Tại Homestay Hello
Mù Cang Chải của anh Giàng A Dê ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, để tạo sự khác biệt cho mô hình của gia đình, anh Dê mời du khách nước ngoài dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trên địa bàn. Đổi lại, anh mời du khách thưởng thức các món ăn bản địa, hướng dẫn họ trải nghiệm các công việc thường ngày như: gặt lúa, cấy lúa, thu hái sơn tra…
Anh Sebastian Morhartdt đến từ nước Đức vui vẻ: "Ở đây cảnh rất đẹp, tôi rất thích thú khi được trải nghiệm cung đường bằng chiếc xe địa hình ATV. Đặc biệt, tôi được tham gia thu hoạch lúa cùng bà con, vui lắm! Chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn mình địa điểm thú vị này”.
Anh Giàng A Dê chia sẻ: "Làm du lịch cộng đồng là phải gắn với cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán của dân tộc mình. Đưa du khách đi trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của bà con, du khách rất vui và thích”.
Tại homestay Sà Rèn của gia đình bà Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, du khách được tận hưởng không khí làng quê thanh bình yên ả. Khuôn viên homestay của gia đình bà Loan được thiết kế hòa vào thiên nhiên. Trước cửa là một ao cá nhỏ xinh, xung quanh là vườn rau, vườn hoa, cây ăn quả và khung cảnh ruộng đồng.
Với 2 căn nhà sàn 15 gian, gia đình bà Loan có thể đón gần 30 - 40 khách ngủ lại qua đêm, phục vụ ăn uống cho khoảng 60 - 80 người. Tại đây, du khách còn được tham gia các hình thức văn nghệ truyền thống với các đội múa xòe cổ, chơi nhạc cụ dân tộc, đi xe đạp để trải nghiệm tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân địa phương và thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào Thái.
Bà Hoàng Thị Loan - chủ Homestay cho biết: "Gia đình tôi bố trí nơi ăn cho khách ở dưới sàn nhà để du khách có thể vừa thưởng thức bữa ăn vừa ngắm khung cảnh xanh mát xung quanh, phía trên là chỗ nghỉ với chăn màn thổ cẩm và không gian yên tĩnh và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách như: đi đạp xe đạp tham quan bản làng".
Yên Bái hiện có trên 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Thái và 25 điểm hoạt động du lịch ở các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ.
Bên cạnh lồng ghép với các dịch vụ ăn, nghỉ, các homestay luôn có nhiều hoạt động, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc như múa xòe, thổi khèn bè, múa sạp… Những hoạt động này đã giúp tạo ra nét riêng, hấp dẫn tại các điểm du lịch cộng đồng.
Anh Bàn Văn Hà - chủ Homestay Xuân Nghị ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình chia sẻ: "Khi du khách đến với Phúc An, chúng tôi sẽ tổ chức các tour tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa, đi tham quan đình Ba Chãng và đền, chùa, thác Ô Đồ. Buổi tối sẽ tổ chức múa, hát các điệu dân ca của đồng bào dân tộc Dao”.
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn là cách quảng bá các nét đẹp văn hóa, ẩm thực tới du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang tạo đà cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của ngành du lịch Yên Bái. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, năm 2022, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu và mở cửa hoạt động du lịch, thích ứng an toàn, linh hoạt. Một số tuyến du lịch cộng đồng được khai thác, tập trung ở khu vực phía Tây của tỉnh và phía Đông hồ Thác Bà như: Sơn Thịnh - Suối Giàng - Sà Rèn, Nghĩa Lợi - Tú Lệ - La Pán Tẩn - thị trấn Mù Cang Chải; Sơn Thịnh - Nghĩa An - Trạm Tấu; Phúc An - Vũ Linh - Cẩm Nhân - Ngọc Chấn; Khai Trung - Mường Lai....
Với những lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh hướng đến là điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc". Nhờ đó, năm 2022, du lịch Yên Bái đã đón trên 1,5 triệu lượt khách, vượt 44,4% kế hoạch năm, doanh thu ước đạt trên 1.100 tỷ đồng. Riêng trong tháng 1/2023, toàn tỉnh có trên 70.700 lượt khách đến tham quan, du lịch với doanh thu đạt trên 168 tỷ đồng.
Hồng Duyên