Theo đó, ngoài nội dung sát hạch lý thuyết 600 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, học viên khi thi bằng lái xe phải thi thêm nội dung trên phần mềm mô phỏng với 120 tình huống. Việc trang bị thiết bị mô phỏng là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe nhằm đổi mới việc sát hạch lý thuyết và thực hành, góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học.
Với thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau. Mục đích yêu cầu là rõ ràng, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng nhận nhiều ý kiến phản ánh phần thi mô phỏng lái xe ô-tô chưa sát thực tế, cách tính điểm không phù hợp, gây khó cho người dự thi.
Việc cơ quan quản lý lấy các tình huống mất an toàn giao thông, gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng sau đó mô phỏng lại trên phần mềm mới chỉ giúp người học nhận biết các tình huống, đưa ra lựa chọn và tính điểm. Trong khi đó, khi áp dụng vào mô phỏng, việc đánh giá chỉ ở 2 mức, đạt hoặc không đạt. Do đó, nhiều ý kiến của người học cho rằng cần xây dựng lại thang điểm cho phù hợp, theo hướng xử lý sớm có thể là điểm thấp, xử lý đúng đạt điểm tối đa.
"Nhanh một giây, chậm cả đời” là một thông điệp được truyền thông mạnh mẽ về bảo đảm an toàn giao thông. Và trong kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe, nếu hấp tấp, nóng vội, người dự thi cũng có khả năng không đủ điểm đạt yêu cầu. Phần học mô phỏng gồm 120 câu hỏi nhưng khi thi sẽ có 10 câu và thời gian làm bài chỉ kéo dài vài giây. Bài thi không chỉ yêu cầu người học phải lựa chọn đúng tình huống mà phải phù hợp cả thời gian xử lý. Nếu xử lý sớm hơn một giây thì sẽ không được điểm. Do vậy, với những tình huống này, người học sẽ chỉ có hai phương án là 5 điểm nếu xử lý đúng, nếu sai và sớm hơn sẽ là 0 điểm.
Mục đích của cơ quan quản lý khi đưa ra phần mềm học mô phỏng là giúp người học nhận biết và có khả năng xử lý tình huống. Phần mềm mới chỉ chấm điểm khi xử lý đúng thời điểm quy định. Trong khi đó, trên thực tế, việc nhận diện tình huống nguy hiểm, xử lý phụ thuộc vào khả năng phản xạ của mỗi người. Có những người có kinh nghiệm và kỹ năng tốt có thể xử lý tình huống sớm hơn, nhưng với người mới lái xe sẽ xử lý chậm hơn. Về mặt lý thuyết, nếu nhận biết muộn là không tốt; nếu nhận biết sớm hơn, khả năng phán đoán tốt chắc chắn sẽ an toàn hơn. Còn trong quá trình tham gia giao thông, việc xử lý chậm hơn hay sớm hơn còn phụ thuộc vào tình huống giao thông, bởi các tình huống là muôn hình vạn trạng.
Việc cơ quan quản lý lấy các tình huống mất an toàn giao thông, gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng sau đó mô phỏng lại trên phần mềm mới chỉ giúp người học nhận biết các tình huống, đưa ra lựa chọn và tính điểm. Trong khi đó, khi áp dụng vào mô phỏng, việc đánh giá chỉ ở 2 mức, đạt hoặc không đạt. Do đó, nhiều ý kiến của người học cho rằng cần xây dựng lại thang điểm cho phù hợp, theo hướng xử lý sớm có thể là điểm thấp, xử lý đúng đạt điểm tối đa.
Có thể nói, áp dụng công nghệ vào đào tạo lái xe thông qua phần mềm mô phỏng sẽ giúp cho người học được tiếp cận việc lái xe ở trên những điều kiện, địa hình, thực tế mà khi tập lái xe ngoài hiện trường không có điều kiện thực tập. Việc này là không mới, khi các cơ sở đào tạo phi công hay lái tàu cũng đã sử dụng phần mềm mô phỏng để đào tạo nhằm giảm bớt thời gian học, giúp học viên tiếp cận làm quen với thực tế. Mô phỏng, xét cho cùng vẫn chỉ là trang bị cho người học khả năng nhận diện tình huống giao thông chứ không phải dạy kỹ năng xử lý. Kỹ năng sử dụng máy tính tốt không đồng nghĩa với kỹ năng lái xe tốt. Vì vậy cơ quan quản lý cần chỉnh sửa phần mềm theo sát thực tế và có phương án tính điểm phù hợp cho nội dung này để phần thi sát hạch lái xe đạt được hiệu quả, mục đích đã đề ra.
(Theo NDO)