Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 96%, trong những năm qua, Mù Cang Chải đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo. Huyện đã cụ thể hóa các chương trình, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo, xác định trọng tâm là thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, huyện đã thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, nhà ở, giải quyết việc làm và đào tạo nghề... Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện Mù Cang Chải đạt 8,44%.
Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên cho biết: "Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh; các chương trình trọng điểm và nhiệm vụ trọng tâm đã xác định, đặc biệt là các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí, các chỉ số tiếp cận trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng như hoàn thành việc xây dựng 3 xã và 40 bản đạt các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2025.
Điều rất đáng mừng là nhờ những nghị quyết và chính sách rất kịp thời của tỉnh, người dân Mù Cang Chải đã từng bước hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, biết phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nâng mức sống của đồng bào”.
Cùng với Mù Cang Chải, Trạm Tấu là địa phương cũng trên 94% là đồng bào DTTS; dân trí không đồng đều, người dân đa phần là sản xuất nông nghiệp, số hộ nghèo và cận nghèo còn cao, với trên 56%. Một trong những "chìa khóa” giảm nghèo cho bà con DTTS được huyện triển khai hiệu quả trong thời gian qua là huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) cho vay hộ nghèo, trong đó có chính sách hỗ trợ cho vay làm nhà ở cho hộ nghèo.
Anh Giàng A Chang - thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ cho biết: "Đất ruộng ít, nguồn thu của cả gia đình chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp manh mún nên từ khi ra ở riêng, vợ chồng tôi luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2023, gia đình được vay 40 triệu đồng từ chương trình vốn vay nhà ở của Ngân hàng CSXH huyện. Tháng 1 này, gia đình có nhà ở kiên cố sẽ là động lực để vợ chồng cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo”.
Ngoài chính sách ưu đãi cho vay hộ nghèo, huyện Trạm Tấu đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ
đào tạo nghề, lao động, việc làm cho người dân. Hơn nửa nhiệm kỳ qua, huyện đã đào tạo trên 3.500 lao động, lao động có văn bằng chứng chỉ, đạt trên 29%; giải quyết việc làm mới cho 2.511 người.
Cùng với cho vay là chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã làm được trên 150 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo .Trong Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo giai đoạn 2023 -2025, huyện đặt mục tiêu làm mới và sửa chữa 755 nhà. Riêng năm 2023, trong tổng số 369 nhà, huyện có 211 nhà được hỗ trợ làm mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia ( CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1.
Từ các nguồn lực của trung ương, của tỉnh cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện Trạm Tấu giảm từ 6,5% trở lên (năm 2021 giảm 7,02%; năm 2022 giảm 6,96%, trong đó trên 3% là số hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo).
Giai đoạn 2021 - 2025, riêng đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Yên Bái được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 1.384,7 tỷ đồng, chiếm 54% tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Từ khi triển khai Chương trình, tỉnh đã tập trung đầu tư cho lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, văn hoá, giáo dục, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Cùng với đó, từ các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, tỉnh đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo theo hướng tập trung, không dàn trải. Những nỗ lực đó đã giúp cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân vùng cao; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm còn 12,9% (giảm 5,15% so với 2021), trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm còn 22,2% (giảm 8,15% so với 2021), vượt mục tiêu đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đánh giá: "Việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Minh chứng rõ nhất là đã có hàng trăm hộ đồng bào DTTS ở Yên Bái viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo; hàng nghìn hộ gia đình tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất phục vụ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình, xây dựng nông thôn mới... Nhiều hộ gia đình vươn lên trở thành những điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho gia đình, quê hương, bản làng".
Có thể khẳng định, vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng như cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và bà con người DTTS đã và đang đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái.
Thanh Chi