Triển vọng từ nghề nuôi thỏ ở Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ năm, 26/5/2011 | 9:34:38 AM
YBĐT - Những năm qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được các cấp Hội Nông dân huyện Trấn Yên phổ biến rộng rãi đến hội viên.
Khách hàng mua thỏ giống tại một trang trại nuôi thỏ ở xã Bảo Hưng (Trấn Yên). (Ảnh: Ngọc Tú)
|
Nhiều gia đình đã mạnh dạn đưa các loại cây, con giống mới về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, đem lại thu nhập, từng bước nâng cao đời sống và góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Trong đó mô hình nuôi thỏ là một ví dụ điển hình.
Đến thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh (Trấn Yên) không khó để tìm được trang trại muôi thỏ của ông Nguyễn Huy Quang với biệt danh được nhiều người biết đến là “ Quang thỏ”. Nuôi thỏ đã mang lại cho ông một cuộc sống khá giả với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Quang cho biết: “Năm 2008, ông mua 7 con thỏ giống Newzeland về nuôi thử và sau đó được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho đi dự tập huấn 15 ngày về kỹ thuật nuôi thỏ ở Sơn Tây, mục sở thị các mô hình nuôi thỏ thành công ở tỉnh bạn đã khiến ông ngày càng say với nghề nuôi thỏ.
Qua thực tế chăn nuôi cho thấy, con thỏ đẻ nhiều, ít dịch bệnh đầu tư thức ăn không lớn lại cho lợi nhuận cao. Đến nay sau hơn 3 năm bước vào nghề nuôi thỏ, trang trại của ông đã có trên 2.000 con thỏ với các giống chủ yếu là thỏ mắt hồng Newzeland, trong đó có hơn 300 con thỏ sinh sản.
Giờ đây ông Quang đã là chủ của một trang trại nuôi thỏ công nghiệp quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho gần chục lao động với mức lương trung bình 2 triệu đồng/tháng trở lên.
Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi thỏ của ông Quang đã được nhiều tổ chức, cá nhân tới thăm quan học tập kinh nghiệm và mua giống. Trong đó, Hội Nông dân huyện Trấn Yên và các cơ sở hội đã chủ động đưa hội viên tới thăm quan, học tập kinh nghiệm.
Chỉ chưa đầy 1 năm đến nay trên địa bàn huyện đã có 15/22 xã có hội viên tham gia nuôi thỏ với quy mô lớn như hộ ông Trần Văn Đa ở thôn Đồng Danh hiện nuôi 500 con, trong đó có 60 thỏ nái sinh sản, hay như hộ ông Nguyễn Đức Phong, Bùi Quốc Trị ở thôn Chiến Khu, Lê Quang Hanh ở thôn Bảo Lâm xã Bảo Hưng … với tổng đàn lên tới vài trăm con.
Với mỗi mô hình nuôi mới ông Quang đều cung cấp tài liệu và theo sát có khi là đến tận nơi, khi qua điện thoại để kiểm tra kỹ thuật chuồng nuôi, thức ăn hàng ngày cũng như tình trạng phát triển bệnh lý của thỏ để chia sẻ những kinh nghiệm cần thiết. Không ít người lúc mới nuôi còn e ngại về đầu ra của thỏ, song để họ yên tâm, ông không ngần ngại bao tiêu hết sản phẩm, kể cả việc ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài.
Bởi theo ông, việc tiêu thụ thỏ thịt mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thị trường vì hiện tại ông đang bán thỏ thịt cho một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Yên Bái, Hà Nội. Mới đây ông Quang đã ký hợp đồng với công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hà Nội và trại nuôi dê, thỏ 2 ở Ninh Bình để bán thỏ thương phẩm. Thông qua trang trại nuôi thỏ của ông Quang các hộ nuôi thỏ có thể yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi thỏ đem lại, Hội Nông dân xã Báo Đáp đã vận động nhân rộng 7 mô hình để phát triển kinh tế và thành lập hiệp hội nuôi thỏ của xã do ông Trần Đức Hoan ở thôn Phố Hóp làm chi hội trưởng.
Ông Trần Đức Hoan cho biết: “Tuy mới nuôi thỏ từ tháng 7 năm 2010 với 8 đôi ban đầu nhưng đến nay tổng đàn của gia đình đã phát triển lên trên 200 con, với 30 con thỏ nái sinh sản, bước đầu mô hình nuôi thỏ của gia đình cũng đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định”.
Để nuôi thỏ đạt hiệu quả cao, ông Hoan đã được hướng dẫn làm chuồng đóng bằng gỗ, cao cách mặt đất khoảng 50 - 60 cm, thoáng mát, mỗi ô chuồng nhốt một con thỏ đẻ. Thức ăn cho thỏ là các loại rau, quả, củ. Tuy nhiên, khó khăn trong việc mở rộng trang trại chăn nuôi hiện nay của gia đình ông Hoan cũng như nhiều hộ trong xã là nguồn vốn.
Được biết, mô hình nuôi thỏ của gia đình Ông Trần Đức Hoan đã được xã Báo Đáp tạo điều kiện về quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã Báo Đáp đã phối hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tăng cường các lớp đào tạo nghề chăn nuôI, thú y. Mô hình nuôi thỏ giống, thỏ thịt đang nhân rộng ở các xã, thị trấn nhiều nhất là xã Kiên Thành, Bảo Hưng, Hưng Thịnh, Báo Đáp...
Bởi trên thực tế, chỉ 5 đến 6 tháng sau khi sinh là thỏ có thể sinh sản. Cứ 35 ngày sinh một lứa, mỗi năm thỏ mẹ sinh từ 8 đến 9 lứa, mỗi lứa ít nhất từ 6 đến 7 con trong khi đầu tư chuồng trại, thức ăn đơn giản hơn nhiều so với chăn nuôi gia súc, gia cầm; cả thỏ giống và thỏ thương phẩm đều bán được giá, trong đó thỏ giống bán từ 85 đến 130 ngàn đồng/kg, thỏ thương phẩm bán từ 70.000 - 75.000 ngàn đồng/kg. Đây thực sự là vật nuôi phù hợp với hội viên nông dân bởi nguồn vốn ban đầu không lớn và nguồn thức ăn khá dồi dào.
Đầu tư nuôi thỏ thực sự là một nghề mới, có thể tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời mô hình chăn nuôi thỏ ở Trấn Yên đang mở ra triển vọng phát triển thành một ngành chăn nuôi hàng hoá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi nuôi thỏ đã trở thành phong trào thì sẽ phát sinh những vấn đề về vốn, kỹ thuật và giá cả, đầu mối tiêu thụ sản phẩm... Do đó rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, ngành chức năng để mô hình phát triển bền vững.
Thu Phượng - Bích Lân
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện chương trình hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nghèo, 5 năm qua, huyện Văn Yên đã tạo việc làm cho 377 lao động đi xuất khẩu chủ yếu ở các thị trường: Malayxia, Trung Quốc, Brunei...
YBĐT - Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn đã được huyện Mù Cang Chải xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế chung đến năm 2020.
Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề sẽ được trợ cấp, miễn, giảm học phí và ưu tiên trong tuyển sinh.
YBĐT - Nuôi lươn trong các ao mương cần phải chú ý vấn đề này. Tùy theo điều kiện cụ thể, bà con có thể áp dụng một số phương pháp nuôi lươn dưới đây: