Bà nội
- Cập nhật: Thứ hai, 29/12/2014 | 3:08:44 PM
Kể từ ngày bà nội mất, trong lòng tôi có những khoảng trống khó thể lấp đầy. Có những lúc nhìn một bà lão móm mém đi trên đường, bất giác tôi nhớ lại hình ảnh bà tôi, nhỏ nhắn và nhanh nhẹn đi trên con đường nhỏ, rẽ xuống con dốc rồi khuất dần trong hàng tre rợp bóng……..
|
Tôi hỏi em trai có buồn lắm không, nó chỉ bảo: “Anh đi học xa còn đỡ, em ngày nào đi học về cũng như thấy bóng dáng bà trong căn nhà này, gần lắm, nếu không nhìn lên ban thờ, cảm giác như bà chỉ đang đi chơi bên hàng xóm chưa về.”
Những buổi tối kí túc, mỗi đứa một giường, chúng tôi thường kể những câu chuyện về gia đình, tuổi thơ, những kỉ niệm, những câu chuyện hài hước… Tôi hay nói về bà, vì với tôi, bà vừa là tuổi thơ, vừa là kỉ niệm. Bà nội tôi, như bao người bà khác, tất nhiên rất hiền. Nhưng bà nội mà tôi nhớ nhất lại không giống với bất kì người bà nào khác, bà đáo để, “xì tin”, chẳng để ai bắt nạt bao giờ nhưng lại dễ mềm lòng hơn bất cứ ai.
Đấy là kí ức về một người bà móm mém, xõa mái tóc trắng muốt không còn lấy một sợi đen nào, bên dưới cái kính râm đen to hơn nửa khuôn mặt là cái cằm nhọn hoắt và đôi má sâu hoắm in hằn hơn tám mươi năm gồng gánh cuộc đời, đôi chân bước thoăn thoắt trên đường, cái ô bảy sắc cầu vòng thoắt ẩn thoắt hiện sau mấy bóng cây.
Đấy là kí ức về một người bà cứ khăng khăng đòi bố mẹ tôi mua điện thoại di động cho tôi đi học, dù tôi mới đang học lớp mười một và bị nhà trường cấm.
Đấy là kí ức về cả một buổi chiều tôi hì hục dậy bà học cách dùng bình nóng lạnh hay cách đóng mở cái ô cầu vồng chói lọi của tôi cho mà bà rất thích.
Đấy là kí ức về chú mua cau, sau một hồi đấu tranh không lại với bà tôi đã phải trả giá từ năm ngàn lên hai mươi lăm ngàn một cân cau.
Đấy là kí ức về những ngày sắp Trung thu, bà thuê người hái quả hồng về dấm chín mang ra chợ bán, quyết không bớt cho ai một đồng nhưng lại hào phóng phân phát đến quá nửa cho lũ trẻ con đứng xem bên cạnh.
Đấy là những câu tuyên bố hùng hồn không đời nào cho bà A, bà B vay tiền vì “vay không bao giờ trả” nhưng sau đó lại giấu giấu đút đút đem đến tận nhà người ta cho mượn.
Cả đời này, chị em tôi có lẽ không bao giờ quên được tiếng gọi vang lên đều đặn hằng chiều từ cổng nhà hướng ra sân bóng, đúng giờ như đồng hồ báo thức gọi chúng tôi ngừng chơi về tắm giặt, ăn cơm.
Ai cũng bảo bố tôi giống hệt bà nội, từ cái cằm nhọn hoắt đến đôi mắt sáng như sao, cả cái tính cách ngoài lạnh trong nóng. Hôm bà mất, bố bình tĩnh lạ lùng nhưng khi xong công việc của bà, tôi thấy bố trầm ngâm dựa lưng vào lan can, làn khói thuốc đã lâu không xuất hiện trong nhà bay lên một cách cô đơn, cô đơn hơn cả cái bóng lưng của bố…
Cuộc đời có những khoảng trống không thể lấp đầy được. Bà nội ra đi để lại trong tôi khoảng trống đáng sợ ấy. Nhưng dần dà tôi nhận ra rằng, rồi ai cũng tới lúc rời xa thế giới này nhưng theo một cách nào đó, họ làm cho người thân mình không bao giờ thấy cô độc bởi chính những kí ức tốt đẹp họ tạo ra trong cuộc đời ngắn ngủi…
Và như thế, theo một cách nào đó, bà nội đã tạo cho tâm hồn tôi một khoảng trống lấp lánh đầy màu sắc...
Phạm Hồng Nhung (Thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái)
Các tin khác
Một ngày mùa thu nắng đẹp của 11 năm về trước, tôi rụt rè nắm chặt tay mẹ bước qua cánh cổng trường tiểu học. Tôi không khóc như trong một bài hát tuổi thơ nhưng có vẻ rơm rớm trên khuôn mặt bé nhỏ làm cô giáo ôm tôi vào lòng và âu yếm. Cùng sự âu yếm và tình yêu thương ấy, tôi đã học được cách cộng trừ bằng những con số khô khan, cách bay bổng với những vần thơ con chữ.
Cuộc sống thật hạnh phúc biết bao khi tôi có mẹ. Ngày ngày trong vòng tay ấm áp, vỗ về của mẹ, tôi lớn lên và cứ thế bao ước mơ cũng lớn theo tôi.
Đó là lần đầu tiên con thấy mẹ khóc, nước mắt lã chã trên khuôn mặt đầy nếp nhăn và đó cũng là lần đầu tiên con nhận ra rằng: “Thiếu mẹ, cuộc sống con như mất một nửa”.