Mường Lò tuần lễ hội
- Cập nhật: Thứ tư, 17/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBDT - Giữa độ chớm mùa ban Tây Bắc, giữa tiết đầu thu hiu hiu dịu nhẹ, giữa những ngày tháng Mười lịch sử của mảnh đất Nghĩa Lộ, Tuần lễ Văn hóa Mường Lò 2007 (từ 13 - 18/10) đến hẹn lại lên, chờ đợi du khách khám phá một miền Tây hoa ban trắng.
Nhiều đặc sản truyền thống của đồng bào ở thị xã được khách hàng ưa chuộng.
|
Trong không khí náo nức nhộn nhịp hướng tới kỉ niệm 55 Ngày giải phóng Nghĩa Lộ (18/10/1957 - 18/10/2007), Hội chợ Thương mại - Du lịch - Thời trang - Ẩm thực miền Tây Yên Bái tại Sân Bảo tàng thị xã Nghĩa Lộ khai mạc sáng ngày 13/10 mở đầu cho Tuần lễ Văn hóa Mường Lò. Đất Mường Lò xưa nay vốn nổi tiếng với nhiều thương phẩm mang bản sắc vùng, nay được dịp khoe mình với khách thập phương.
Bước chân vào Hội chợ, người chơi chợ sẽ ngợp mắt trước vô số hàng hóa đủ loại trải khắp hơn một trăm gian hàng. Những sắc thổ cẩm của khăn piêu, áo cỏm, váy Mông... rực rỡ cả khu hàng sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Qua gian ẩm thực, du khách sẽ bị hút bởi xôi ngũ sắc, gỏi cá suối, pa pỉnh tộp… và rờ tay vào nắm gạo tẻ trắng thơm để hiểu thế nào là “Mường Lò gạo trắng nước trong”…
Cũng có thể tỉ mẩn mân mê nhiều sản phẩm thủ công mĩ nghệ của chính những doanh nghiệp trên địa bàn tại khu hàng này. Ướm thử chiếc váy Thái nhung thêu hoa xanh dọc viền gấu, cô gái Thái độ xuân thì ưng ý chọn cho mình một món hàng từ hội chợ. Đôi trai gái người Mông từ Mù Cang Chải về cũng thích thú lắm trước chiếc váy Mông quen thuộc. Không còn xa lạ gì với những hội chợ thương mại - du lịch đã nhiều lần tổ chức tại vùng Mường Lò trong thời gian gần đây nhưng nhiều người vẫn choáng ngợp trước hàng hóa của Hội chợ lần này. Du khách từ tỉnh bạn đến với Mường Lò không giấu nổi sự thích thú.
Rời Hội chợ, đến với xã Nghĩa An, cùng khám phá những đặc sắc của một làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái - dân tộc chiếm một tỉ lệ lớn ở vùng này. Nghĩa An là xã phát triển mạnh nhất nghề dệt thổ cẩm của thị xã. Ngay tại khu nhà sàn - Nhà văn hóa xã, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến đầy đủ nhiều hoạt động của một làng nghề dệt của người Thái thu nhỏ.
Trong tiếng thoi đưa đều đặn của những khung cửi, dưới bàn tay khéo léo của những phụ nữ bản địa, những sợi thổ cẩm đơn chiếc cứ dần dần thành hình những miếng vải thổ cẩm, những sợi dây thổ cẩm đẹp đẽ. Nhưng chỉ những mảnh thổ cẩm trơn thôi chưa đủ, với chiếc kim thêu, những phụ nữ Thái khéo léo lại thêu đủ những mẫu hoa văn lên đó. Tận mắt chứng kiến đường thêu, nét hoa văn trên miếng vải, du khách sẽ không khỏi trầm trồ...
Gian hàng giới thiệu công đoạn may thổ cẩm, những mảnh vải thổ cẩm đơn thuần, chỉ với chiếc máy khâu đã có thể trở thành những bộ váy áo thổ cẩm đủ kiểu dáng hay những tấm thảm trải, những chiếc đa thổ cẩm chắc chắn, cả những chiếc gối vuông vắn với đường nét hoa văn tinh tế… Tại gian hàng giới thiệu những thành phẩm này, du khách có thể thỏa sức chiêm ngưỡng và lựa chọn những món quà kỉ niệm đậm sắc thái bản mường.
Chiếc khung dệt là vật dụng quen thuộc trong gia đình người Thái, hầu như nhà nào cũng có để hình thành nên cả làng nghề. Người phụ nữ Thái dệt vải, thêu thổ cẩm từ sớm, không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà nay còn trở thành thương phẩm được ưa chuộng. Không những thế, hình ảnh làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống được tái hiện sinh động bằng hàng loạt bức ảnh tại gian triển lãm ảnh. Đến đây, ngoài thổ cẩm, du khách còn được chứng kiến tay nghề của những người nông dân trong việc đan lát với những sản phẩm như: ớp, thúng, bung…
Cùng khám phá du lịch làng nghề, du khách sẽ được thưởng thức một “Đêm Mường Lò” đầy ấn tượng. Ngắm những trang phục của 6 dân tộc ở vùng Mường Lò: Kinh, Thái, Tày, Mường, Mông, Khơ Mú được các chàng trai, cô gái bản địa trình diễn; đắm mắt trong điệu múa “Tiếng nhạc gọi xuân”, “Xuân về bản em”, “Mùa xuân trên bản Khơ Mú” hay điệu múa sạp rộn rịp...; thả mình trong tiếng hát “Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?”, “Nghĩa Lộ quê em”, “Đi chợ Mường Lò”… Khi đêm buông, là lúc ánh lửa xòe bừng sáng, là lúc tay nắm tay mở rộng vòng đại xoè, cùng đắm say trong câu hát “Vào đây anh, xòe đi anh, đừng để em cô đơn một mình… Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang về xuôi...”.
Lưu luyến một vòng xòe Nghĩa Lộ nhưng sẽ không trọn vẹn nếu không ngược lên Suối Giàng (Văn Chấn), thưởng thức hương vị chè ở độ cao trên 1300m. Suối Giàng với cây chè Shan tuyết nổi tiếng bấy lâu, dịp này, du khách sẽ được giới thiệu về lịch sử loài chè và chứng kiến lễ tôn vinh, công nhận cây chè tổ. Trong cái lành lạnh của vùng cao khi đất trời chớm thu, nhấp ngụm chè nồng ấm du khách sẽ được hòa mình vào lễ hội văn hóa của người Mông nơi đây: dập dìu theo tiếng hát cô gái Mông, hòa vào tiếng khèn anh trai bản…
Hẳn là rồi du khách sẽ còn nhớ về một Mường Lò đẹp và thơ để hẹn ngày gặp lại!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Nằm trong chương trình của Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò, ngày 16/10, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc Mông và công bố Quyết định của UBND tỉnh về quy hoạch khu du lịch Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn.
Ngày 13/10/2007, tại huyện Bắc Hà (Lào Cai), UBND ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình "Du lịch về cội nguồn" năm 2007, thông qua kế hoạch tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn 2008 của 3 tỉnh.
YBĐT - Chiều 12/10/2007, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch cùng với UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức họp báo để thông báo về chương trình, nội dung Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X - năm 2007.
YBĐT - Dân tộc Dao có khoảng 62.000 người chiếm 9,1% dân số toàn tỉnh Yên Bái. Người Dao sống chủ yếu ở huyện văn Chấn và Văn Yên. Với nam nữ than niên người Dao đỏ mùa xuân, mùa hoa nở là mùa cưới của họ.