Ở mỗi ngôi trường nơi vùng cao Yên Bái, công việc chuẩn bị cho năm học mới diễn ra vô cùng bận rộn. Cô Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trường Mầm non Hoa Sữa là một trong những đơn vị trường học khó khăn của thị xã Nghĩa Lộ. Dù vậy, nhà trường đã tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp và nỗ lực làm tốt các hoạt động giáo dục.
Năm học mới này, nhà trường chuẩn bị sớm hơn trong công tác vệ sinh trường lớp và trang trí lớp học. Hiện nhà trường đã trang trí và vệ sinh trường, lớp sạch đẹp, tinh thần các cô hào hứng và rất đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ của một năm học mới”. Trường Mầm non Hoa Sữa có 1 điểm trường chính và 1 điểm trường lẻ tại thôn Nậm Đông, xã Nghĩa An.
Trong những năm qua, nhà trường luôn làm tốt công tác huy động trẻ đến trường với tỷ lệ huy động rất cao. Nhà trường đã tổ chức tốt và sáng tạo các hoạt động giáo dục, đặc biệt là các hoạt động mang tính trải nghiệm cao cho trẻ.
Tại huyện Mù Cang Chải, các thầy cô cũng đã trở lại trường và tích cực bắt tay vào công việc dọn dẹp, cải tạo cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025. Tinh thần chung của các thầy cô giáo là rất hứng khởi chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới.
Thầy Phạm Minh Dũng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thời tiết những ngày này ở Mù Cang Chải có mưa, nhưng tinh thần của các thầy cô giáo rất hào hứng để chuẩn bị đón các học trò bước vào một năm học mới. Ngày 30/7, nhà trường đã tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện trả phép. Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới, chuẩn bị đón học sinh lớp 1 đến trường để học tăng cường Tiếng Việt trước khi vào lớp 1, nhà trường đã tổ chức cho các thầy cô lao động, dọn dẹp vệ sinh”.
Năm học 2024 - 2025, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Mồ Dề có 915 em học sinh bán trú; 100% học sinh dân tộc Mông. Học sinh học tập tại trường sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí ăn ở bán trú. Khoảng cách từ nhà của các em đến trường rất xa, có em phải đi bộ từ 10 -15 km…Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thời điểm này, các thầy cô giáo vùng cao còn băng đồi, lội suối đến từng bản "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” gọi học sinh ra lớp.
Trường Mầm non Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ có 3 điểm trường, 1 điểm trường trung tâm và 2 điểm trường lẻ (2 điểm trường đặc biệt khó khăn). Mỗi mùa tuyển sinh, các cô giáo phụ trách thôn, bản không quản mưa nắng từng nhà để vận động học sinh học trò ra lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thiện - giáo viên Trường Mầm non Phúc Sơn, có thâm niên công tác 14 năm tại vùng khó khăn này chia sẻ: "Công tác tuyển sinh ở đây vất vả hơn rất nhiều so với các nơi khác, phụ huynh của các em hầu hết đi làm ăn xa, các con gửi cho ông bà. Nhưng ông bà của các con hầu hết không biết chữ, không biết sử dụng các phương tiện nên các cô gặp rất nhiều trở ngại. Chúng tôi phải đến từng nhà, từng hộ có con trong độ tuổi làm hồ sơ, giấy tờ nộp học để vận động, hướng dẫn; thêm vào đó đường đi rất khó, người dân sinh sống xa các điểm trường, lại thưa thớt không tập trung. Nhiều nhà không thể đi xe máy vào mà phải đi bộ 3, 4 km đường đồi núi. Nhiều hộ dân ở ven suối nên đi lại rất vất vả; đến được nhà rồi có khi phải lần 3 mới gặp được phụ huynh”.
Tuy vất vả là vậy nhưng với mong muốn tất cả các trẻ em vùng cao đều được biết chữ nên các cô đều rất cố gắng. Đến thời điểm này, nhờ sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, nhà trường đã đạt chỉ tiêu tuyển sinh.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô giáo vùng cao, chắc chắn năm học 2024 - 2025, các trường học địa bàn vùng cao trong tỉnh sẽ sớm đạt được mục tiêu nhiệm vụ năm học mới.
Thanh Ba