Trạm Tấu đào tạo nghề gắn với công tác giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/10/2023 | 9:15:01 AM

YênBái - Năm 2023, toàn huyện Trạm Tấu có 3.982 hộ nghèo, chiếm 56,37% số hộ và 548 hộ cận nghèo chiếm 7,76%. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 6,5% trở lên vào cuối năm.

Người dân xã Bản Công, huyện Trạm Tấu được cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, phát triển Nông nghiệp huyện đào tạo nghề trồng nấm sò.
Người dân xã Bản Công, huyện Trạm Tấu được cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, phát triển Nông nghiệp huyện đào tạo nghề trồng nấm sò.

Kết thúc 1 tháng lớp học nghề trồng nấm sò, gia đình anh Thào A Say ở bản Sán Trá, xã Bản Công biết vận dụng những kiến thức đã học để trồng loại nấm này. Kiến thức được học cùng với điều kiện khí hậu phù hợp giúp anh Say nuôi trồng thành công lứa nấm sò đầu tiên.

Anh Say chia sẻ: "Từ trồng nấm sò giúp cho gia đình có thêm nguồn thực phẩm cung cấp cho các bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, gia đình cũng bán ra thị trường với mức giá 50 nghìn đồng/kg, tăng nguồn thu nhập. Thu nhập tốt thế này, thời gian tới gia đình sẽ trồng thêm nấm, góp phần giảm nghèo”.

Xã Bản Công hiện có 3.118 nhân khẩu, trong đó có trên 1.600 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương khá cao, trên 74,6%. Vì vậy, xã xác định đào tạo nghề hết sức quan trọng để các hộ nghèo, cận nghèo có được "cần câu" phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngay từ đầu năm, Bản Công khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân về nhu cầu đào tạo nghề để từ đó đề xuất với huyện mở 2 lớp đào tạo nghề, tập trung vào nghề nông nghiệp.

Ông Giàng A Hành - Phó chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: "Căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thực tế của người dân, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã lựa chọn nghề trồng nấm sò, trồng ngô, lúa và chăn nuôi trâu, bò. Được đào tạo nghề, nhiều hộ vay thêm vốn phát triển các mô hình chăn nuôi lợn, trâu, bò và trồng thêm ngô, lúa để tăng thu nhập. Đào tạo nghề góp phần giúp Bản Công năm nay giảm 43 hộ nghèo”. 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ thiết thực giúp Bản Công mà tất các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trạm Tấu. Đặc biệt, nhóm nghề nông nghiệp, chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, là các nghề phù hợp với trình độ và điều kiện của nông dân vùng cao và với quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương. 

Đối tượng tham gia học nghề là lao động đang trực tiếp sản xuất, chăn nuôi tại gia đình. Kết quả, sau học nghề, 100% học viên tự tạo việc làm tại gia đình, địa phương. 

Còn đối với nhóm nghề phi nông nghiệp, các nghề làm ra sản phẩm đang có nhu cầu lớn trong nước hoặc xuất khẩu và gắn với thị trường, học viên tận dụng thời gian nông nhàn, nguyên liệu sẵn có của địa phương, vốn đầu tư ít, cũng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bà con. 

Anh Nguyễn Thế Thanh - Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Đối với học viên vùng cao thì những cán bộ nông nghiệp phải thông thạo tiếng bản địa để hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con. Giáo trình có chứng minh bằng hình ảnh minh họa để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng".

Tính đến tháng 10/2023, toàn huyện có 817/850 người được đào tạo nghề, trong đó cao đẳng 5 người, trung cấp 204 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 608 người và 6 lớp đào tạo nghề cho 180 lao động nông thôn, tập trung vào các lĩnh vực: hướng dẫn viên du lịch, chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng ngô,  kỹ thuật trồng lúa... 

Đến nay, đối với những học viên học nghề nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm đạt 100%, hầu hết tự tạo việc làm tại gia đình, địa phương.

Đối với những học viên học nghề phi nông nghiệp như: xây dựng, điện dân dụng, chế biến chè…,tỷ lệ có việc làm đạt từ 60% trở lên và có thể tự tạo việc làm tại hộ gia đình, tham gia xây dựng tại các tổ, đội công trình xây dựng trong huyện. 

Cùng đó, hàng năm, huyện đã tư vấn giới thiệu việc làm cho học viên sau khi đào tạo nghề vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn như: xưởng sản xuất chè, các tổ, đội xây dựng…

Bên cạnh đó, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội  huyện Trạm Tấu còn có phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề theo hình thức xã hội hóa, trong đó: Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp đào tạo 93 người; Trường Cao đẳng Yên Bái phối hợp đào tạo 63 người; Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đào tạo 61 người; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên  đào tạo huyện 85 người; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Tây Bắc đào tạo 16 người; học nghề tại các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh theo các chương trình, dự án là 319 người.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng Phòng Lao động  -Thương binh và Xã hội huyện, Phòng xác định mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 6,5% trở lên vào cuối năm 2023.

Người dân vùng cao Trạm Tấu còn nhiều khó khăn, việc được đào tạo nghề, trang bị những kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp sẽ là cơ hội để người lao động chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Minh Huyền

Tags Trạm Tấu đào tạo nghề giảm nghèo Bản Công

Các tin khác
Ông Cháng A Sai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của hộ nghèo trên địa bàn.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Trấn Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống , góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,75%.

UBND huyện Văn Yên hỗ trợ lợn giống cho các hộ nghèo thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp.

Tiếp nối nhiều cách làm sáng tạo đã thực hiện thời gian qua, năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo”, hướng tới xã không còn hộ nghèo để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên và UBND xã Quy Mông tham quan mô hình kinh tế của bà Phùng Thị Ý.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê núi của anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông và 2 thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã đề ra những giải pháp cụ thể. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục