Năm 2022, anh Hoàng Văn Tính ở tổ dân phố Hồng Sơn, thị trấn Sơn Thịnh tham gia lớp học nghề kỹ thuật xây dựng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức tại địa phương.
Mặc dù thời gian học tập chỉ 3 tháng, nhưng vốn thích làm xây dựng và ham học hỏi, anh Tính đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật, kỹ năng cơ bản trong nghề xây dựng. Sau thời gian học nghề, anh kết hợp với một nhóm các anh em cùng làm nghề xây dựng tại tổ dân phố trực tiếp nhận các công trình. Với thu nhập đạt từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, cuộc sống của gia đình anh Tính dần ổn định, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn.
Theo anh Tính, được Nhà nước hỗ trợ học nghề chính là người dân đã được trao "cần câu cơm”, giúp cho những người nghèo có nghề để kiếm sống lâu dài, thu nhập ổn định, dần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Còn với chị Nguyễn Thị Thường ở tổ dân phố Thác Hoa, thị trấn Sơn Thịnh thì sau khi tham gia lớp ĐTN trồng dâu nuôi tằm do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức tại địa phương năm 2022 chị đã mạnh dạn trồng 2 ha dâu và đầu tư làm nhà nuôi tằm.
Cũng như nhiều nông dân khác, trước khi được ĐTN chị Thường nuôi tằm theo phương thức cũ nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Giờ đây khi đã được ĐTN, nắm được kỹ thuật, chị Thường tự tin chọn lựa con giống tốt, biết chăm sóc, phòng bệnh cho tằm... thu nhập tăng đáng kể. Anh Tính, chị Thường chỉ là 2 trong số rất nhiều LĐNT trên địa bàn huyện Văn Chấn đã phát huy hiệu quả sau khi được ĐTN.
Theo báo cáo của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn, năm 2022 toàn huyện đã có 2.640 người được ĐTN đạt 100% kế hoạch năm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt gần 62%. Trong đó, số lao động được ĐTN nông nghiệp là gần 2.000 lao động, ĐTN phi nông nghiệp được trên 600 người; số lao động học nghề nông nghiệp có việc làm chiếm trên 95% và nghề phi nông nghiệp chiếm trên 80%, với thu nhập trung bình từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Có được kết quả trên, trong năm 2022 Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện và các cơ sở dạy nghề tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, ĐTN cho LĐNT với các ngành nghề chủ yếu như: kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; thú y; trồng dâu nuôi tằm… và đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp như: kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp; xây dựng…
Các đối tượng tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc đối tượng người có công. Nhiều học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại việc làm và thu nhập lâu dài, nhất là với nghề xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng…
Đối với các nghề nông nghiệp, học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi từ đó tăng nguồn thu nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTN cho LĐNT trên địa bàn huyện cũng còn những khó khăn, hạn chế, như: một số lao động sau ĐTN chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa duy trì được nghề lâu dài; người lao động chưa nhận thức, đánh giá được đầy đủ mục đích, vai trò của công tác ĐTN để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, còn tâm lý ngại đi học nghề.
Khó nữa là trên địa bàn huyện không có nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau khi học nghề; chính sách hỗ trợ dạy nghề còn thấp; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng; một số nghề đào tạo chưa đáp ứng được thị trường lao động… ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như tuyển sinh trên địa bàn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ĐTN, thời gian tới huyện sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình học nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giới thiệu và giúp học viên tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định sau đào tạo, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của huyện.
Thu Hiền