Sính hàng ngoại, mù tịt xuất xứ vẫn mua giá cắt cổ

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/12/2009 | 12:00:00 AM

Đánh vào tâm lý sính ngoại của nhiều người dân, một cơ sở đã kinh doanh hàng xách tay tại TP.HCM bán đắt như… tôm tươi. Khi hỏi về nguồn gốc mặt hàng mình mua với giá cắt cổ, các vị khách chỉ mỉm cười nói: “Chỉ biết là hàng xách tay từ nước ngoài về thôi, trên sản phẩm toàn chữ ngoại quốc, có hiểu gì đâu mà đọc”!

Bánh bày bán được xách tay từ nước ngoài về.
Bánh bày bán được xách tay từ nước ngoài về.

Nghe đồn về một cửa tiệm bán hàng xách tay tại quận Tân Bình, phóng viên báo VietNamNet đã đến tìm hiểu thực hư.

 

Hàng do tiếp viên hàng không xách về?

 

Nhìn bên ngoài, nơi bán hàng xách tay này bình thường như một nhà dân, rộng chừng 60 m2, không thấy treo biển hiệu. Khi nói được người quen giới thiệu đến mua hàng xách tay, một cô giúp việc đon đả mời tôi vào.

 

Cơ man là hàng hóa được bày trong tủ kính, trên các kệ sắt giống như một cửa hàng tự chọn.

 

Gian nhà ngoài bày bán sữa tắm, dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc, xà phòng, đồ lót, bít tất, ba lô, túi xách…

 

Một phụ nữ bồng con đi ra nói: “Yên tâm đi em, tiếp viên hàng không bay đến đâu là bọn chị có hàng ở đó xách về. Hàng ngoại mà rẻ vì không phải đóng thuế.”

 

Tôi với tay lấy một hộp thuốc nhuộm tóc, nhìn ngược, nhìn xuôi toàn chữ nước ngoài, tìm mãi không thấy thông tin về xuất xứ của sản phẩm bèn hỏi: “Chị ơi, cái này do nước nào sản xuất thế?”

 

Cô gái giúp việc đón lấy hộp thuốc nhuộm, lật tới, lật lui rồi đưa cho người phụ nữ đang bế con tìm giúp cũng chẳng thấy dòng chữ nơi xuất xứ. Người phụ nữ tặc lưỡi: “Cái này chắc là hàng của Đức em ạ, bọn chị nhập theo lô nên nhìn một cái là nhận ra ngay, cần gì phải có chữ.”

 

Tôi tiến vào gian nhà trong, nơi bày bán thực phẩm như đồ hộp, bánh, kẹo, sữa, bơ, pho mai, váng sữa, nước hoa, mỹ phẩm, giày dép…

 

2 chiếc tủ lạnh chứa đồ ăn cho trẻ con suy dinh dưỡng. Căng mắt ra chẳng biết hộp nào là pho mai, hộp nào là váng sữa, sữa chua. Mỗi hộp nhỏ xíu, có giá từ 45.000 đến 50.000 đồng.

 

Chúng được để chồng chất lên nhau, loằng ngoằng toàn chữ nước ngoài. Tôi hỏi: “Sao mình không dán nhãn tiếng Việt lên sản phẩm để tiện cho khách? Toàn chữ nước ngoài em chẳng biết cái gì với cái gì, cứ mua đại hay sao?”

 

Tức thì tôi bị cô bé giúp việc mắng cho một trận: “Khách của chúng em là khách quen. Họ giới thiệu nhau đến mua hàng nên rất tin tưởng. Chẳng cần đọc chữ họ vẫn biết hết. Thế thì việc gì mà phải dán nhãn?”

 

Thấy tôi bị mắng hơi nặng lời, người phụ nữ bồng con xoa dịu: “Chị mua đồ ăn cho con hả? Con chị mấy tuổi? Nhiều người con mới vài tháng đã tới mua đồ của tụi em cho ăn rồi. Đảm bảo với chị là hàng tốt. Toàn đồ… ăn được có gì mà sợ.”

 

Khi tôi cho biết có một số mặt hàng ở đây siêu thị cũng bán thì cô giúp việc đáp: “Có nhưng là hàng sản xuất trong nước. Hàng tụi em sản xuất ở nước ngoài. Chị mua hộp sữa chua ở siêu thị còn hạn sử dụng mà đã vữa nát. Trong khi đó, hàng của tụi em vừa thơm, ngon và chất lượng.”

 

Cạnh đống sữa bột chất lon cao ngất tôi thấy một tủ kính bày đủ loại thuốc. Lấy đại một hộp thuốc, tôi hỏi: “Thuốc gì thế em, của nước nào vậy?”

 

Cô giúp việc trả cheo: “Có hình con mắt thì là… thuốc bổ mắt chứ gì.” Xoay tới, xoay lui, hình như cô cũng chẳng hiểu lọ thuốc xuất xứ từ đâu, bèn gọi với ra chỗ người phụ nữ bế con: “Này, thuốc này của nước nào, chắc là của Úc nhỉ?”

 

Trong chiếc tủ kính còn có cả thuốc chữa đau lưng (giá 700.000 đồng 1 chai), Vitamin C đủ mùi dâu, cam, nho (giá 45.000 đồng/ống)…Theo lời người bán hàng, chỉ cần khách yêu cầu, thuốc viên hay thuốc nước đều… có hết.

 

Sẵn sàng mua giá cao dù không rõ nguồn gốc

 

Đúng lúc đó, một người phụ nữ bước vào mua hàng. Bà lượn lờ một vòng rồi quyết định mua 2 hộp sữa Ensure với giá 550.000 đồng/hộp. Mỗi hộp khoảng 1 kg.

 

Lúc người phụ nữ bước ra gian ngoài xem bít tất, đồ lót, tôi chạy theo hỏi thì bà cho biết: “Cô cũng nghe bạn bè giới thiệu nên đến mua lần đầu. Cô mua 2 hộp sữa này cho mẹ già. Trong siêu thị bán 400.000 đồng/hộp nhưng là sữa sản xuất trong nước. Sữa ở đây đắt hơn 150.000 đồng/hộp nhưng xách ở nước ngoài về thì chắc sẽ ngon hơn.”

 

Thấy người phụ nữ cầm mấy chiếc quần lót, tôi hỏi: “Hàng của nước nào thế cô, bao nhiêu tiền một cái?”

 

“Cô chẳng biết, thấy đề chữ CK này, 45.000 đồng/cái.”, người phụ nữ cười xòa.

 

Anh Phạm Văn Khoa, một khách quen, ngụ tại quận Tân Phú cho biết: “Ở đó, có những chiếc túi treo giá 1.200 đô la Mỹ, sau đó giảm giá xuống 1.200.000 đồng. Người chủ hàng nói bên Nhật người ta bán tới 1.200 $/chiếc. Sau đó, chiếc túi được nhân viên bán hàng bên đó tuồn về Việt Nam nên chỉ bán với giá 1.200.000 đồng.”

 

Chị Nguyễn Thị Hương, vợ của anh Khoa nói: “Con tôi bị suy dinh dưỡng nên tôi thường mua bơ, váng sữa ở cửa hàng đồ xách tay cho cháu ăn. Tuy nhiên, cả năm nay, tình trạng của cháu chưa thấy cải thiện nhiều. Mua hàng ở đó phải tinh mắt, tôi thấy nhiều thứ ở siêu thị có nhưng được cửa hàng trên bày bán với giá cắt cổ.”

 

Một số khách hàng cũng cho biết, họ hoàn toàn tin tưởng vào người bán hàng chứ bản thân cũng không biết chất lượng của sản phẩm mình mua đảm bảo không. Tuy nhiên, tất cả đều chung một suy nghĩ, hàng xách tay tốt hơn hàng nội nên… đắt cũng chẳng sao!

 

(Theo VietNamNet)

Các tin khác

YBĐT - Ngày 19/12/2009, tại xã Đông An, huyện Văn Yên, Bộ GTVT cùng Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ động thổ gói thầu xây lắp A6 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (ảnh).

Theo thông tư số 216 của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2010, thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu như bắp, bột cá, cám mì, bột thịt xương... từ các nước ngoài Asean và từ các nước đã ký hiệp định ưu đãi thuế với VN đều tăng lên so với năm 2009.

Học sinh trường THCS xã Nậm Búng (Văn Chấn) lựa chọn bầu chè giống trong chương trình làm kế hoạch nhỏ.

YBĐT - Để kinh tế địa phương phát triển, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở 10 thôn đưa giống lúa lai, lúa thuần vào gieo cấy ở 195 ha ruộng nước, trong đó vụ đông xuân 80 ha, vụ mùa 115 ha.

Đời sống của nhân dân xã Yên Thành chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

YBĐT - Yên Thành là xã vùng ba của huyện Yên Bình (Yên Bái), nằm dọc tuyến đường Đông hồ Thác Bà. Toàn xã có 827 hộ với 4253 khẩu, trong đó đồng bào Dao chiếm 93,6%, Kinh chiếm 5,9%, còn lại là dân tộc Tày, Cao Lan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục