Nhãn ghép cho hy vọng mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2013 | 2:23:45 PM

YBĐT - Từ năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật ghép giống nhãn lồng Hưng Yên để cải tạo chất lượng nhãn, nâng cao năng suất cũng như hiệu quả kinh tế từ cây nhãn. Đây là phương pháp làm trẻ hóa vườn nhãn già cỗi có năng suất thấp, chất lượng kém lại tận dụng được cây gốc ghép có bộ rễ khỏe, rút ngắn thời gian trồng đến khi thu ho

Ông Vũ Xuân Đoàn và các cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra quá trình phát triển của cây nhãn ghép.
Ông Vũ Xuân Đoàn và các cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra quá trình phát triển của cây nhãn ghép.

Có thời điểm, diện tích nhãn được trồng tới trên 2.000ha từ huyện Yên Bình đến Trấn Yên, Văn Yên đổ vào Văn Chấn. Nổi tiếng và ngon hơn cả vẫn là nhãn Văn Yên và Văn Chấn. Riêng Văn Chấn, nhãn được trồng từ vườn nhà, trên đồi với gần 2.000ha. Giá trị thu được từ nhãn không hề nhỏ, góp phần tích cực xóa nghèo và làm giàu ở nhiều vùng quê. Một vài năm trở lại đây, nhãn bị thoái hóa, quả ít, cùi mỏng, giá rẻ như cho, hàng chục héc-ta nhãn đã bị chặt bỏ mỗi năm.

Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cây nhãn được trồng tự phát bởi những người dân Hưng Yên lên xây dựng vùng kinh tế mới. Sau đó, cây nhãn đã được huyện Văn Chấn xác định là một loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Lãnh đạo huyện lặn lội đến khắp các vùng nhãn nổi tiếng trong nước, đến các trung tâm lai tạo tìm giống, giúp nhân dân đưa vào trồng trên vùng đất quê hương. Lúc đầu là vận động bà con trồng trong vườn nhà, mỗi nhà dăm mười cây, nhà nhiều cũng chỉ 20 đến 30 cây.

Khi các vườn nhà đã trồng kín, hiệu quả kinh tế mang lại cao, người dân đã mạnh dạn đưa nhãn lên cả các triền đồi. Nhãn trồng trong vườn là lẽ đương nhiên nhưng đưa nhãn lên đồi thì chỉ có huyện Văn Chấn mới làm được và nó đã trở thành kỳ tích chẳng kém gì phong trào “đưa quế sang sông” ở huyện Văn Yên.

Những vườn nhãn, đồi nhãn với quy mô hàng hóa dần dần hình thành, 100ha rồi 500ha. Thời điểm năm 2005, 2006, diện tích nhãn của Văn Chấn đã lên trên 2.000ha. Nhãn được trồng tập trung và nhiều nhất là vùng Mường Lò, tiêu biểu như xã Sơn Thịnh 500ha, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ và xã Phù Nham mỗi địa phương đều có trên 200ha, thị trấn Nông trường Liên Sơn 150ha... Nơi đây hội tụ nhiều giống nhãn, từ nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng đến các giống nhãn Nam Bộ, đáp ứng cho tiêu dùng và chế biến long nhãn. Không biết do giống nhãn tốt hay đất Văn Chấn phù hợp mà nhãn nơi đây rất ngon, vỏ mỏng, cùi dày, thơm giòn, ngọt mát, được khách hàng ưa chuộng.

Vào mùa nhãn, các tư thương đánh xe từ thành phố, thị xã, thậm chí từ Hà Nội, Phú Thọ vào từng nhà mua theo cây. Bình quân mỗi vụ nhãn, nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn thu hái từ 8.000 -10.000 tấn nhãn, giá trị mang lại cả chục tỷ đồng. Không chỉ bán quả tươi, trên địa bàn xã Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn... đã hình thành cả trăm điểm làm long nhãn, tạo việc làm cho cả ngàn lao động. Cuộc sống của đồng bào được cải thiện đáng kể, nhiều gia đình mỗi vụ nhãn thu hàng trăm triệu đồng như gia đình bà Hòa - xã Sơn Thịnh, ông Lạng - xã Phù Nham... còn mức vài chục triệu đồng thì không kể xiết.

Tuy nhiên, sự “hưng thịnh” của cây nhãn không được lâu do khâu tuyển chọn giống ban đầu không đảm bảo chất lượng, một phần do giống già cỗi, người dân trồng không đầu tư chăm sóc, không áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, dẫn đến chất lượng quả kém, không đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, giá nhãn rẻ như cho. Cây nhãn kém hiệu quả nhiều hộ gia đình bỏ hóa, nhiều hộ chặt đi bán lấy gỗ và trồng cây khác với diện tích hàng chục héc-ta mỗi năm.

Để cứu vùng nhãn, từ năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật ghép giống nhãn lồng Hưng Yên để cải tạo chất lượng nhãn, nâng cao năng suất cũng như hiệu quả kinh tế từ cây nhãn. Đây là phương pháp làm trẻ hóa vườn nhãn già cỗi có năng suất thấp, chất lượng kém lại tận dụng được cây gốc ghép có bộ rễ khỏe, rút ngắn thời gian trồng đến khi thu hoạch.

Quy mô thực hiện trên diện tích 2ha tại tổ 4a, 4b, 5a, 5b và tổ dân phố số 7, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ 1ha với 20 hộ tham gia. Các cán bộ khuyến nông đã tổ chức tập huấn kỹ thuật ghép cho các hộ tham gia đồng thời ghép, hướng dẫn ghép cũng như kỹ thuật chăm sóc mầm gốc ghép. Sau thời gian ghép hai năm, các cành ghép sinh trưởng phát triển tốt và sau ba năm đã cho quả, tỷ lệ quả cao, chất lượng ngon không kém nhãn lồng Hưng Yên gốc.

Ông Vũ Xuân Đoàn là một trong những hộ dân thực hiện mô hình ghép nhãn phấn khởi nói: “Cứ tưởng vườn nhãn già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém phải chặt bỏ để trồng cây khác, không ngờ sau hơn hai năm tham gia mô hình ghép nhãn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vườn nhãn đã hồi sinh trở lại. Nhìn cây nhãn sai quả, ăn ngọt mát, tôi thật là vui! Nhãn ngon, không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm nữa mà ngay từ đầu vụ, tư thương đến tận vườn đặt mua hết với giá cao gấp ba lần so với giống nhãn cũ. Hiệu quả kinh tế thế này, ngay sau khi thu hoạch, gia đình sẽ tổ chức ghép cải tạo toàn bộ diện tích hiện có”.

Hiệu quả kinh tế đã được khẳng định song vấn đề đặt ra lúc này là tỉnh, huyện cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật hoặc có một dự án cải tạo giống nhãn cho vùng nhãn Văn Chấn cũng như các địa phương khác. Bởi thực trạng hiện nay, diện tích nhãn nhiều nhưng năng suất, chất lượng nhãn rất kém nên đòi hỏi phải tích cực cải tạo, nhất là những vườn nhãn già cỗi để tạo vườn nhãn trẻ, khỏe, cho năng suất và chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tiến tới xây dựng thương hiệu nhãn Yên Bái.

Thanh Phúc

Các tin khác
Rặng hòe được trồng ven đường làng ở Tân Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) vừa cho bóng mát, vừa cho thu nụ hoa có giá trị kinh tế cao.

YBĐT - Hòe là cây họ đậu thích hợp trồng trên các lại đất mùn hoặc sét có thể phát triển trên đất nghèo dinh dưỡng, đất chua, trung tính và kiềm, chịu được hạn và ô nhiễm không khí. Rễ hoè có khả năng tự tổng hợp đạm nên khi trồng hoè người trồng không tốn chi phí đầu tư.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thăm lao động ở Hàn Quốc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa ký quyết định về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép lao động EPS. Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tây, người duy nhất trong 23 lao động học nghề sửa xe ở khu vực 6, phường Lái Hiếu, nay sống được với tiệm sửa xe mở ra từ 10 năm trước khi đi học.

Đề án 1956 của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai ở Hậu Giang hơn 3 năm, nhưng kết quả còn mù mịt, trong khi có chuyện nhập nhèm tiền bạc, vi phạm tràn lan.

Ảnh minh hoạ

Cổng thông tin Điện tử của Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH vừa ra mắt tại địa chỉ www.dolab.gov.vn

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục