Việt Thành phát huy mô hình xã thông minh

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/11/2023 | 10:37:37 AM

YênBái - Việt Thành là một trong 3 xã của huyện Trấn Yên được chọn làm điểm xây dựng mô hình xã thông minh nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Việt Thành được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giao dịch cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Việt Thành được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giao dịch cho người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện mô hình xã thông minh thì tiêu chí đầu tiên là Bộ phận điều hành thông minh (IOC) phải được xây dựng và trang bị đầy đủ. Bởi đây chính là kênh tương tác, giao tiếp giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Xã Việt Thành đã đề nghị và được tỉnh, huyện quan tâm, hỗ trợ, đầu tư về trang thiết bị hiển thị, hướng dẫn và thành lập Bộ phận điều hành thông minh (IOC) và phần mềm cập nhật các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo quy định hiện hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức chuyên môn tổng hợp, nhập liệu, báo cáo và phục vụ công tác quản lý, theo dõi chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND xã. 

Chính quyền và cán bộ, công chức xã thực hiện giao tiếp, tương tác với người dân thông qua các công cụ công nghệ số như: sử dụng loa truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT - VT); ứng dụng nhắn tin trên điện thoại thông minh, hội thoại nhóm… 

Xã cũng duy trì tốt các kênh giao tiếp đã được thiết lập chính thức trên các mạng xã hội như: các nhóm Zalo, trang Facebook "Việt Thành đổi mới”; trang thông tin điện tử Vietthanh.tranyen.yenbai.gov.vn... để tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân trong xã và giao tiếp, tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng; hướng dẫn người dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, sử dụng các phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: "Quá trình triển khai mô hình, xã có khá nhiều thuận lợi. Trụ sở UBND xã được kết nối Internet băng thông rộng, 8/8 thôn đã có hạ tầng Internet cáp quang phủ sóng thông tin di động đến gần 83% số hộ. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến xã. Lãnh đạo xã và cán bộ công chức tại Bộ phận Phục vụ hành chính công được trang bị chữ ký số...”.

Việc thực hiện mô hình thôn thông minh, cán bộ, công chức xã đóng vai trò quan trọng là những người tiên phong thay đổi cách thức quản lý, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ và giao tiếp với người dân thông qua công nghệ số; tăng cường, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, tương tác với người dân. 

Chị Đinh Thị Như Lệ - cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch xã cho biết: "Hiện nay, Bộ phận Phục vụ hành chính công xã đã được đầu tư khang trang, môi trường làm việc sạch sẽ, trang bị hiện đại với 100% máy tính kết nối Internet giúp chúng tôi làm việc hiệu quả. Nhiều thủ tục hồ sơ của người dân đã được tiếp nhận trực tuyến và giải quyết trên môi trường mạng, đảm bảo nhanh chóng, chính xác và thuận tiện”. 

Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả tại Bộ phận điều hành thông minh (IOC), xã Việt Thành cũng triển khai tới 100% hộ gia đình trên địa bàn tiếp cận và sử dụng các nền tảng, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe trực tuyến (online). Các tổ CĐS cộng đồng của xã, tổ CĐS cộng đồng các thôn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, các ban ngành, đoàn thể, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số như: VOVBacsi24, Telehealth, sổ sức khỏe điện tử... 

Xã đã có đài truyền thanh thông minh, 100% các thôn đều có hệ thống loa truyền thanh ứng dụng CNTT - VT hoạt động hiệu quả. Cán bộ công chức chuyên môn phụ trách hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT làm tốt công tác vận hành, khai thác hết tính năng, đảm bảo thông tin luôn thông suốt, phát thanh trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. 

Bên cạnh đó, xã thường xuyên kiểm tra, phối hợp với các doanh nghiệp làm tốt công tác đảm bảo hệ thống Wifi miễn phí tốc độ tối thiểu 100Mbps phục vụ người dân sử dụng Internet tại nhà văn hoá trung tâm xã, Khu di tích lịch sử cấp tỉnh đền Việt Thành, nhà văn hóa các thôn, điểm bưu điện văn hóa xã, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Việc xây dựng thành công mô hình xã Việt Thành thông minh không chỉ góp phần đưa huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao mà còn hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng CNTT và CĐS trong chính quyền xã để phục vụ, tương tác với người dân nhanh chóng và hiệu quả.

Bùi Minh

Tags xã thông minh Việt Thành mô hình phát huy Trấn Yên chuyển đổi số

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Chiều 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tham gia cắt băng khánh thành Trạm phát sóng YBI0574 tại xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.

Ngày 14/5, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã tham dự Lễ khai trương Trạm phát sóng YBI0574 do Viettel Yên Bái triển khai tại bản Háng Tày, xã Chế Tạo, xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải.

Sở TT&TT tỉnh Yên Bái thực hiện thống kê đo kiểm chất lượng dịch vụ internet.

Chiều 10/5, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi làm việc theo hình thức trực tuyến để thảo luận, triển khai hiệu quả việc nâng cao ứng dụng tài nguyên Internet trên địa bàn tỉnh Yên Bái và một số nội dung khác theo chương trình hoạt động theo thỏa thuận thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước, giai đoạn 2021 - 2025.

Hưởng ứng phong trào

Sau 6 tháng triển khai thí điểm, mô hình “Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực, hiệu quả lợi ích mang lại thực sự rõ nét đối với tất cả các đối tượng tham gia thí điểm. Đó là tiền đề quan trọng để mô hình được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn, tạo cú huých mạnh mẽ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu suất công việc của người lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục