Đại đội pháo binh 753 trong trận đánh đồn Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/10/2022 | 9:53:25 AM

YênBái - Trời hửng sáng, sau hơn 2 giờ chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Nghĩa Lộ phố, tiêu diệt và bắt sống 3 đại đội địch. Cùng với chiến thắng Pú Chạng, chiến thắng Nghĩa Lộ đã giải phóng 1 vùng đông dân, nhiều của này của Tây Bắc, tạo đà cho chiến dịch phát triển thuận lợi về phía Tây tả ngạn sông Đà và đường 41...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh Đồn Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh Đồn Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. (Ảnh tư liệu)


Ngược dòng thời gian 70 năm về trước, dựa vào địa thế hiểm trở núi cao, sông sâu, rừng rậm bạt ngàn, chỉ 4 tháng sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tên tướng thực dân Pháp Alexandria (Alessandri) đã tập hợp được khoảng 5000 tàn quân từng bị phát xít Nhật đánh cho chạy tan tác sau cuộc đảo chính tháng 3 năm 1945 để trở lại vùng Tây Bắc, chiếm đóng Lai Châu. Lợi dụng lực lượng quân sự của ta hồi đó chưa đủ mạnh, những năm 1946, 1947, chúng lại nống ra đánh chiếm thêm các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Tại bốn tỉnh Tây Bắc này, 8000 quân Pháp đã đóng trên 100 đồn bốt, kìm kẹp bóc lột đồng bào các dân tộc và uy hiếp đe dọa vùng tự do Việt Bắc của ta.

Mùa thu năm 1952, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định mở chiến dịch lớn tiến công địch ở Tây Bắc. Đại đội 753 với 3 khẩu sơn pháo 75 ly cũ kĩ của Nhật, cùng các đơn vị trong Tiểu đoàn 275 thuộc Trung đoàn 675 nhận nhiệm vụ yểm trợ cho Đại đoàn bộ binh 308 đánh chiếm và giải phóng phân khu Nghĩa Lộ mà bọn Pháp đã chiếm đóng 7 năm.

Đồng bào Tây Bắc có câu: "Nhất Điện, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, có nghĩa là ở Tây Bắc có 4 cánh đồng trồng lúa lớn thì thứ nhất là cánh đồng Mường Thanh ở Điện Biên - Lai Châu, thứ nhì là cánh đồng Mường Lò tức Nghĩa Lộ của Yên Bái, thứ ba là cánh đồng Than Uyên và thứ tư là cánh đồng Quang Huy, đều thuộc địa phận Sơn La. Thung lũng Nghĩa Lộ trải dài 15km, ruộng đồng bằng phẳng phì nhiêu, chiều ngang nơi rộng nhất tới 6km, chỗ hẹp nhất cũng 3km. 

Chính giữa thung lũng là thị trấn Nghĩa Lộ có khoảng 300 nóc nhà, phần lớn là nhà sàn của đồng bào Thái, cũng có một số ít xây gạch lợp ngói. Cuối thị trấn về phía Tây nam là đồn Nghĩa Lộ còn gọi là Nghĩa Lộ phố, đồn địch đóng trên 1 ngọn đồi thấp chỉ cao hơn mặt ruộng vài mét (2), có 3 đại đội vừa lính Pháp, lính da đen, lính ngụy chiếm giữ, xung quanh đồn là ruộng lúa bạt ngàn của đồng bào ta.

Để đến được Nghĩa Lộ sau khi qua sông Hồng ở bến đò Âu Lâu (Yên Bái) quân ta đã phải vượt hơn 100km đường xuyên rừng hiểm trở, qua biết bao đèo cao suối sâu, thác ghềnh mà điển hình nhất là núi Khâu Vác. Đây là một ngọn núi có độ cao gần 1.500m, là một nhánh của dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy từ Sa Pa về. Ngọn núi được các chiến sĩ mô tả qua câu thơ 

"Khâu Vác mờ cao phủ bóng sương
Réo mạnh ngày đêm thác dốc nguồn...”.

Sau khi vượt sông Thao ở bến đò Mậu A hoặc Âu Lâu phía nam thị xã Yên Bái, muốn vào Nghĩa Lộ nhất thiết phải theo đường độc đạo qua Khâu Vác. 

Khâu Vác quả là bức tường thiên nhiên vĩ đại che chắn mặt đông bắc của phân khu Nghĩa Lộ. Nhưng cũng vì thế mà chỉ huy quân Pháp ở đây chủ quan. Chúng không hề nghĩ đến khả năng binh lực của ta, nhất là pháo binh, lại đủ sức vượt qua bức trường thành lợi hại đó để vào đánh Nghĩa lộ. Sau này, khi pháo binh ta nổ súng, chúng hoàn toàn bị bất ngờ, lúng túng, rối loạn ngay từ phút đầu.

Nghĩa Lộ ngày ấy, mây trắng dày đặc như làn hơi từ chảo nước sôi mù mịt, vây quanh sườn núi, nơi đoàn quân đang khiêng pháo đang rảo bước theo vệt đường mòn giữa rừng già trùng điệp. Mây len lỏi thấm vào quần áo làm mát cơ thể đang thấm rịn mồ hôi của các chiến sĩ. Đi giữa dải mây chỉ cách 5-7 mét không nhìn rõ mặt nhau. Mây trắng như những tấm thảm bông khổng lồ đang trôi bồng bềnh phía trước mặt, dưới tầm nhìn ngang của mắt người. Xa xa những máy bay chiến đấu của Pháp đang lượn ở độ cao thấp hơn nơi bộ đội ta đang hành quân. Đó là lúc đơn vị đã lên đến gần đỉnh núi Khâu Vác.

Mỗi khẩu sơn pháo 75 được tháo ra làm 7 bộ phận, 4 bộ phận nặng nhất, mỗi bộ phận ngót ngét 1 tạ được khênh từ 4 người, còn 2 bánh xe và lá chắc thì khênh đôi 2 người. Trời tạnh, nắng, đi đường bằng khiêng pháo đã khó, nay đang tiết giữa thu, mưa tầm tã đường mòn nhỏ lầy lội, trơn như đổ mỡ, lại phải leo núi cao, lội suối sâu, sự gian khổ vất vả đối với lính pháo không sao tả xiết. 

Nắm cơm ăn bữa trưa mang theo trong người gặp nước mưa đều nhão nhoét, chua lòm nhưng cũng phải cố mà ăn mà lấy sức hành quân. Muỗi vắt, dĩn nhiều vô kể. Kẽ chân mọi người đều lở loét vì dầm nước nhiều, bị nước "ăn” chân. Tuy ngày nào cũng được ăn 2 bữa cơm nóng vào lúc sáng sớm và chiều tối nhưng thức ăn chỉ có lạc rang muối và tép khô nấu với chuối xanh hoặc rau tàu bay, nõn chuối rừng do anh nuôi tranh thủ kiếm được trên dọc đường.

Trên đường hành quân, tin chiến thắng dồn dập bay về, từ 12 đến 16/10/1952, các vị trí địch ở Sài Lương, Ca Vịnh, Bản Mo, Nậm Mười, Ba Khe, Gốc Bàng, Cửa Nhì, Thượng Bằng La đã lần lượt bị quân ta tiêu diệt. Cả một vùng rộng lớn đã được giải phóng, những tiền đồn bảo vệ quân khu Nghĩa Lộ từ hướng Đông Nam đã bị xóa sổ. Như được tiếp thêm sức mạnh, tốc độ hành quân của đơn vị càng nhanh hơn. Sáng 17/10/1952 đại đội tôi đã theo sát bộ binh vào đến bìa rừng ven Nghĩa Lộ. một cánh đồng lúa trải dài tít tắp đã hiện ra trước mắt, đó là Nghĩa Lộ.

17h cùng ngày, Trung đoàn bộ binh 102 của Đại đoàn Quân tiên phong, được sự yểm trợ của Đại đội sơn pháo 756, đã nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm Pú Chạng (còn gọi là Nghĩa Lộ đồi). Tên quan Tư -ti - ri - ông cùng 80 lính Âu - Phi còn sống sót đã chui ra khỏi hầm cố thủ giơ tay đầu hàng, đánh dấu sự cáo chung của toàn bộ cứ điểm kiên cố đóng trên đồi cao này.

Ngay đêm đố, Đại đội 753 được lệnh đưa pháo lên sát đồn Nghĩa Lộ phố, để bắn yểm trợ cho Trung đoàn bộ binh 88, cũng thuộc Đại đoàn Quân tiên phong tiến công cứ điểm này. Đường hành quân chiếm lĩnh trận địa dài hơn 6km, phải vượt qua những cánh đồng lúa bạt ngàn. Vùng này đất tốt, khiêng pháo nặng, bùn lún, ngập tới lưng bắp chân nên tốc độ di chuyển pháo rất chậm, rất may là đêm đó có 2 thuận lợi lớn, một là trời không mưa, hai là máy bay C47 của địch lên thả đèn dù từ chập tối đến sáng hôm sau. Lúc nào trên bầu trời Nghĩa Lộ cũng có 3-4 đèn dù treo lơ lửng "như những mặt trời nhỏ". 

Trời đêm nhưng vẫn sáng như ban ngày, ánh sáng đèn dù giúp các chiến sĩ đại đội đi được dễ dàng, đúng phương hướng lại giảm được thiệt hại cho đồng bào khi phải khiêng pháo băng qua các ruộng lúa chín sắp gặt.

Tối 2h30 phút rạng sáng ngày 18/10/1952, cả 3 khẩu sơn pháo 75 ly đã chiếm lĩnh xong trận địa. Khẩu gần nhất đặt cách mục tiêu có 150m. Địch vẫn tiếp tục thả dù hết đợt này đến đợt khác. Máy bay vận tải Đa - kô - ta không ném bom bắn phá gì mà chỉ thả đèn dù còn hơn chục chiếc dù lớn tiếp tế đạn dược lương thực cho đồng bọn ở dưới đất. Việc này cũng không thể cứu được chúng khi bị quân ta tấn công mà chỉ làm tăng thêm khối lượng chiến lợi phẩm mà bộ đội ta thu được sau khi thắng trận.

2h45 phút, lệnh nổ súng phát đạn đạn đại bác đầu tiên của Đại đội đã bắn sập ụ súng số 1 của kẻ địch, mở màn cho trận đánh công kiên vào Nghĩa Lộ. Địch chiếm đóng nơi đây đã nhiều năm, chưa bị ta đánh lớn lần nào nên bố trí phòng ngự có phần chủ quan. Quanh đồn không có hàng rào dây kẽm gai tầng tầng lớp lớp như những cứ điểm khác. 

Chúng cũng không xây lô cốt chìm nổi, kiên cố, riêng rẽ,= mà chỉ bố trí các ụ súng máy từ những lỗ châu mai trong những dãy nhà ngủ của lính để bắn ra khi có động. Do đó bộ đội ta cứ nhằm nơi có hỏa điểm địch phụt ra lửa đỏ mà nã pháo bắn sập hết ụ súng này đến lỗ châu mai khác. 

Không đầy nửa tiếng, toàn bộ các ụ đại liên, trọng liên, trung liên của địch đã bị pháo ta dập tắt. Chính ánh sáng đèn dù của địch đã giúp chiến sĩ ta thao tác chính xác, ngắm bắn dễ dàng đạt hiệu quả xạ rất cao, tạo thuận lợi cho bộ binh xông lên tấn công quyết liệt, vào tung thâm phòng ngự của chúng. Thêm nhiều sĩ quan và binh lính của địch bị ta bắt sống. 

Trời hửng sáng, sau hơn 2 giờ chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Nghĩa Lộ phố, tiêu diệt và bắt sống 3 đại đội địch. Cùng với chiến thắng Pú Chạng, chiến thắng Nghĩa Lộ đã giải phóng 1 vùng đông dân, nhiều của này của Tây Bắc, tạo đà cho chiến dịch phát triển thuận lợi về phía Tây tả ngạn sông Đà và đường 41.

Nguyễn Hòa (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái)

Các tin khác

Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái đã quan tâm, chú trọng tới việc giảng dạy nội dung giáo dục lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái trong chương trình giáo dục phổ thông. Chiến thắng Tây Bắc được xem là một trong những nội dung quan trọng trong lịch sử địa phương của tỉnh.

Bộ đội ta truy kích quân Pháp trên đường 41 trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. Ảnh tư liệu

70 năm đã trôi qua, trên con đường đổi mới, đi đến khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh hạnh phúc thì tầm vóc, ý nghĩa và hào khí của chiến thắng Tây Bắc vẫn ngời sáng và cổ vũ đưa Yên Bái cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Bộ đội xung kích đột phá đồn Pú Trạng trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952.

Chiến thắng Nghĩa Lộ là chiến công oanh liệt, là trận đánh mở màn có tính then chốt trong chiến dịch Tây Bắc. Ta đã tiêu diệt hoàn toàn 1 phân khu quân sự có tính chiến lược của địch, một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà, phá vỡ cánh cửa thép che chắn cho Tây Bắc từ phía Đông.

Sáng 7/10, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Hội thảo khoa học "Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Nghĩa Lộ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái” (10/1952 - 10/2022) tại Thị uỷ Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục