Sản phẩm xăng dầu "Made in Vietnam" đầu tiên sẽ ra mắt ngày 22/2 tới

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/2/2009 | 12:00:00 AM

Là công trình trọng điểm quốc gia, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN làm chủ đầu tư có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi cũng như khu vực miền Trung. Vượt bao khó khăn, vất vả, sản phẩm xăng dầu "Made in Vietnam" đầu tiên của Dung Quất sẽ ra lò vào ngày 22/2 tới.

Trong những năm qua, Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn được Đảng và Chính phủ dành cho sự quan tâm đặc biệt, đồng thời lãnh đạo PVN cũng thường xuyên chỉ đạo, mở rộng cơ chế ủy quyền cho Ban QLDA.

Có mặt tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tư cách là nhà thầu chính của các gói thầu EPC 1+4 & 2+3, tổ hợp Technip gồm 4 thành viên: Technip Pháp, Technip Malaysia, JGC (Nhật) và Technicas Reunidas (Tây Ban Nha). Có thể nói đây là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế trong xây dựng, đặt biệt là các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng theo yêu cầu của ngành công nghiệp lọc hóa dầu còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Ở những giai đoạn cao điểm, có hơn 12.000 người lao động miệt mài làm việc tại công trường.

Phát triển ngành công nghiệp lọc - hóa dầu có vai trò nền tảng và ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của nền kinh tế. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Chính phủ giao cho ngành Dầu khí thực hiện, với mục tiêu nhằm đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đó là lý do mà Chính phủ đã đầu tư hơn 2,5 tỉ USD cho dự án này.

Được xây dựng trên diện tích gần 800 ha bao gồm cả mặt đất và mặt biển, dự án có 7 gói thầu chính, trong đó có 14 phân xưởng chế biến công nghệ, tổng diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 200 ha (tương đương 200 sân bóng đá); hơn 100.000 tấn vật tư, thiết bị (tương đương 10.000 xe bus cỡ lớn); trên 5 triệu mét dây cáp điện (đủ để căng từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh và ngược lại); gần 17.000 tấn thép các loại (đủ để xây dựng 2 tháp Eiffell).

Theo ông Nguyễn Hoài Giang - Phó TGĐ kỹ thuật, Phó Trưởng ban chạy thử nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngày 14/2, phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) đã chế biến ra dòng sản phẩm dầu đầu tiên. Dự kiến vài ngày tới, dòng sản phẩm dầu đầu tiên này sẽ được chế biến đảm bảo đạt đúng tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, hiện Dung Quất đã có hai phân xưởng công nghệ quan trọng đưa vào hoạt động, là phân xưởng chưng cất dầu thô và xử lý nước chua.

Khi vận hành công suất ở mức 100% (dự kiến tháng 8 năm nay), nhà máy sẽ sản xuất gần 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn dầu diezel, khoảng 23.000 tấn LPG và các sản phẩm khác như xăng máy bay Jet-A1 (khoảng 30.000 tấn) và dầu FO (khoảng 25.000 tấn) mỗi tháng. Với tiến độ vận hành thử hiện nay, riêng năm 2009, nhà máy sẽ sản xuất được khoảng 2,7 triệu tấn sản phẩm các loại.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó TGĐ Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) cho biết, với công suất 6,5 triệu tấn/năm, Dung Quất sẽ đáp ứng khoảng 33% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 55/2007/NĐ - CP ngày 6/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, cơ chế giá xăng dầu của Dung Quất không hoàn toàn theo cơ chế thị trường mà là bán thị trường. Nguyên tắc là Nhà nước có quyền can thiệp để điều tiết. Ví dụ, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Nhà nước có thể sử dụng xăng dầu dự trữ tại Dung Quất, giảm giá bán tại đây để điều chỉnh giá trong một thời gian nhất định.

Ngoài ra, nhà máy cũng tạo ngay nguồn thu đáng kể cho ngân sách phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội. Doanh thu dự kiến hằng năm của nhà máy khoảng trên 55.000 tỷ VND, trong đó xăng chiếm khoảng 19.000 tỷ VND, dầu diesel ôtô chiếm khoảng 26.000 tỷ VND (chưa kể đến doanh số của nhà máy sản xuất polypropylene), từ đó sẽ giảm đáng kể tỉ lệ nhập siêu của quốc gia.

Nhà máy cũng sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động trực tiếp, hàng nghìn lao động gián tiếp trong khu công nghiệp cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ như công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế tạo và lắp ráp, vận tải...

Một ngày mới lại về trên đại công trường nhà máy lọc dầu Dung Quất. Những người thợ hôm nay đang hối hả hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ. Trái tim Dung Quất đang chuẩn bị rung lên những "nhịp đập" đầu tiên, mở ra hướng phát triển tươi sáng cho ngành dầu khí nước nhà, đúng như lời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói ngày 10/9/2004 trong chuyến thăm và làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất: “Việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhiệm vụ rất quan trọng được Đảng và Chính phủ giao cho ngành Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện. Cho dù dự án đã bị chậm trễ nhiều năm do những nguyên nhân khác nhau, song chúng ta quyết xây dựng thành công nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước”.

(Theo ĐCSVN)

Các tin khác

Sau hơn 1 năm giao cho các địa phương làm chủ đầu tư Tiểu dự án, Ban giải phóng mặt bằng các địa phương mới thực hiện chi trả được hơn 373 tỷ đồng, trong tổng vốn khoảng 1.600 tỷ đồng.

Hôm qua 12.2, theo ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia chỉ được cung cấp kinh phí là 90 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với mức kinh phí mà Bộ Công thương và các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất (300 tỉ đồng). c

Ngân hàng Quốc Tế đang triển khai chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng đồng Việt Nam, với lãi suất siêu ưu đãi” ở mức thấp nhất 1%/năm sau khi được bù lãi suất theo quy định 131 của Chính phủ và Thông tư số 2 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 6.2, Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC) đã có buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng các ngành chức năng về báo cáo cuối kỳ dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục