Về bản Hốc tắm suối tiên
- Cập nhật: Chủ nhật, 18/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dòng suối này có tên là suối Nhì, bắt nguồn từ Thác Hoa mãi tận Tà Xi Láng của huyện Trạm Tấu đổ xuống, qua đèo cao thung sâu mang đầy khí trời, hơi gió nên quanh năm mát mẻ. Dòng Nhì chảy qua bản Hốc xã Sơn Thịnh sinh nguồn nước nóng. Không ai nhớ suối Nhì có đã bao lâu, chỉ biết rằng giai thoại về sự tích suối nước nóng bản Hốc cho đến giờ còn được người già trong vùng truyền kể.
Chuyện kể rằng thuở xưa, Ma Long Vương vốn là một con thuồng luồng của đất mường Bảnh, tính nóng như lửa. Biết ngòi Nhì đoạn chảy qua bản Hốc lắm cá, tôm nên nảy sinh lòng tham chiếm giữ. Sau mấy ngày giao tranh dữ dội với Ma Long Vương ngòi Nhì, Ma Long Vương mường Bảnh thua trận, không kịp chạy về phải lặn sâu dưới đáy nước trốn biệt. Kể từ ấy, suối Nhì chảy qua bản Hốc nước nóng rát, sủi tăm sùng sục suốt ngày đêm. Người ta bảo rằng, đó là hơi thở dữ dội của kẻ bại trận. Thực hư truyền tích khiến cho suối nước nóng bản Hốc mang đậm màu sắc huyền hoặc, thần bí, cuốn hút du khách thập phương.
Quả thật, khắp miền Tây Bắc kỳ vĩ và thơ mộng, nhiều bản làng của người Thái có thể trở thành nơi tham quan và phát triển du lịch văn hoá cộng đồng, song hiếm có nơi nào được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn nước suối khoáng nóng và những bản làng trù phú đẹp như ở bản Hốc. Với nhiệt độ trung bình đạt từ 50 đến 60 độ C, qua phân tích các mẫu nước suối nóng cho thấy đều có độ khoáng hoà tan cao, tốt cho dưỡng sinh và trị các bệnh ngoài da.
Nhiều sinh hoạt văn hoá của người Thái đang được bảo tồn.
Cũng như người dân bản địa, sinh ra đã được tắm suối khoáng nóng, ông Lò Văn Chồm lấy làm tự hào về dòng suối nóng quê mình. Nhận thấy kiểu “tắm tiên” lâu nay của đồng bào chưa đáp ứng được nhu cầu thăm thú và nghỉ dưỡng của khách du lịch và nhân dân qua lại địa bàn. Năm 2004, ông huy động vốn liếng từ anh em, bạn bè xây dựng lên khu tắm nóng này. Hiện nay, khu tắm nóng của gia đình ông Chồm có 19 phòng tắm cho cả khách bình dân và khách du lịch hạng sang. Ông cũng là người bản địa đầu tiên và là người Văn Chấn tiên phong trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch suối khoáng nóng ở Yên Bái.
Xuân này về bản Hốc, về với truyền tích xưa của một vùng đất đẹp, du khách chẳng những tìm được cho mình những giây phút thư thái trong bồn nước khoáng nóng, hay những bãi “tắm tiên” thơ mộng mà còn được tận hưởng cảch đẹp của núi rừng Tây Bắc. Để rồi say mềm cùng em gái Thái trong chén rượu ngô thơm nồng, trong điệu Khắp, điệu Xoè xao xuyến lòng người; được mời nghỉ lại trong ngôi nhà sàn xinh xắn, cùng thưởng thức những món ăn dân dã của người Thái hiếu khách… Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ gợi cho bạn, cho tôi ấn tượng về nét hoang sơ một thuở của suối khoáng nóng bản Hốc.
Minh Thuý - Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Những đêm văn hoá nhà sàn, ấn tượng nức lòng nhất là sống trong nhịp điệu xoè. Tôi chỉ biết đến những giá trị văn hoá sâu sắc của đêm hội múa xoè là một hội vui lớn, gắn kết giữa con người với con người, với cộng đồng, với thiên nhiên, đất trời bao la qua tập tuỳ bút “Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân và giờ đây mới thực sự được thưởng thức và chiêm ngưỡng.
YBĐT - Đất trời vào xuân trong vòng quay hối hả, trong sự bận rộn mong hoàn tất công việc bộn bề của năm cũ để đón xuân trong sự thanh nhàn, hoàn hảo. Dù cho có trăm công nghìn việc thì chuẩn bị bánh chưng tết vẫn là việc không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tết xưa, xuân xưa còn gợi lại bao điều qua đôi câu đối tết: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Cái thần tài của đôi câu đối đã bao hàm được những nét đặc trưng nhất trong cái tết cổ truyền rất riêng có của dân tộc Việt Nam. Và trong đó “bánh chưng xanh” chính là cội nguồn của dân tộc Việt làm nên hương tết Việt.
YBĐT - Một mùa xuân mới đến mang theo bầu không khí trong lành, tươi mới ngập tràn không gian bao la của núi rừng Tây Bắc. Vùng đất Yên Bái với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với những con người đôn hậu, thật thà và mến khách như muốn níu chân du khách lại nơi này. Năm 2006 đã đi qua với những thành công đáng kể của tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực mà trong đó, thương mại và du lịch - ngành “công nghiệp không khói” được coi là một trong những thành công nhất.
YBĐT - Chúng ta ai cũng từng nghe câu:" Nam vô tửu như kỳ vô phong". Người ta lại nói trong sinh hoạt:" Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà" để nói lên văn hóa uống rượu của cha ông từ ngàn xưa, cũng là một trong những kinh nghiệm để giữ cho đầu óc luôn minh mẫn, duy trì sức khỏe "Lương y bất đáo gia". Kể ra mỗi khi vui tết, đón xuân, giỗ chạp, liên hoan, lễ hội... có chén rượu thì thêm ấm cúng, nghĩa tình. Rượu mà bà con vẫn ta thường dùng hiện nay được nấu bằng nếp và men tự làm, an toàn.