Yêu lắm rừng quê hương!
- Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2014 | 2:58:59 PM
Hai ngày hai đêm vừa qua, tôi ăn ngủ trên chiếc ô tô con đi từ Yên Bái tới Ninh Bình, mà đến Ninh Bình thì không thể không ghé qua rừng Quốc gia Cúc Phương.
Trời đã xế trưa. Nắng vàng như mật ngọt rót xuống rừng Cúc Phương. Nắng xuyên qua kẽ lá, nhảy nhót trên phiến đá. Nắng chiếu vào lá cây, lấp lánh như ánh đèn. Lại có lúc nắng lấp ló nép mình sau lá cây như muốn chơi trò ú tim. Càng đi, rừng cây lại càng rậm rạp, um tùm hơn trước. Đố bạn tìm được mấy nhành lan rừng, mấy cây tràm, đinh hương… vì giờ đây toàn là những cây đại cổ thụ.
Xem kìa, cây chò đã hơn một nghìn năm tuổi, sừng sững, hiên ngang đứng giữa trời, thách thức gió mưa, bão táp. Thân chò to đến nỗi đi một vòng quanh thân mà mệt lử cả người. Trông “bác” chò cổ kính, trang nghiêm bao nhiêu thì “bác” si đứng bên cạnh lại già nua, xấu xí bấy nhiêu. Da bác ý sần sùi, râu dài đến hàng mét. Những cây cổ thụ, à không, phải là đại cổ thụ chứ nhỉ vì cây nào cũng có thân hình vạm vỡ, dáng cao tưởng chọc trời.
Rừng cây sao im lặng thế? Chỉ nghe tiếng sếu đầu đỏ kêu vọng lại ở phía chân trời, vang lên rồi lặng xuống trong bầu không gian im ắng, tĩnh mịch. Thế mà khi ghé tai xuống mặt đất, lại nghe thấy tiếng gọi nhau í ới của các “bạn” mầm xanh. Ngả lưng xuống nền đất ẩm ướt, ngai ngái, tôi ngủ thiếp đi trong cái vỗ về của “mẹ” thiên nhiên…
“Bộp”. Một trái đào rơi trúng mặt tôi. “Hừ, ai lại vô ý thức vậy nhỉ?”. Tôi uể oải thức dậy. Hả, trước mặt tôi là một cảnh tượng thật náo loạn: Những con khỉ lông lá rậm rạp đầy mình (lại còn đen trũi, trông xấu xí quá, thế mà lại là họ hàng của Tôn Ngộ Không cơ đấy) đang đu dây, chuyền hết từ cành này sang cành khác, nhảy nhót tứ tung, có con lại đang bắt chấy rận cho nhau nữa chứ (mất vệ sinh quá nhỉ!). Mấy chú khỉ con được mẹ yêu thương hết mực, đã chẳng đi kiếm ăn thì thôi, được mẹ mang thức ăn về là tốt lắm mà còn chẳng chịu ăn, lại nũng nịu đòi mẹ bón cho nữa chứ.
Những chú ve sầu rong chơi, đàn hát suốt ngày, không đi kiếm ăn nên bây giờ bụng đói meo, kêu ca, khóc than rầu rĩ (inh hết cả tai) với cái bụng trống rỗng của mình.
Ngược lại, họ hàng nàng sóc siêng năng, mang bao nhiêu hạt dẻ về, dè sẻn chỉ ăn có một tí, chỗ còn lại cất biến vào những hốc cây sâu hoắm, đố ai mà lấy được. Kiến ông, kiến bà, kiến cha, kiến mẹ, kiến anh, kiến chị, kiến em… đủ cả, sau một ngày lao động vất vả, đang tổ chức tiệc tùng thịnh soạn. Trên cành cây, chim mẹ đang mớm mồi cho chim con, thật âu yếm, tình cảm làm sao! Thế mà mấy mẹ con nhà mèo đang cãi nhau ỏm tỏi vì bị tuột mất con mồi. Đúng thật khác xa với buổi trưa yên ắng, tĩnh mịch đến lạ thường, chả là chiều tối thì chúng quay về “nhà” sau một ngày kiếm ăn mà.
Lúc này, nền đất đã ướt đẫm hơi sương. Mặt trời nấp mình dần sau đỉnh núi. Chị nắng cũng đã về nhà, không còn lượn lờ đi khắp nơi nữa. Còn tôi, tôi ngắm nhìn tất cả vạn vật, thu chúng vào trí nhớ, rồi khoác ba lô ra về, lòng ngập tràn niềm vui nhưng hơi chút tiếc nuối vì không được ngắm nhìn thêm nữa, khám phá thêm nữa khu rừng Quốc gia Cúc Phương này. Nhưng đó cũng là một kỉ niệm không thể nào phai trong đời tôi.
Còn bạn, hãy mau nhanh chân đến đây để tự trải nghiệm nhé!
Phạm Thu Phương (Lớp 6D, Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái)
Các tin khác
Trời đang chuyển sang hạ. Những cơn mưa cũng đang kéo về ngày một nhiều. Không khí ẩm ướt bao trùm khắp nơi và dĩ nhiên cả cái phòng trọ nhỏ của nó cũng không phải ngoại lệ.
Tôi không sinh ra và lớn lên ở Cổ Phúc nhưng tuổi học trò - quãng thời gian đẹp nhất - của tôi lại gắn liền với vùng đất mến yêu ấy. Trên những chuyến đò ngang, hàng ngày tôi đều qua sông Hồng để đến với cái thị trấn nhỏ xinh xắn.