Đắm say hội còn
- Cập nhật: Thứ tư, 10/6/2015 | 10:00:59 AM
YênBái - YBĐT - Nói đến trò chơi ném còn hay (đánh còn) của đồng bào Thái, nhiều người thường nghĩ, đó là kiểu chơi dùng những quả còn làm bằng thổ cẩm, có tua ngũ sắc, nhồi hạt bông, cát để tung lên cao cho quả còn xuyên qua một vòng tròn trên đỉnh cây tre cao vút. Nhưng thực tế, ném còn trong hội xuân của đồng bào Thái ở Yên Bái từ xa xưa có tới 3 kiểu khác nhau đó là, còn vòng, còn tung, còn ném.
Bà con người Thái, xã Tú Lệ (Văn Chấn) chơi còn vòng trong Lễ hội Lồng tồng.
|
Trước hết, đối với trò chơi còn vòng, trò này thường hợp với nam nữ trung tuổi, người già. Khi chơi, mọi người đứng thành vòng tròn, mỗi người cách nhau khoảng 3 mét. Một quả còn được không dây được tung chuyền tay nhau theo vòng tròn. Trò chơi này, buộc người chơi phải hết sức chú ý vì tốc độ quay vòng của quả còn khi chậm, khi nhanh, nên chỉ một chút sơ ý là không đỡ được còn. Và nếu ai không đỡ được sẽ phải đứng khom người cho cả đám chơi vỗ vào mông.
Trò tung còn là trò dành cho thanh niên, vì còn được tung khá nhanh, mạnh trong cự ly khoảng từ gần 2 chục mét trở lên. Nam, nữ đứng thành hai bên đối nhau và quả còn không dây được tung qua, tung lại. Vì lực tung mạnh, tốc độ nhanh nên phải hết sức tập trung, nhanh mắt, nhanh tay mới đỡ được quả còn bay tới. Nếu người nào không đỡ được còn thì phải chạy sang phía bên kia, cõng người vừa tung còn, chạy về phía bên mình rồi quay trả về chỗ cũ. Cái hay, cái hấp dẫn, khiến người chơi say đắm ở hai kiểu đánh còn này, chính là sự giao lưu nam nữ khi cố gắng không để bị vỗ vào mông nhau hoặc khi người con trai chưa vợ, gái chưa chồng được cõng nhau.
Trò chơi tung còn qua vòng tròn chủ yếu mang tính thử tài ném cao, ném trúng. Mặt khác, tung còn qua vòng tròn còn mang tính nghi lễ của mỗi địa phương. Thông thường, vào dịp đầu xuân xưa kia, các bản làng người Thái hay tổ chức lễ xên bản, xên mường, xên đông (cúng bản, cúng mường, cúng rừng) để cầu mong một năm mới làm ăn may mắn, tránh được, không bị tà ma, dịch bệnh làm hại. Khi các nghi lễ cúng tế đã hoàn tất, người dân sẽ ăn cỗ ngay tại nơi tổ chức lễ hội và chờ cho qua giờ Ngọ thì nghi lễ tung còn mới diễn ra. Họ dùng quả còn để tung hoặc ném lên vòng tròn có dán giấy đỏ trên ngọn cây tre cho đến khi nào quả còn ném trúng và rách được giấy đỏ thì lúc đó cuộc ném mới được dừng lại.
Theo quan niệm của đồng bào Thái, thì quả còn là vật tượng trưng cho âm (đất) và vòng tròn dán giấy đỏ là dương (mặt trời). Khi đất trời giao hòa với nhau thì mọi mong ước của con người mới trở thành hiện thực. Đặc biệt, ai là người đầu tiên ném thủng vòng còn dán giấy vừa được mọi người ngưỡng mộ, vừa tràn đầy hy vọng năm ấy gia đình mình làm ăn sẽ phát đạt (giống như hội cướp cù, cướp cầu, cướp phết ở miền xuôi).
Còn có một quan niệm nữa của bà con người Thái đó là, quả còn đựng hạt bông và cát, tượng trưng cho túi hạt giống. Khi túi hạt giống tung lên trời (vòng còn) và làm thủng giấy điều thì mới được coi là trời đã chấp nhận ước muốn của con người để phù hộ cho mưa thuận gió hòa để làm ăn thuận lợi. Bởi ý nghĩa đó, có nhiều hội còn gặp phải lúc có gió khiến cho cuộc ném còn đôi khi phải kéo dài tới mấy tiếng đồng hồ mới ném trúng vòng còn để kết thức lễ hội.
Sơn Nam
Các tin khác
Thời gian như chiếc thuyền trôi lặng lẽ trên sông có lúc nhanh lúc chậm, nhưng thuyền đi rồi sẽ trở lại còn thời gian thì chẳng bao giờ chờ đợi chúng ta. Hãy trân trọng những gì đang có để tương lai bạn sẽ giữ trong tim những kỉ niệm khó phai.
YBĐT - Chắc giờ này mẹ cũng ngủ rồi, nửa đêm, trời lại mưa nữa. Những lúc như thế này con chỉ ước được nằm trong vòng tay của mẹ, ngủ một giấc ngon lành. Con nhớ mẹ nhiều lắm.
Chào nhé! Một mùa hè nữa lại qua. Tháng Sáu lại đến mang theo cái nắng gay gắt hơn, màu hoa phượng rực đỏ, tiếng ve râm ran sau vòm lá cùng bao cảm xúc gói gọn trong hai tiếng "chia tay".
YBĐT - Trên sân trường, cây phượng già đứng sừng sững dưới bầu trời trong xanh. Từng chùm, từng chùm hoa tạo thành những mảng màu đỏ rực rỡ như những chú bướm dập dìu dưới ánh nắng mặt trời. Hoa thì đẹp vậy mà lại gợi nỗi buồn man mác cho tuổi học trò cuối cấp.