Hương tết Việt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đất trời vào xuân trong vòng quay hối hả, trong sự bận rộn mong hoàn tất công việc bộn bề của năm cũ để đón xuân trong sự thanh nhàn, hoàn hảo. Dù cho có trăm công nghìn việc thì chuẩn bị bánh chưng tết vẫn là việc không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tết xưa, xuân xưa còn gợi lại bao điều qua đôi câu đối tết: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Cái thần tài của đôi câu đối đã bao hàm được những nét đặc trưng nhất trong cái tết cổ truyền rất riêng có của dân tộc Việt Nam. Và trong đó “bánh chưng xanh” chính là cội nguồn của dân tộc Việt làm nên hương tết Việt.

Tự thuở xưa giữa những món ăn sơn hào hải vị, giữa các loại bánh được làm cầu kỳ và sang trọng của các hoàng tử dâng lên vua cha, Vua Hùng Vương đã hết sức thú vị trước cặp bánh chưng, bánh dày của hoàng tử Lang Liêu, đó là một món ăn ngon miệng đến lạ kỳ lại được tạo nên bởi những thứ thật giản dị, đời thường mà hàm chứa ý nghĩa cao cả, thiêng liêng. Bên cạnh bánh dày tượng trưng cho Trời là chiếc bánh chưng tượng trưng cho Đất. Với màu xanh của lá dong, của nhân đỗ, của tiêu, hành đại diện cho cỏ cây hoa lá, có nhân thịt đại diện cho chim thú muôn loài như nhắc nhớ về cội nguồn của sự sống, về công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Món ăn của hoàng tử Lang Liêu với tất cả tấm lòng thành kính dâng lên vua cha đã được truyền lại cho thế hệ muôn đời.

 

Cái cảm giác thú vị, đợi chờ ngày mẹ gói bánh chưng tết đã đi vào trong tôi từ những ngày thơ bé. Những đứa trẻ chúng tôi túm tụm xem gói bánh chưng. Bàn tay khéo léo của bà, của mẹ, nâng niu tàu lá dong xanh rồi gập, rồi xếp sao mà tài tình, sao mà khéo léo, chỉ trong phút chốc chiếc bánh chưng vuông vức đã thành hình… 

 

Giúp mẹ chuẩn bị gạo gói bánh chưng.

Tưởng chừng rất đơn giản nhưng khi tìm hiểu và bắt tay vào làm mới thấy để có bánh chưng ngon là đòi hỏi hết sức công phu và khéo léo. Đó là sự cẩn thận và cầu kỳ từ khâu chọn lá: những tàu lá còn tươi xanh đều tăm tắp, không được già, cũng không quá non. Trước khi gói bánh, lá dong phải được rửa sạch, để ráo nước. Rồi chọn gạo, gạo nếp ngon, dẻo và đặc biệt là thơm sẽ được lựa chọn để gói bánh. Đó sẽ là nếp Tú Lệ, nếp cái Hoa vàng hay các loại nếp nào khác thì mỗi lựa chọn đều mong có bánh chưng rền, thơm và để được lâu nhất. Thịt để làm nhân bánh phải có cả nạc, cả mỡ, để khi nấu lên mỡ mềm, tan ra ngấm vào gạo tăng thêm độ ngậy cho bánh. Pha nhân bánh cũng cần phải khéo léo, không quá dày, cũng không quá mỏng, miếng thịt phải liền không được vụn vặt… Thịt được ướp gia vị, đặc biệt là không thể thiếu tiêu, hành. Hạt tiêu say nhỏ ướp nhân bánh vừa thơm ngon, vừa có vị cay tăng tính hấp dẫn cho người thưởng thức.

 

Gia đình Ông Nguyễn Ngọc Túc, bà Nguyền Thị Thuý ở phường Yên Ninh - thành phố Yên Bái vốn giữ được nếp xưa là gói bánh chưng để dâng lên ông bà tổ tiên mỗi khi tết đến xuân về. Từ 5 năm trở lại đây do nhu cầu đặt bánh chưng tết của những nhà hàng xóm và người thân quen mà gia đình ông bà trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều gia đình đến đặt bánh chưng tết. Từ trước tết 1 tháng đã có người đánh tiếng đặt bánh. Mỗi chiếc bánh chưng với giá từ 8 - 10.000 nghìn đồng, như tết năm ngoái ông bà gói tới 1.000 chiếc bánh. Với bí quyết riêng của mình bánh chưng nhà ông Túc, bà Thuý luôn được mọi người tin tưởng, đặt mua. Đó cũng là công việc mà ông bà thấy được vui tay vui chân lúc tuổi già lại giữ gìn được nét đẹp cổ truyền của dân tộc.

 

Dù cho trong nhịp sống hiện đại gói bánh chưng tết đã không còn được mấy gia đình lưu tâm đặc biệt là ở nơi phố thị, song tại những miền quê Việt Nam tục gói bánh chưng ngày tết vẫn còn được lưu giữ đó là nếp nhà, đó là cái hồn của tết không dễ gì bỏ được. Bánh chưng vẫn là thứ không thể thiếu làm nên hương vị của tết. Trong mâm cơm dâng lên ông bà tiên tổ, làm sao có thể thiếu bánh chưng, trong bữa cơm tất niên gia đình xum họp bánh chưng là cái để mỗi người con nhắc nhớ về cội nguồn về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ lớn lao như Trời và Đất mà thuở xưa Lang Liêu từng tâm niệm. Tin rằng trong hành trang của không ít người hôm nay đã có thủa thiếu thời say sưa với sự tích về bánh chưng, bánh dày với những câu chuyện cổ được mẹ, được bà kể bên bập bùng ánh lửa trông nồi bánh chưng đêm cuối năm.

 

 Ngọc Tú - Thành Trung

Các tin khác
Khu du lịch Tân Hương. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Một mùa xuân mới đến mang theo bầu không khí trong lành, tươi mới ngập tràn không gian bao la của núi rừng Tây Bắc. Vùng đất Yên Bái với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với những con người đôn hậu, thật thà và mến khách như muốn níu chân du khách lại nơi này. Năm 2006 đã đi qua với những thành công đáng kể của tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực mà trong đó, thương mại và du lịch - ngành “công nghiệp không khói” được coi là một trong những thành công nhất.

YBĐT - Chúng ta ai cũng từng nghe câu:" Nam vô tửu như kỳ vô phong". Người ta lại nói trong sinh hoạt:" Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà" để nói lên văn hóa uống rượu của cha ông từ ngàn xưa, cũng là một trong những kinh nghiệm để giữ cho đầu óc luôn minh mẫn, duy trì sức khỏe "Lương y bất đáo gia". Kể ra mỗi khi vui tết, đón xuân, giỗ chạp, liên hoan, lễ hội... có chén rượu thì thêm ấm cúng, nghĩa tình. Rượu mà bà con vẫn ta thường dùng hiện nay được nấu bằng nếp và men tự làm, an toàn.

Vào cuộc. (Ảnh: Thế Sinh)

YBĐT - Mỗi lần Tết đến, xuân về, người Mông ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao huyện Văn Chấn lại tổ chức lễ cúng thần núi. Tiếng Mông là Tsang hâur tose, nghĩa là gầu tào.

YBĐT - Ngày xưa, cứ mỗi lần tết đến, mẹ và chị cả thường giã nếp thình thịch thâu đêm để gói bánh tét cúng gia tiên và “tết bò”. Chiếc cối đẽo từ cây danh mộc vững chãi. Vành cối rộng và vuông vức giữ cho nếp khỏi văng đổ ra ngoài, miệng cối hình tròn sâu hoắm - nơi đôi chày cái giở lên, cái giã xuống thậm thịch làm trộn trạo những hạt nếp bóc vỏ trắng bóng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục