Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về nâng cao CSHP cho nhân dân, Yên Bái đã tạo được sự lan tỏa và đồng thuận của người dân nhiều hơn trong việc quyết tâm phấn đấu tạo dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc thông qua việc không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ HCC.
Theo đó, các cấp, ngành của tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong cung ứng dịch vụ công (DVC), xác định mối tương quan giữa khu vực công và khu vực tư về cung ứng DVC và tăng cường xã hội hóa DVC. Nhờ vậy, việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao CSHP cho nhân dân đã có những thuận lợi hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cũng bảo đảm chặt chẽ, thống nhất hơn.
Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các phong trào: "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt", Hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn theo hướng bền vững, hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, bản xây dụng quy chế quản lý và kế hoạch sử dụng tiền bảo vệ rừng gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Suối Giàng; hội thi "Gia đình hạnh phúc" các cấp, "Công nghệ số vì hạnh phúc của nhân dân", tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo tại các xã, các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, mô hình "Mảng xanh thân thiện", Cuộc thi "Góc làm việc xanh", "Công đoàn cơ sở hạnh phúc"; "Khu dân cư xanh, hạnh phúc"...
Nhờ đó, các phong trào thi đua trong các cấp, ngành, nhất là ở cơ sở về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao CSHP ngày càng lớn mạnh, nhất là đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ của các câu lạc bộ, hội, nhóm... đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đồng thời, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội. Kết quả, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 3,76%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,47% so với năm 2022; 358.587 đối tượng được hưởng chính sách về bảo hiểm y tế; 30.952 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện; 108.183 lượt học sinh hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục; 31.711 đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng; hỗ trợ làm mới, sửa chữa 1.598/1.598 nhà, đạt 100% kế hoạch, kinh phí chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa.
Thực tế cho thấy, xã hội hóa dịch vụ HCC đã và đang tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp dịch vụ HCC, nhất là khi cả Nhà nước và xã hội cùng thực hiện cung cấp dịch vụ HCC thì những hạn chế trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước chắc chắn sẽ được cải thiện; từ đó, sẽ nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả phục vụ của các cơ quan công quyền.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hôm nay, ở nơi nào, đơn vị, địa phương nào mà việc cung ứng dịch vụ HCC không hiệu quả thì người dân nơi đó có thể thông báo ngay cho các cấp chính quyền kịp thời xử lý. Chính cơ chế phản hồi này chẳng những giúp cho các thông tin hai chiều luôn bảo đảm thông suốt và được chia sẻ, mà còn tạo điều kiện cho người dân và các nhà cung cấp dịch vụ có cơ hội cùng đánh giá, trao đổi ý kiến để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.
Bằng hình thức này, các cấp chính quyền của tỉnh đã rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng đối thoại trực tiếp, hướng về cơ sở, gần gũi, thân thiện với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp như tổ chức các hội nghị đối thoại với cán bộ ngành y tế, trí thức, thanh niên, văn nghệ sĩ, phụ nữ, công nhân viên chức, người lao động…; hoạt động Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp; Chương trình Cà phê doanh nhân… để lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thỏa đáng khó khăn, vướng mắc... và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Cùng đó, bộ phận phục vụ HCC cấp huyện, cấp xã cũng nâng cao hơn chất lượng phục vụ nhân dân; cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị thi đua thực hiện tốt văn hóa công sở, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến và sáng tạo trong thực thi công vụ, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm tính chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân phục vụ.
Điển hình như huyện Văn Yên xây dựng mô hình "Bộ phận HCC số" trên toàn huyện; nâng cấp cổng DVC tỉnh Yên Bái với kho dữ liệu điện tử, phần mềm trên điện thoại di động để phục vụ người dân. Để mang đến sự hài lòng và nâng cao hơn nữa CSHP của người dân, cùng với việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, Yên Bái đã tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn cho CBCC, nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ HCC gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Qua đó, chẳng những giúp CBCC trong các cơ quan công quyền ở địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm, bảo đảm sự chính xác, công minh trong thi hành công vụ mà còn tạo ra môi trường làm việc minh bạch, dân chủ và công bằng trong toàn xã hội.
Năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tiếp tục có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện qua Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ hài lòng 87,73%, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đây cũng là năm mà Yên Bái tăng 4 bậc trong xếp hạng Chỉ số PAR INDEX so với năm 2022 và là Top 10 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC cao nhất. Sự chuyển biến tích cực, cải thiện rõ rệt về thứ hạng và nội dung trong đánh giá Chỉ số hiệu quả quản trị và HCC cấp tỉnh (PAPI) đã phản ánh quyết tâm của các cấp chính quyền của tỉnh trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng chính quyền.
Kết thúc năm 2023, toàn tỉnh có 78,57% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc; có 73,61% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; hiện nay, đã thành lập trên 600 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc", sinh hoạt thường xuyên tại cơ sở. Có 296 trường được công nhận đạt tiêu chí mô hình "Trường học hạnh phúc”, tăng 131 trường so với năm 2022, đạt 66,9% chỉ tiêu kế hoạch giao.
Năm 2024, Yên Bái quyết tâm duy trì Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong nhóm 15 tỉnh, thành; Chỉ số CCHC tiếp tục nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành; Chỉ số quản trị HCC nằm trong nhóm "Trung bình cao" của cả nước; phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành; Chỉ số xanh (PGI) nằm trong nhóm 40 tỉnh, thành. Giải pháp để thực hiện mục tiêu này được UBND tỉnh xác định rõ: nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên là CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính, quy trình giải quyết nội bộ, gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ. Đồng thời, kiên quyết xử lý những CBCC, viên chức vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân, phấn đấu nâng CSHP của người dân tăng gần 2,4% so với năm 2023.
Thanh Hương