Trung tâm Đăng điểm xe cơ giới Yên Bái chật cứng xe tới làm thủ tục đăng kiểm. Chứng kiến cảnh tượng này đủ thấy sự quá tải đến đáng ngại… >> Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái: Nâng cao chất lượng kiểm định

Ban lãnh đạo Công ty Dược phẩm Nhật Bản thăm trại thỏ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

YBĐT - Những cam kết trong lời phát biểu và cả cách giao tiếp cởi mở, thân thiện của ông Yamane - Phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam và các thành viên trong đoàn, có thể thấy rằng: Đây thực sự là một cơ hội vô cùng quý báu với người chăn nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục