Bác Hồ với cuộc khởi nghĩa Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 7/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm 1926 – 1927, phong trào cách mạng tiếp tục lên cao. Tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” do Bác sáng lập năm 1925 phát triển khá mạnh. Trong lúc đó tổ chức “Việt Nam Quốc dân đảng” cũng đang ráo riết chuẩn bị bạo động. Khi đó, Bác Hồ đang hoạt động tại Xiêm (Thái Lan).
Trần Dân Tiên có kể với Bác Hồ trong cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (Nhà xuất bản văn học, 1969) như sau:
“Ông biết rõ tình hình trong nước. Hai việc quan trọng làm cho ông từ giã nhà chùa và nước Xiêm. Việc thứ nhất là cuộc bạo động của Quốc dân đảng đang chuẩn bị.
Nhận xét cuộc bạo động ấy quá sớm và khó thành công, ông muốn bàn lại kế hoạch với anh em Quốc dân đảng.
Nhưng đường đi từ Xiêm đến Trung Quốc xa xôi. Trong khi ông đang trèo non vượt biển thì cuộc bạo động đã xảy ra như sau:
Vụ Ba Danh đã khiến cho thực dân Pháp điên cuồng và chúng ra tay khủng bố những người yêu nước. Việt Nam Quốc dân đảng bị khủng bố hơn cả, vì như trên đã nói, sự chọn lọc đảng viên quá dễ dàng đã để bọn mật thám chui vào trong Đảng. Thấy nhiều cán bộ và đảng viên bị bắt, nhiều chi bộ Đảng bị phá vỡ, những lãnh tụ như Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu cho rằng: “Ta hành động hay là không hành động, rút cục Đảng cũng sẽ bị khủng bố mà bị tiêu diệt. Cho nên ta cứ bạo động, rồi ra sao thì ra”.
Kế hoạch bị khám phá, cho nên phải làm sớm trước mấy ngày.
Kế hoạch chung đại khái như sau:
a) Bạo động nổ ra khắp nơi. Rồi đưa tất cả lực lượng chiếm một thành phố lớn.
b) Binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp là lực lượng chính. Du kích là lực lượng phụ.
c) Những vũ khí thô sơ gươm, giáo, dao quắm... du kích tự sắm lấy. Súng ống sẽ do binh sĩ khởi nghĩa chuyển cho.
d) Ông Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy cho những tỉnh Sơn Tây, Phú Thọ và Yên Bái. Yên Bái được chọn làm đại bản doanh của bạo động.
Ông Nguyễn Thái Học chỉ huy ba tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Kiến An.
Kế hoạch rất chủ quan, người ta trông mong vào lực lượng vũ khí còn ở trong tay kẻ thù.
Những người liên lạc bị Pháp bắt mất. Hai lãnh tụ không liên lạc được với nhau.
Ngày 11/2/1930 vào khoảng 10 giờ tối, bắt đầu đánh các đồn Pháp ở Yên Bái, binh sĩ Việt Nam cơ thứ năm và cơ thứ sáu chạy theo nghĩa quân. Chiếm được nhà dây thép và nhà ga. Nghĩa quân phát truyền đơn và hô hào quần chúng. Những binh sĩ Việt Nam cơ thứ bảy không hưởng ứng. Sáng hôm sau, Pháp phản công. Bạo động cũng thất bại. Trong vòng một tuần, phong trào bạo động bị dập tắt. Ông Nguyễn Thái Học và những lãnh tụ khác bị bắt và bị xử tử.
Việt Nam Quốc dân đảng thất bại nhưng anh hùng. Thực dân Pháp ăn mừng thắng lợi. Chúng tuyên bố: Thế là cách mạng Việt Nam hết! Thực dân Pháp không còn lo sợ nữa.
Nhưng người Việt Nam trả lời thầm:
-Đợi đấy, chúng bay sẽ thấy!
Việc thứ hai: vừa mới đây, “Tân Việt” và “Hội thanh niên cách mạng đồng chí” đã gặp nhau để chuẩn bị thống nhất lại.
Nhưng “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” lại chia ra hai nhóm. Mỗi nhóm tổ chức thành một đảng cộng sản. Như thế, lúc bấy giờ ở Việt Nam có ba đảng cộng sản.
Mặc dầu sự khủng bố của Pháp, “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” phát triển rất nhanh chóng. Nhưng sự chia rẽ đã làm cho những người yêu nước lo lắng. Vì chia rẽ thì suy yếu”.
Tình hình trên đòi hỏi cuối năm 1927, Bác phải từ Xiêm trở lại Trung Quốc. Mặc dù không kịp can ngăn cuộc bạo động “sát thân thành nhân” nổ ra ở Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng Bác đã kịp thời có mặt để chuẩn bị cho Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản. Bác Hồ là người duy nhất có đủ năng lực và uy tín để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Do đó, từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương đã họp tại Cửu Long, Hương Cảng. Bác Hồ đã thay mặt Quốc tế cộng sản chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nhất trí thành lập một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo.
Ngay sau đó, ngày 5/3/1930, Bác Hồ đã viết bài báo “Phong trào cách mạng ở Việt Nam” bằng tiếng Anh nêu rõ tình hình cách mạng bị khủng bố. Bác nói về cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng tại Yên Bái với cả lời bình phẩm: “Quốc dân đảng trở nên manh động, đã tổ chức vụ bạo động quân sự vừa rồi ở Bắc Kỳ (10/2/1930). Nếu báo chí nói đúng thì 13 đảng viên, trong đó có cả lãnh tụ Quốc dân đảng bị bắn chết. Sau trận đàn áp đó, Đảng này rất khó phục hồi”.
Hơn một năm sau, Bác còn thống kê số liệu đảng viên cộng sản và đảng viên Quốc dân đảng bị bắt giam ở từng nhà lao qua từng tháng rất cụ thể trong bài báo: “Khủng bố trắng ở Đông Dương” viết ngày 12/12/1931. Chẳng hạn: “Tháng giêng năm 1931, số đảng viên bị giam ở nhà lao Hà Nội là “201 (97 đảng viên Quốc dân đảng và 104 đảng viên cộng sản)”.
Thế mới biết: hễ là người cách mạng yêu nước, Bác đều quan tâm, đều quý trọng thương yêu, không phân biệt họ thuộc đảng phái nào.
Sau Hội nghị thứ tám của Trung ương Đảng họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) tháng 5/1941 do Bác chủ trì, Bác cũng lấy tấm gương chiến đấu anh dũng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái để viết thư kêu gọi “Kính cáo đồng bào” toàn quốc ngày 6/6/1941 như sau: “Bảy tám mươi năm nay dưới quyền thống trị của giặc Pháp, chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền độc lập tự do. Tấm gương oanh liệt của các bậc lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó. Tinh thần anh dũng của các liệt sĩ Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An hãy còn đây?”.
Trong các bài thơ Bác viết tuyên truyền cách mạng ở Pác Bó (Cao Bằng), có một bài thơ khá dài gồm 208 câu với tiêu đề “Lịch sử nước ta” do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2/1942, Bác Hồ cũng đưa cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 vào bài thơ như sau:
Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An
Hai làn khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu
Qua đó, ta thấy Bác Hồ là người rất sáng suốt, nhạy cảm. Bác biết trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái sẽ bị dìm trong bể máu dẫn đến sự kết thúc vai trò lịch sử của Việt Nam Quốc dân đảng. Bác đã kịp thời tổ chức hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản. Ngày 3/2/1930 trở thành ngày khai sinh của Đảng Cộng sản Việt Nam – người lãnh đạo duy nhất đưa cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta đi đến thắng lợi. Tuy nhiên, Bác vẫn đề cao những vị tiên liệt của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, lấy đó làm tấm gương và bài học để động viên, giáo dục nhân dân hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình.
(Rút trong tập “Bác Hồ trong lòng người Yên Bái - Lao Cai” - Hoàng Việt Quân - NXB Văn hóa các dân tộc 2005)
Các tin khác
YBĐT - Đảng bộ xã Phong Dụ Hạ (Văn Yên - Yên Bái) có 131 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ. Nhiều năm qua, Đảng bộ xã luôn được đánh giá là đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng và phát triển Đảng. Tuy nhiên, tác phong, lề lối tinh thần sáng tạo và hiệu quả công tác của một số cán bộ, đảng viên vẫn còn hạn chế. Điều đó đã được Đảng bộ nhìn nhận và đánh giá qua đợt sinh hoạt chính trị lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
YBĐT - Khi tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND và khối đoàn thể xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), có một điểm làm chúng tôi rất ngạc nhiên, đó là tuổi đời của các đồng chí hầu hết còn rất trẻ, đều dưới 35 tuổi.
YBĐT - Từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước, dù ở tận miền Tây Bắc xa xôi, dân trí còn lạc hậu, thiếu thông tin với bên ngoài, nhưng bà con người Mường ở vùng Mường Lò nói chung và ở xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nói riêng, đã sớm biết đến Đảng và Bác Hồ kính yêu. Bởi vì, vùng bà con người Mường sinh sống được xác định là "địa bàn an toàn" nên cán bộ cách mạng thường đến tuyên truyền vận động bà con đi theo cách mạng.
YBĐT - Cách đây 50 năm (ngày 25/9/1958), Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Bái. Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đoàn kết các dân tộc.