Chàng trai người Mông làm giàu từ rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2015 | 9:52:02 AM

YênBái - YBĐT - Đã chấm hết những ngày sống du canh du cư, đi khắp núi rừng đốt nương làm rẫy, những chàng trai trẻ người Mông ở thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng (Văn Chấn) như Hảng A Gia hôm nay luôn coi những cánh rừng quê hương như chính cuộc sống của mình và anh đã truyền ngọn lửa đam mê, quyết tâm giữ rừng tới đồng bào một cách tự nhiên, hồn hậu...

Anh Hảng A Gia vui mừng được mùa thảo quả.
Anh Hảng A Gia vui mừng được mùa thảo quả.

Càng yêu càng bù đắp cho rừng

Sinh ra và lớn lên trong gia đình không mấy khá giả, có tới 8 anh chị em, ở nơi nghèo khó như Suối Lóp, ngay từ khi còn nhỏ Hảng A Gia đã thường xuyên được ông bà, bố mẹ dẫn theo khi lên rừng. Trong suốt những tháng năm tuổi thơ, Gia và các anh em trong nhà đã cùng ăn, cùng nghỉ, cùng chơi đùa dưới những tán lá rừng, coi những cây rừng như những người bạn thân thiết. Bởi vậy, anh đã sớm nhận thức được vai trò của rừng đối với cuộc sống cộng đồng. Không chỉ điều hòa khí hậu giúp cho mưa thuận gió hòa, giữ nước giúp cho cây cối hoa màu sinh trưởng và phát triển tốt, rừng còn là nơi cung cấp chất đốt, rau, củ quả nuôi sống bao thế hệ đồng bào Mông ở Suối Lóp này. Chính điều đó đã thôi thúc anh quyết tâm giữ rừng và gắn bó thân thiết với rừng. Càng yêu càng muốn bù đắp cho rừng. Từ những năm 1996 – 1997, anh đã thực hiện mong muốn biến những vùng đất cỏ hoang lau lách, cằn cỗi lâu năm thành những cánh rừng xanh ngút ngàn.

Qua trải nghiệm thực tế ở xã An Lương cùng huyện, anh Gia nhận thấy kinh tế của nhiều hộ dân ở đây đã thực sự giàu lên nhờ cây quế và  anh quyết tâm mua 5 kg hạt quế với giá 60 nghìn đồng/1 kg về tự ươm bầu và trồng theo hướng dẫn của những người có kinh nghiệm ở An Lương. Là người đầu tiên đưa quế về trồng ở Suối Lóp, anh Gia đã gặp phải không ít sự phản đối của người dân, đặc biệt là các cụ cao tuổi khi cho rằng cây quế không phải là cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu của Suối Lóp. Khi những cây quế đầu tiên bị chết mà không rõ nguyên nhân, ngay cả một số người thân thiết trong dòng họ cũng quay lưng lại với anh, muốn anh nản chí và bỏ cuộc để không phải mất công mất sức nhiều.

Anh Gia tâm sự: “Nếu chỉ vì những lý do đó mà mình từ bỏ quyết tâm thì mình đã không có ngày hôm nay. Mình đã quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy được cây quế hoàn toàn có thể sinh trưởng và phát triển tốt tại Suối Lóp”. Chính sự quyết tâm của bản thân, sự chăm chỉ, cần cù và cả những động viên, hỗ trợ của người thân trong gia đình, sau 3 năm, 5 ha quế đầu tiên của gia đình anh đã lớn lên và phát triển ổn định, khẳng định một hướng đi, lựa chọn mới phù hợp với đất rừng Suối Lóp.

Cuộc sống đổi thay nhờ rừng…

Chưa được khai thác đồng loạt, nhưng năm 2013 từ khai thác tỉa cây quế đã mang lại cho gia đình anh Gia nguồn thu gần 120 triệu đồng. Trồng cây đã đến ngày hái quả, giờ đây anh Gia đã tự tin đi vận động người dân cùng trồng cây quế, phủ xanh dần diện tích đất trống, đồi núi trọc ở địa phương. Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, điều đầu tiên khi vận động nhân dân anh nói: “Trồng quế không chỉ đem lại hiệu kinh tế cao, phù hợp với đất đai, khí hậu của Suối Lóp, mà bà con cũng không phải chăm sóc nhiều. Trong 3 năm đầu, vẫn có thể canh tác các giống cây trồng ngắn ngày khác như ngô, khoai, sắn…”.

Để hướng dẫn nhân dân cùng làm theo, Gia không ngại khó, ngại khổ đến từng hộ dân trong thôn để tuyên truyền, vận động người dân bám đất, giữ rừng; học cách đào hố, trồng quế ngày càng nhiều thêm. Với những hộ dân còn e ngại, sợ diện tích đất của mình không thích hợp với cây quế, anh Gia sẵn sàng cắt một phần diện tích đất của gia đình mình chia cho các hộ dân. Học tập theo anh, toàn thôn Suối Lóp có 60 hộ thì giờ đã có 53 hộ dân trồng quế. Ngoài ra, bà con còn trồng chè Shan tuyết - giống chè đặc sản của địa phương và chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn để cải thiện đời sống gia đình.

Chỉ tay về phía đồi quế 15 năm tuổi của gia đình, anh Hảng A Di thôn Suối Lóp xã Suối Giàng phấn khởi nói: “Nếu như thằng Gia nó không mạnh dạn mang cây quế về thì những đồi quế kia vẫn chỉ là đất trắng bạc màu. Nó trồng quế cho hiệu quả kinh tế cao, mình cũng học tập trồng theo 1ha. Đến nay, đã được 15 năm, năm ngoái bán một nửa thôi đã thu về 100 triệu đồng đấy”.

Thôn Suối Lóp hiện được giao quản lý, bảo vệ 100 ha rừng tự nhiên phòng hộ, ở vị trí đầu nguồn, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ nước, giảm thiểu lũ ống, lũ quét trên địa bàn thôn và cả xã Suối Giàng. Trăn trở làm thế nào để nâng cao được nhận thức của bà con, gắn liền việc bảo vệ rừng với nhu cầu lợi ích phát triển kinh tế của nhân dân, từ đó nêu cao ý thức bảo vệ rừng, Gia đã học hỏi kinh nghiệm từ các xã lân cận và tận dụng diện tích rừng già khí hậu ẩm ướt quanh năm để trồng cây thảo quả. Năm 2010, Hảng A Gia đã trồng thử nghiệm 1 ha cây thảo quả, thấy hiệu quả kinh tế cao anh tiếp tục mở rộng diện tích, hiện nay đã trồng được trên 2 ha. Năm 2014, anh thu về trên 1 tấn quả tươi.

Không chỉ với thôn Suối Lóp, mà anh Gia đã trở thành người đầu tiên ở xã Suối Giàng đưa cây thảo quả về trồng. Nhiều người dân trong thôn, trong xã thấy vậy đã bắt tay vào trồng thảo quả. Hiện diện tích thảo quả của xã đã đạt trên 10 ha. Đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và không mất công đầu tư chăm sóc. Tuy nhiên, cũng là giống cây trồng chỉ sống được ở những nơi có khí hậu ẩm ướt, dưới tán cây rừng, để phát triển được đòi hỏi người dân phải giữ tốt diện tích rừng đầu nguồn. Do đó, từ nhiều năm trở lại đây, không phải tuyên truyền nhiều nhưng đồng bào ở Khe Lóp, ở Suối Giàng đã tự nhận thức việc bảo vệ rừng chính là bảo vệ chính cuộc sống của mình.

Những ngày tháng 9, tháng 10 này, đồng bào Mông trong thôn Suối Lóp không chỉ vui mừng khi bẻ những bắp ngô vàng óng trên nương, thời điểm này cũng là mùa thu hoạch thảo quả. Những chùm thảo quả chín đỏ mọng được người dân nâng niu xếp vào bao để thương lái vào tận nơi thu mua. Đã ngoài 80 tuổi, nhưng già làng Sùng A Dê - người có kinh nghiệm 33 năm làm trưởng thôn vui mừng khôn siết khi thấy người dân trong xã, trong thôn có thêm một hướng đi mới để thoát nghèo và làm giàu. “Lớp trẻ bây giờ chúng nó tiến bộ lắm - nhất là thằng Hảng A Gia. Nhờ có nó mà người dân đã biết trồng quế, trồng thảo quả và giữ rừng để cuộc sống  ngày càng no ấm hơn. Vui lắm, ưng cái bụng lắm!” - già làng Sùng A Dê nói.

Ngọc Thúy (Đài TT - TH Văn Chấn) 

Các tin khác
Già làng Bàn Văn Lý hướng dẫn con cháu cách phòng trừ sâu, bệnh cho cây quế.

YBĐT - Với đồng bào dân tộc Dao ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, già làng Bàn Văn Lý thực sự là “cây đại thụ” của bản làng. Dẫu đã ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng già vẫn cống hiến không mệt mỏi cho quê hương trong việc giữ gìn nguồn gen giống quế quý của địa phương và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng thôn Khe Dứa trở thành điểm sáng văn hóa của xã Viễn Sơn.

Vườn ươm quế giống của gia đình chị Phạm Thị Hương - thôn Khe Hỏa cho hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Từ một thôn “3 Không": không đường, không điện, không nước sản xuất, thôn Khe Hỏa, xã Tân Hợp (Văn Yên) đã vươn lên trở thành thôn “4 nhất” là: Tỷ lệ hộ khá giàu cao nhất, an ninh trật tự đảm bảo nhất, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và xóa đói giảm nghèo tốt nhất. Sự thay đổi ấy ở thôn Khe Hỏa hôm nay có dấu ấn đậm nét từ vai trò lãnh đạo của chi bộ gắn với trách nhiệm của mỗi đảng viên cùng khát vọng vươn lên của những người nông dân, đã đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu, làm cho mảnh đất ven sông Hồng ngày thêm trù phú.

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Tổng biên tập  Báo Yên Bái trao giải cuộc thi viết

Tác phẩm tham dự cuộc thi cần phản ánh chính xác, sinh động, sâu sắc, có tính phát hiện, đi sâu phân tích, đánh giá, tổng kết những mô hình mới, nhân tố mới; biểu dương, cổ vũ kịp thời các điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống trên quê hương Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục