Học nghề phù hợp với nhu cầu lao động

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/11/2011 | 9:17:53 AM

YBĐT - Đã có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, gia đình lại có điều kiện để mở rộng quy mô chăn nuôi. Song cái khó đối với gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn 3, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái là thiếu kiến thức về chăn nuôi -thú y nên gia đình không dám mở rộng quy mô sản xuất.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn 3, xã Văn Phú.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn 3, xã Văn Phú.

Đợt dịch đầu năm 2008, đã làm chết gần 100 con lợn của gia đình, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Chị Hiền cho biết: “Trước đây, việc phát triển chăn nuôi lợn của gia đình dựa vào kinh nghiệm là chính. Sau đợt dịch năm 2008, việc mở rộng chăn nuôi của gia đình cũng gặp không ít khó khăn”.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước và người thân, gia đình chị Hiền bắt đầu phát triển chăn nuôi trở lại. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch 2008, gia đình đã chủ động phát triển mô hình chăn nuôi theo hình thức khép kín, chú trọng công tác phòng chống dịch cho đàn lợn. Từ chỗ nuôi 70% lợn lai, 30% lợn rừng, lợn “cắp nách” chị bàn với chồng chuyển sang nuôi 100% lợn rừng và lợn “cắp nách”.

Theo chị Hiền, đây là những giống lợn có khả năng kháng bệnh cao lại tận dụng được các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Để có thêm kiến thức, đầu năm 2011, chị Hiền đã tham gia lớp học nghề chăn nuôi - thú y do Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái mở ngay tại xã. Sau hơn một tháng học, chị đã nắm bắt được những kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi.

Với những kiến thức đó, chị đã mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi lợn lên trên 200 con lợn thịt và 40 con lợn nái. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên tìm hiểu kiến thức qua sách, báo, ti vi, chủ động tiếp cận với các tiến bộ KHKT để phát triển và duy trì đàn lợn. Năm nay, do giá lợn cao, chị Hiền đã thu về trên 100 triệu tiền lãi từ bán lợn.

Đối với gia đình chị Nguyễn Thị Lập là một trong những hộ khó khăn ở thôn 3, xã Văn Phú.Không việc làm, không ngành nghề phụ, mặc dù đã xoay sở đủ nghề để kiếm sống song cuộc sống gia đình cũng không khá hơn là mấy. Cuộc sống của gia đình chỉ trông vào 1- 2 sào ruộng. Đầu năm 2011, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thủy sản nước ngọt do Trung tâm Dạy nghề thành phố phối phợp với UBND xã tổ chức, chị Lập cùng 11 chị em khác trong thôn mạnh dạn tham gia đấu thầu lại đầm Chiêm, rộng gần 3ha để nuôi cá.

Nhờ thường xuyên kiểm tra nguồn nước và chăm sóc đúng kỹ thuật, cá trong đầm lớn nhanh. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Phú cho biết: Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Văn Phú đã mở 6 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) với gần 200 học viên, trong đó, trên 70% học viên là nữ. Bước đầu công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn xã đã được khẳng định và mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, đặc biệt là lao động nữ nông thôn.

Việc mở các lớp dạy nghề nông nghiệp như chăn nuôi - thú y, chế biến nông sản, mô hình làm rau sạch… phù hợp với nhu cầu lao động của địa phương. Thông qua đó, chị em nắm bắt được những kiến thức cơ bản để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trên một đơn vị diện tích, nhất là trong thời điểm diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, người nông dân thiếu vốn để sản xuất.

 

Lớp học nghề sửa chữa điện dân dụng xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Chi)

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn xã Văn Phú cũng gặp nhiều  khó khăn. Do phương thức sản xuất cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân trong xã nên nhiều lao động (nhất là lao động nữ) ngại chuyển đổi và tham gia vào các nghành nghề sản xuất mới. Chính vì vậy, việc mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp tại xã không thu hút được nhiều học viên tham gia. Chẳng hạn như lớp nghề điện dân dụng, sau một thời gian dài tuyên truyền vận, động lớp học mới được mở nhưng khi mở thì số lượng học viên đi học cũng không đều do phần lớn học viên là nữ. Nhiều học viên nữ cho rằng nghề điện dân dụng không phù hợp với nhu cầu của chị em.

Theo kế hoạch, năm 2011, xã Văn Phú còn mở một lớp dạy nghề may cho LĐNT nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể mở được do không có đủ số lượng học viên đăng ký theo yêu nhu cầu. Theo bà Oanh, cái khó nhất trong đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT trong xã là tạo được việc làm tại chỗ cho học viên sau khi đào tạo do nhu cầu sử dụng của thị trường lao động và các ngành nghề dịch vụ trên địa bàn xã chưa phát triển mạnh. Chính vì vậy, LĐNT trên địa bàn Văn Phú muốn học các nghề mà họ thực sự có nhu cầu.

Để triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho nông dân, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng và phương pháp đào tạo. Nội dung, thời gian và cách thức đào tạo nghề cần phải được tính toán hợp lý, không đơn thuần là đào tạo kỹ thuật mà phải đào tạo cho nông dân biết tìm hiểu thông tin, phân tích, đánh giá thị trường, bảo quản nông sản, thậm chí là đào tạo người nông dân tham gia làm dịch vụ nông nghiệp. Vai trò của chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cũng cần được nâng cao, phân rõ trách nhiệm, bảo đảm nông dân đi học nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch và có khả năng phát triển tại địa phương, phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo nghề. Sau khi được đào tạo, cần có đánh giá hiệu quả của việc học nghề...

 Hà Anh

Các tin khác

Ngày 3-11, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức hội thảo kiểm định chất lượng dạy nghề.

Huyện Trạm Tấu đã giải quyết việc làm mới cho 681 lao động

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện đã và đang đào tạo nghề cho 640 lao động, trong đó 325 lao động đã tốt nghiệp, 315 lao động đang học nghề.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) dẫn số liệu của Bộ Nội vụ Malaysia cho biết, tính đến ngày 26-9, tổng số lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại nước này hơn 1,3 triệu người, trong đó, số lao động Việt Nam là 13.515 người.

Tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

YBĐT - Nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020 là rất lớn, bình quân mỗi năm là 18.000 người. Để đảm bảo năng lực đào tạo nghề, các cơ sở cần tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục