Năm 2022, trên địa bàn huyện Văn Chấn xảy ra 22 đợt thiên tai do mưa vừa, mưa to, dông kèm lốc, sét, rét đậm, rét hại và ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, 3 làm 1 người chết do bị lũ cuốn trôi tại xã Nghĩa Tâm, 1 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 74 nhà bị tốc mái từ 30% trở lên; 6 nhà bị hư hỏng, thiệt hại trên 81 ha về cây trồng; mưa lũ làm chết và cuối trôi 725 con gia súc, gia cầm, trên 7 ha ao nuôi cá bị thiệt hại; nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi và các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Uớc tổng giá trị thiệt hại trên 3 tỷ đồng.
Đợt mưa to kèm lốc xoáy đêm 29/4/2023 đã làm 43 nhà bị tốc mái hư hỏng thiệt hại từ 30 - 50%; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị hư hại.
Với mục đích giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo mọi hoạt động kinh tế và sản xuất không bị ngừng trệ, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện Văn Chấn đã xây dựng kế hoạch, phương án chủ động ứng phó với thiên tai.
Ông Phạm Bình Nguyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Phòng đã tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản và kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) các cấp; phân công nhiệm vụ, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, từng thành viên. Đồng thời, tùy tình hình thực tế và mức độ nguy hiểm của mưa bão, UBND huyện chỉ đạo sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia công tác TKCN, khắc phục hậu quả thiên tai, trọng tâm là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và mọi hoạt động không bị đình trệ.
Căn cứ trên phương án đã phê duyệt, UBND huyện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN từ huyện đến các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình PCTT, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên khe, suối, khu vực, tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm. Tu sửa, nạo vét các công trình kênh mương, cống thoát nước, mua sắm các thiết bị chống hạn hán, ngập úng; đồng thời, rà soát các hộ dân đang sinh sống tại những điểm sung yếu có nguy cơ sạt lở.
Với phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng", khi xảy ra thiên tai, các thành viên ban chỉ huy PCTT - TKCN trực chỉ huy 24/24 giờ và xảy ra thiên tai ở địa phương nào thì sử dụng lực lượng ở địa phương đó, phối hợp cùng lực lượng vũ trang sẵn sàng làm nhiệm vụ theo kế hoạch; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi cần thiết, vận động nhân dân trong mùa mưa lũ, mỗi gia đình phải có kế hoạch dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm khác đảm bảo cho gia đình sinh hoạt từ 5 - 7 ngày trở lên khi có tình huống bất trắc; có phương án, kế hoạch tổ chức tốt công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn trung ương, trong thời gian chuyển mùa năm 2023, các hiện tượng thiên tai cực đoan như: dông, lốc, sét và mưa đá thường xuyên xảy ra với cấp độ mạnh và phạm vi rộng.
Cùng đó, hạn hán, nắng nóng, mưa bão cũng sẽ xuất hiện sớm và kéo dài cả năm với lượng mưa lớn.
Bởi vậy, trước những diễn biến bất thường của thiên tai, đặc biệt là mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Văn Chấn cần tiếp tục chỉ đạo sát sao cũng như xây dựng cụ thể phương án phòng, tránh, ứng phó, không nên chủ quan trước những tình huống bất trắc có thể xảy ra, tránh những thiệt hại đáng tiếc về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Thanh Tân