Học chữ giữa lòng biển khơi

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/3/2025 | 3:41:17 PM

YênBái - Dưới tán cây bàng vuông xanh mướt, những ngôi trường trên quần đảo Trường Sa luôn rộn ràng tiếng trẻ nhỏ, thầy giảng bài, trò đọc theo, tiếng cười giòn tan trong nắng trời gió biển. Đó không chỉ là những giờ học, mà là những khoảnh khắc ấm áp của tình thầy trò, nơi con chữ nở hoa giữa lòng biển khơi.

Lớp học ghép của thầy giáo Lê Thanh Chiến tại Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Lớp học ghép của thầy giáo Lê Thanh Chiến tại Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa


Trường Tiểu học xã Song Tử Tây nằm trên đảo. Điều đặc biệt nhất ở mái trường này chính là lớp học ghép chỉ có 8 học sinh với nhiều độ tuổi cùng nhau học tập. Với những người thầy nơi đây biển cả là quê hương, trường, lớp là nhà và học trò là con.

Thầy Lê Thanh Chiến - giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa cho biết: "Ra đây học sinh ít nên phải ghép lớp lại, hiện tại tôi dạy khối lớp 2 và khối lớp 3, tức là 2 lớp ghép với nhau. Trong quá trình dạy, các em sẽ học xen kẽ với nhau”.

Chị Trần Thị Châu Úc - phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa chia sẻ: "Các thầy dạy rất là nhiệt huyết và chỉ bảo từng cháu một cho nên với con của tôi so với đất liền thì ngoài này chắc chắn sẽ thiếu thốn hơn rồi nhưng mà bù lại cháu được thầy ôn ngoài những kiến thức trong sách vở thầy còn dạy kỹ năng ở ngoài nữa”.

Là một trong những người đầu tiên có mặt trên đảo, ông Cao Văn Giáp – Phó Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây cho biết: Hiện nay, cở sở vật chất trên đảo đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầy đủ, nhất là hệ thống cơ sở giáo dục và y tế. Các em được học trong môi trường giáo dục tốt, các thầy giáo luôn quan tâm và yêu thương các em học sinh. Các em học rất là chăm chỉ, hết cấp 1 các em sẽ theo gia đình về bờ tiếp tục theo học cấp 2. Qua đánh giá của các thầy cô giáo ở các trường trong đất liền, các em học sinh trở về từ đảo xa có khả năng học tập như các em học tại các trường trong đất liền”.

Để tạo không khí học tập sôi nổi, hào hứng, ngoài việc giảng dạy theo chương trình đã đề ra, các thầy còn lồng ghép những hoạt động vui chơi, văn nghệ một cách linh hoạt, giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Bên cạnh đó, các thầy cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh qua đó nắm bắt tâm tư, tình cảm, cũng như những đóng góp của phụ huynh từ đó xây dựng được chương trình giáo dục hoàn thiện nhất.  

Em Phạm Minh Thư, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa phấn khởi nói: "Con rất thích đi học và con thích học toán ạ. Được chơi với các bạn con rất là vui”. 

Chị Trần Thị Thu Huyền, phụ huynh em Phạm Minh Thư chia sẻ: "Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các điều kiện học tập cho con em các hộ dân trên đảo luôn được bảo đảm, hàng ngày các con được học tập, vui chơi đầy đủ. Ngoài được học tập kiến thức từ các thầy giáo, các con được cán bộ, chiến sỹ trên đảo dành nhiều tình cảm nên các con rất yêu trường, mến bạn, yêu quý cán bộ, chiến sỹ đang ngày ngày canh giữ biển trời của Tổ quốc”.

Thầy Phan Quang Tuấn - giáo viên Trường Tiểu học Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa tâm sự "Chúng tôi cố gắng mang con chữ đến cho các cháu để truyền đạt cho các cháu nắm được kiến thức theo cái lứa tuổi của mình. Giáo viên chúng tôi được sự quan tâm giúp đỡ của ban chỉ huy và cán bộ chiến sĩ trên đảo rất là nhiều nhất là về tinh thần chúng tôi cũng rất là an tâm về cái việc mà giảng dạy theo chương trình của bộ giáo dục”.

Tình thầy trò ở Trường Sa, dù trải qua bao khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn luôn tỏa sáng như ngọn hải đăng giữa biển khơi. Những lớp học đặc biệt tại đảo xa không chỉ là nơi ươm mầm tri thức mà còn là nơi bồi đắp những giá trị về lòng yêu nước và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

Sau mỗi buổi học, các thầy giáo lại dẫn các em đến dưới chân cột mốc chủ quyền biển đảo để các em hát hay đọc những câu thơ về tình yêu biển đảo. Những câu thơ được các em thể hiện với chất giọng truyền cảm, ngọt ngào và rất đỗi tự nhiên: "Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển đảo xa bờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt/ Bao nhiêu đời qua/ Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/ Nước Việt mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa...”. Đó không chỉ là những giờ học, mà là những khoảnh khắc ấm áp của tình thầy trò, nơi con chữ nở hoa giữa lòng biển khơi.

Mạnh Cường

Tags Yên Bái Trường Sa Song Tử Tây Sinh Tồn Đông

Các tin khác
Trò chuyện giao lưu với các điển hình tiên tiến

Ngày 25/3, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức hội nghị tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu, gương mặt trẻ triển vọng năm 2024; cán bộ, đoàn viên công đoàn, hội viên phụ nữ điển hình tiên tiến giai đoạn 2020-2025 và trao giải thưởng Nguyễn Phan Vinh lần thứ XIV. Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Hải quân chủ trì hội nghị tuyên dương.

Các chiến sĩ trẻ tham quan tiển lãm giới thiệu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Ngày 25/3, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã khai mạc triển lãm tư liệu, hình ảnh với chủ đề "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương" và tuyên truyền, thông tin về biển, đảo năm 2025.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị chăm sóc vườn rau để tự chủ động khẩu phần rau xanh.

Đảo Đá Thị còn có tên gọi là đảo Núi Thị thuộc quần đảo Trường Sa. Nhà ở của cán bộ, chiến sĩ đảo là nhà kiên cố, có kiến trúc như nhà đồng bằng Bắc Bộ, nổi giữa trập trùng sóng nước. Nhìn trên bản đồ, đảo Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết tạo thành thế chân kiềng vững chãi giữa biển khơi.

Lữ đoàn 189 Hải quân vừa phối hợp với các tổ chức Đoàn Thanh niên tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma vào sáng 13/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục