Phía sau người thầy lạnh lùng

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/11/2013 | 2:58:44 PM

YBĐT - Thầy đi vào tâm trí tôi như hình ảnh “Người lái đò sông Đà” trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân. Chỉ có điều, để cảm thụ về một nhân vật văn học thì tôi chỉ cần một ngày, còn để có thể hiểu thầy thì tôi cần cả khối óc, con tim và cả quãng thời gian không hề ngắn.

Thầy đã từng là giáo viên dạy Địa của trường, bằng sự nỗ lực hết mình trong công việc và tình yêu dành cho nghề, hiện giờ thầy đang giữ vai trò hiệu trưởng. Một người thầy, một người lãnh đạo cần mẫn trong công việc, hiền lành trong tính cách và thân thiện với tất cả mọi người.

Trên cương vị là một người đứng đầu, thầy luôn là tấm gương sáng cho các thầy cô trong nhà trường. Thầy quan tâm tới tất cả các thầy cô bằng tình cảm của người anh trong gia đình. Với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, thầy không ngần ngại, tận tình truyền đạt những bài học quý báu của mình cho các thầy cô giáo để mỗi thầy cô sẽ là người cha, người mẹ thứ hai ươm mầm những ước mơ của tuổi học trò.

Đối với lũ học trò chúng tôi thì thầy lại là một người cha già nghiêm khắc. Một người cha với dáng hình nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền hậu nhưng lúc nào cũng tạo cho mình một hình ảnh lạnh lùng. Tôi biết đó không phải là hình ảnh thật của mình. Thầy làm vậy cũng chỉ để cho đám học trò "nhất quỷ, nhì ma" này khiếp sợ. Sợ để mà học, sợ để mà tự mình có ý thức rèn luyện đạo đức.

Phải đấy, chúng tôi rất sợ thầy, chỉ cần nghe thấy bước chân thầy, nhìn thấy bóng thầy quanh đây là y như rằng: Nghiêm! Thầy đến. Đứa nào, đứa nấy lại hết sức nghiêm túc.  Thời gian dần trôi, chúng tôi mới ngày nào chân ướt chân ráo bước vào cánh cổng trường, giờ đây đã rất quen thuộc với hình ảnh của thầy.

Ngày nào cũng vậy, khuôn viên trường, nơi đâu cũng có dấu chân thầy. Ghé qua từng lớp học, quan sát và nhắc nhở là việc làm thường xuyên của thầy mỗi ngày. Vậy đấy, nó nhiều đến nỗi khiến mỗi lần tôi làm việc gì sai đều vang lên lời nói của thầy: "Nhiệm vụ chính của chúng ta đến trường là học. Học để biết, học để làm người và học để cùng chung sống"... Lời nói đấy như cắt ngang suy nghĩ của tôi, tôi dừng lại và suy nghĩ thật kĩ về những gì mình làm. Sai thì sửa, tôi hi vọng đó chưa phải là quá muộn.

Là một người cha nên thầy còn chăm lo cho chúng tôi chỗ ăn, chỗ ngủ. Biết học trò nghèo, thầy không quản khó khăn, vất vả để cho chúng con có được rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các tập thể, cá nhân. Từ đó, cuộc sống của chúng tôi cũng dần được cải thiện. Thầy bảo: "Cơm no, áo ấm mới có sức mà học". Tất cả chúng tôi dường như là bầy con nhỏ của thầy.

Thầy tôi là vậy đó, vẻ bề ngoài chẳng có gì đặc biệt nhưng ở thầy là cả tấm lòng, một tấm lòng đặc biệt dành cho chúng tôi, cho tất cả các thầy cô trong trường. Với cả hai cương vị, thầy đều làm tốt.

Khuất Hồng Thơm - Lớp 12A2, Trường THPT Mù Cang Chải

Các tin khác
Ngõ quê. Ảnh: Linh Chi

Yên Bái là quê hương yêu dấu của tôi, là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời và cũng là nơi chắp cánh cho những ước mơ một thời cắp sách tới trường.

Lên rẫy. Ảnh Thanh Miền

YBĐT - Anh trai của em à! Có lẽ em sẽ không bao giờ đủ can đảm để nói với anh những điều này đâu. Vì em biết, em mà nói ra anh cũng không tin những lời của đứa em gái mà hàng ngày luôn chành chọe, đành hanh bỗng dưng lại “chín chắn” đến vậy.

Bên trường. (Ảnh: Khuất Hồng Thơm lớp 12A, trường THPT Mù Cang Chải)

YBĐT - Đã bao giờ bạn dành thời gian để nhìn lại ngôi trường bạn đã gắn bó bao nhiêu năm nay chưa?

YBĐT - Ánh mắt thầy như đã nhuốm màu mỏi mệt, khuôn mặt thầy như thấy rõ hơn những vết chân chim mà thời gian trôi nhanh quá đã vô tình bỏ sót lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục