Giá trị thiết thực từ chuyển đổi số
Khi nghe nói về CĐS, anh
Lục Vân Anh ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên thấy rất mơ hồ. Nhưng đó là câu chuyện của vài năm trước. Còn giờ đây, việc ứng dụng công nghệ số với các tiện ích đã gằn liền với cuộc sống, công việc của anh.
Anh Vân Anh cho hay: "Mô hình nông nghiệp sạch của gia đình với diện tích 7.000 m2 nếu để chăm sóc thủ công thì sẽ rất vất vả, mất nhiều thời gian. Giờ trên chiếc điện thoại, chỉ cần một "chạm” là từng loại cây trồng đều được tưới lượng nước phù hợp theo đúng quy định. Từ khi ứng dụng công nghệ số trong tưới cây, tôi thấy làm nông nghiệp đỡ đi trăm phần vất vả. Đặc biệt, từ lợi thế của mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, chúng tôi cũng quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hàng hóa tiêu thụ rất dễ dàng”.
Với chị Nguyễn Hương Giang ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, "đi chợ mạng" giờ đã trở thành thói quen. Chị Giang chia sẻ: "Chỉ cần chiếc điện thoại là tôi có thể bán hàng livestream. Hoặc muốn mua sắm gì chỉ cần lên các trang mạng xã hội là cả một thế giới sản phẩm mình cần sẽ hiện ra để tha hồ lựa chọn. Cùng đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng đã mang lại rất nhiều tiện ích”.
Với một người đã lớn tuổi như ông Phạm Đình Văn ở tổ 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái thì việc tiếp cận và làm quen với công nghệ số không phải là điều dễ dàng. Song nhờ sự hướng dẫn tận tình của thành viên tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn, ông Văn đã hiểu và thao tác được các ứng dụng trên điện thoại di động, điều này giúp ích rất nhiều cho ông trong cuộc sống.
Ông Văn cho biết: "Bây giờ cảm thấy nếu không có CĐS cuộc sống sẽ thật nhàm chán. Ngoài xem tin tức thời sự trên điện thoại, rồi thanh toán các khoản tiền điện, nước bằng hình thức chuyển khoản nhanh gọn, tôi còn có thể giải quyết được thủ tục hành chính qua môi trường mạng. Thực sự quá thuận tiện”.
Hợp tác xã (HTX) Tiến Thành T&T xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cũng đang tích cực ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Anh Phạm Văn Tiến - HTX Tiến Thành T&T cho biết: "Chúng tôi đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về CĐS và hiện tại sản phẩm của HTX đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo. HTX cũng thành lập được trang web và kênh Tiktok để giới thiệu các sản phẩm và đang mang lại hiệu quả rất tốt”.
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 234 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử; quảng bá thông tin về sản phẩm trên các mạng xã hội. Riêng năm 2023, có 113 sản phẩm được đánh giá và cấp giấy chứng nhận OCOP , tiếp tục có cơ hội hiện diện trên các sàn giao dịch này.
Không chỉ đem lại lợi ích trên lĩnh vực kinh tế, CĐS còn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân trong lĩnh vực xã hội. Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, toàn tỉnh đã có 4 đơn vị công bố triển khai bệnh án điện tử, 199 cơ sở khám chữa bệnh triển khai việc khám chữa bằng căn cước công dân có gắn chíp và ứng dụng VNeID; 100% cơ sở y tế thực hiện thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; trên 80% người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử ...
Bà Lường Thị Anh ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: "Trước đây khi đi khám thường phải chờ đợi lâu, thủ tục làm cũng chậm hơn. Khi sử dụng căn cước công dân thay cho các loại giấy tờ tôi thấy thủ tục làm nhanh hơn nhiều. Bởi có lúc quên thẻ hay giấy tờ là lại mất thời gian về lấy. Giờ có căn cước công dân gắn chíp, tôi đưa cho họ quét là xong, rất thuận tiện".
Rõ nét và đồng bộ trong CĐS trên lĩnh vực xã hội phải nói đến những đổi thay toàn diện của ngành giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 200 trường học triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử; ứng dụng các công nghệ số vào giảng dạy, học tập, triển khai trong từng sân chơi, cuộc thi... đã góp phần quan trọng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện CĐS gắn với chức năng, nhiệm vụ để phục vụ người dân ngày càng hiệu quả hơn. Đơn cử như thành phố Yên Bái triển khai thí điểm mô hình "Ngày nộp thủ tục hành chính trực tuyến” và "Mô hình ngày xử lý thủ tục hành chính trực tuyến”; huyện Văn Chấn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thúc đẩy du lịch, giá trị thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng; thị xã Nghĩa Lộ triển khai mô hình "CĐS thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế số”…
Chuyển đổi số giúp người dân hạnh phúc hơn
"Dòng chảy số” đã phủ khắp mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đạt được những kết quả ấn tượng nhưng so với các chỉ tiêu đề ra và yêu cầu thực tiễn, CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Hiện việc phát triển hạ tầng mạng viễn thông, Internet xóa vùng trắng sóng, lõm sóng tại một số thôn còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình và hiệu quả kinh doanh...
Những khó khăn, hạn chế, thách thức trong bước đầu thực hiện CĐS là điều không thể tránh khỏi và cũng đã được dự báo. Tuy nhiên, với quyết tâm đẩy mạnh CĐS toàn diện, thông suốt, tỉnh Yên Bái đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, nỗ lực xây dựng mô hình CĐS của tỉnh vừa đáp ứng các tiêu chí chung CĐS theo định hướng của Trung ương, vừa thể hiện những đặc trưng riêng Yên Bái "CĐS giúp người dân hạnh phúc hơn”.
Các tiktoker giúp các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái bán hàng qua mạng xã hội.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: "CĐS không phải là thêm một việc mới mà là thêm cách làm mới để giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày một cách dễ dàng, thuận lợi. Yên Bái đã chọn cách làm mới, đặc trưng riêng, lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó làm sau; lựa chọn làm CĐS song song từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên với phương châm "CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”. Đến nay, hành trình CĐS của Yên Bái đang trở thành phong trào thi đua sâu rộng, vừa có tính toàn dân và vừa toàn diện trên các lĩnh vực; là một "làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, với những kết quả bước đầu khá tích cực và đáng khích lệ trên cả các mặt chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số”.
Với quan điểm nhất quán CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Đề án "CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023 - 2030” trên cơ sở sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: "Tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác truyền thông về CĐS; mở rộng chủ thể tham gia làm CĐS, tập trung củng cố, phát triển hạ tầng phục vụ CĐS; hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, CSDL chuyên ngành, kết nối, chia sẻ CSDL dùng chung, CSDL chuyên ngành với các CSDL quốc gia, CSDL các bộ, ngành Trung ương. Cùng với đó, hoàn thành xây dựng và triển khai Bộ chỉ tiêu CĐS cấp xã, cấp huyện và cấp sở ngành để đưa chính sách hỗ trợ CĐS vào cuộc sống”.
"Đồng thời đưa các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số đồng hành với chính quyền các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ CĐS; tư vấn các giải pháp công nghệ số để giải quyết bài toán quản trị, tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp,hợp tác xã. Tập trung các giải pháp khắc phục những điểm còn hạn chế để tiếp tục nâng cao thứ hạng chỉ số DTI tỉnh…” - đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh cho biết thêm.
Yên Bái đang trong tiến trình CĐS với yêu cầu tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị cao và sự kiên trì, quyết liệt, sáng tạo trong suốt quá trình thực hiện để ngày càng tạo ra những giá trị, thành quả mới trên lĩnh vực CĐS. Để từ đó, CĐS sẽ vừa là nền tảng, động lực, vừa là công cụ đột phá trên hành trình thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Thanh Chi