Ông Hoàng Văn Đảm, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên bức xúc khi mua chiếc bàn là tại chợ phiên xã về dùng được vài lần thì hỏng. Ông Đảm cho biết: "Tại chợ phiên của xã, tôi mua chiếc bàn là với giá hơn 200.000 đồng. Người bán hàng giới thiệu đây là hàng khuyến mãi nên có giá rẻ nhưng chất lượng tốt, tin tưởng vào người bán tôi mua về dùng. Tuy nhiên, dùng chưa được 1 tháng, chiếc bàn là bị hỏng, tôi có mang ra tiệm gần nhà sửa thì họ bảo đây là hàng nhái, không phải hàng chính hãng, hỏng chỉ bỏ không sửa được”.
Còn bà Nguyễn Thị Hằng ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn một lần đi chợ mua hộp bánh về cho cháu, khi mua về bóc hộp bánh hình ảnh ngoài bao bì là bánh có nhân kem, vị sôcôla, nhưng bên trong là mấy cái bánh quy. Bà Hằng cho biết: "Tôi đi chợ chọn mua cho cháu hộp bánh, khi mở hộp bánh mới biết, bao bì một đằng bên trong một kiểu. Đứa cháu gái bảo tôi mua phải hàng nhái tôi mới ngã ngửa”.
Cùng với sự phát triển của thị trường, hiện nay, hàng hóa tại các chợ nông thôn ngày càng phong phú, đa dạng với đủ chủng loại từ bánh kẹo, giày dép, quần áo, gia vị thực phẩm... đến những vật dụng thiết yếu trong gia đình. Hàng hóa được bày bán ở các chợ chủ yếu là hàng Việt Nam với tỷ lệ chiếm từ 60-70%.
Nhìn chung, các sản phẩm sản xuất trong nước được người dân quan tâm và mua sắm do chất lượng tốt mà giá cả lại phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm chính hãng thì hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ hoặc hàng giả, nhái các thương hiệu trong và ngoài nước, các mặt hàng có thương hiệu phổ biến lại càng bị làm giả, nhái nhiều hơn.
Với đặc điểm bao bì, tên gọi "na ná” giống nhau, nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng nhái với hàng chính hãng. Đó là chưa kể người dân vùng nông thôn thường rất ít khi chú ý xem kỹ bao bì, thông tin về hàng hóa cũng như đặc điểm nhận dạng.
Tại các chợ nông thôn không khó để nhận ra nhiều mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhưng vẫn được bày bán công khai, như: Nước uống đóng chai Aquanfon nhái Aquafina; nước rửa bát Sunlighter nhái Sunlight…
Ngoài ra, các mặt hàng "3 không” không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng như: mì chính, giấy vệ sinh, gia vị, đường... cũng xuất hiện. Thực tế hiện nay, nhiều người dân sống ở các vùng nông thôn vẫn có thói quen chỉ quan tâm đến giá cả và nhìn qua nhãn hiệu sản phẩm khi mua hàng, chứ không tìm hiểu kỹ xuất xứ, nhà sản xuất, dẫn đến việc mua phải hàng giả, hàng nhái.
Công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái tại các chợ nông thôn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Điều kiện kinh tế khó khăn nên điều người dân quan tâm hàng đầu khi mua hàng chính là giá cả. Chỉ cần sản phẩm có sự chênh lệch thì họ sẽ ưu tiên chọn hàng rẻ hơn mà ít để ý đến chất lượng hay nhãn mác, thương hiệu. Ngoài ra, nhiều người dân tại nông thôn chưa biết cách nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng…
Mặt khác, do các chế tài xử phạt còn nhẹ, mới dừng ở mức độ tiêu hủy hàng, xử phạt hành chính. Thực tế, tại các chợ trung tâm huyện, thành phố hiện nay đều có niêm yết thông tin để người tiêu dùng liên hệ với cơ quan chức năng khi mua phải hàng nhái, hàng giả.
Song tại khu vực nông thôn, việc làm này còn rất hạn chế… Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nông thôn, từ năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Năm 2022, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức trên 10 đợt tuyên truyền hàng thật, hàng giả tại hội chợ, các phiên chợ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; phát trên 30.000 tờ rơi và cung cấp số điện thoại đường dây nóng 0911.282.389 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh.
Để cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thật sự có hiệu quả, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng của người dân trong việc sử dụng sản phẩm hàng hóa; xử lý nghiêm các trường hợp làm giả, nhái…
Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất trong nước không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; thiết lập kênh phân phối, bán lẻ để cung ứng hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng khu vực nông thôn với giá bán hợp lý, phù hợp thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, cùng với các giải pháp đồng bộ của cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu, tự nâng cao quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia thị trường, từ đó, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Thu Hiền