Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, việc tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đảm bảo đúng quy chế chuyên môn, ổn định kỷ cương, nền nếp dạy và học với mục tiêu phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm học mới.
Đến Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) Bán trú TH&THCS Châu Quế Thượng những ngày đầu năm học 2022 - 2023, dấu ấn của lễ khai giảng năm học mới và niềm vui đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vẫn rạng rỡ trên khuôn mặt, trong ánh mắt và nụ cười của thầy cô giáo và học sinh nhà trường.
Năm học 2022 - 2023, Trường PTDT Bán trú TH&THCS Châu Quế Thượng có 23 lớp với 752 học sinh chia thành 2 khu, trong đó cấp tiểu học gồm 15 lớp với 487 học sinh, cấp THCS gồm 8 lớp với 265 học sinh.
Nằm trên địa bàn xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, trên 65% học sinh là dân tộc thiểu số, nhiều học sinh thuộc diện hộ nghèo, xa nhà được hưởng chế độ bán trú, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập Tổ quản lý học sinh bán trú bao gồm cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; phân công cán bộ, giáo viên nhà trường đỡ đầu (chủ nhiệm) các phòng ở học sinh bán trú để hướng dẫn các em thực hiện tốt các hoạt động bán trú; tổ chức hoạt động bề nổi thu hút học sinh yêu trường, mến lớp, duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng học tập và học tập chuyên cần...
Mặc dù nhiều học sinh ở cách trường hơn 10 km nhưng tỷ lệ chuyên cần của nhà trường những ngày đầu năm học đạt 99%.
Thầy Nguyễn Đức Đông - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Được công nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia là niềm vui lớn, nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi cán bộ, giáo viên và học sinh tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học; triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6 và lớp 7; quyết tâm giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Những năm qua, huyện Văn Yên luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành giáo dục và đào tạo với quan điểm nhất quán, xuyên suốt là gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, từng bước đi, chính sách của địa phương.
Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ngành giáo dục huyện đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt "nhiệm vụ kép”, triển khai tốt các hoạt động giáo dục, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và nâng cao; giáo dục vùng cao có nhiều khởi sắc; giáo dục dân tộc được quan tâm; chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến tích cực.
Trong đó, cấp THCS đạt 36 giải, đặc biệt lần đầu tiên huyện Văn Yên có học sinh đạt giải ở 9/9 môn tham gia; có 3 học sinh lớp 8 tham gia thi vượt cấp và đạt giải; nhiều học sinh đạt giải năng khiếu quốc gia và quốc tế...
Công tác chuyển đổi số được quan tâm chỉ đạo ở cả 2 lĩnh vực đó là chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo và chuyển đổi số trong dạy và học, nhờ đó đã nâng cao chất lượng dạy và học. Việc xây dựng trường học "Xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”; xây dựng "Trường học hạnh phúc”, "Lớp học hạnh phúc” được triển khai thực hiện hiệu quả đã mang lại diện mạo mới cho các trường học trên địa bàn huyện.
Năm học 2022 - 2023, toàn huyện Văn Yên có 67 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với trên 36.000 học sinh, trong đó 10 trường PTDT bán trú và 3 trường phổ thông có học sinh bán trú. Để bảo đảm chất lượng dạy và học trong năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục huyện đã thực hiện tốt khâu sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường; đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện như: tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đầu tư thiết bị giáo dục, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp với từng địa phương...
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các nghị quyết, đề án, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước; Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, trước khi bước vào năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác chiêu sinh, tuyển sinh, huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp.
Cùng với đó, chọn cử 22 giáo viên cấp tiểu học đi bồi dưỡng để giảng dạy môn Tin học và Công nghệ; 25 giáo viên tham gia bồi dưỡng để dạy môn Khoa học tự nhiên và 25 giáo viên tham gia bồi dưỡng để dạy môn Lịch sử và Địa lý; xây dựng phương án biệt phái, tăng cường, giảng dạy liên cấp, liên trường, đặc biệt là giáo viên dạy tin học và tiếng Anh đảm bảo 100% học sinh các lớp 3, 6, 7 được học môn Tin học bắt buộc và tổ chức dạy môn Tiếng Anh bắt buộc đối với lớp 3 và các lớp 6, 7, 8, 9.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì giảng dạy môn Tin học, Tiếng Anh đối với các khối lớp đã tổ chức học trong năm học 2021 - 2022.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tích cực chỉ đạo các nhà trường tổng rà soát cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng tối thiểu chương trình giáo dục phổ thông mới; quyên góp, tặng sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa ngay từ đầu năm học mới. Ngoài các đơn vị nằm trong kế hoạch cấp phát thiết bị dạy tin học của Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện đã cấp bổ sung ngân sách trên 1,7 tỷ đồng để bổ sung thiết bị lớp 3, lớp 7 cho các trường.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học môn Tin học; tham mưu cho cấp có thẩm quyền lồng ghép đầu tư các hạng mục còn thiếu từ các chương trình, dự án như: xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài sự đầu tư của huyện, nhiều trường học đã huy động nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và ngân sách địa phương để xây mới, cải tạo các phòng học, nhà xe, cổng, tường rào, bổ sung bàn ghế, trang trí lớp học, bổ sung, thay thế các trang thiết bị dạy học cũ, hỏng, xây dựng cảnh quan nhà trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, bên cạnh xây dựng kế hoạch, mục tiêu, biện pháp để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển giáo dục đại trà và mũi nhọn bền vững, ngay từ đầu năm học các nhà trường đã tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Cùng đó, 100% các nhà trường chủ động phối hợp chặt chẽ với trạm y tế xã, thị trấn và chính quyền địa phương trong công tác phòng dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc - xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ghi nhận ngay sau ngày khai giảng, các trường học trên địa bàn huyện đều ổn định việc dạy - học và bắt nhịp với kế hoạch, thời khóa biểu; tỷ lệ học sinh đến trường tương đối đầy đủ.
Đến thời điểm này, tỷ lệ huy động trẻ cấp học mầm non đến trường đạt 97,2%, tăng so với cùng kỳ năm học trước 1,5%; tỷ lệ chuyên cần cấp tiểu học đạt 98,5%, tăng so với cùng kỳ năm học trước 0,5%; cấp THCS đạt 98,5% và THPT đạt 99,5%.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, ngành Giáo dục Văn Yên quyết tâm khắc phục khó khăn, triển khai năm học mới 2022 - 2023 với nhiều đột phá.
Năm học 2022 - 2023, huyện Văn Yên có 1.008 phòng học từ bậc học mầm non đến tiểu học và THCS, trong đó phòng học kiên cố chiếm 80%, bán kiên cố 17%, còn lại là phòng học tạm.
Từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và nguồn xã hội hoá, năm học này, huyện Văn Yên đã đầu tư trên 93,7 tỷ đồng.
Trong đó: ngân sách Nhà nước gần 89,6 tỷ đồng, xã hội hoá trên 4 tỷ đồng để xây dựng 45 phòng học, 15 phòng bộ môn, 18 phòng phục vụ học tập, 52 phòng khối hành chính - quản trị, 20 phòng bán trú, 7 bếp nấu phục vụ cho học sinh bán trú.
|
Hồng Vân