Tạo nền tảng vững chắc
Cụ thể hóa Nghị quyết số 21 ngày 20/1/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, giai đoạn 2021 - 2025, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động và các văn bản để triển khai thực hiện. Nghị quyết cũng được phổ biến, quán triệt và tuyên truyền rộng rãi đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, chất lượng giáo dục đã có những bước chuyển biến rõ rệt, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc. Về giáo dục phổ thông, năm 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt 53,4%, vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 26,8%.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 44,5%, vào đại học đạt 29,1%. Về giáo dục nghề nghiệp, năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo 66,1%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 34,9%.
Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 21,520 lao động (đạt 110,4% kế hoạch); chuyển dịch được 7.706 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 115,9% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021); cơ cấu lao động làm việc trong các ngành: nông, lâm nghiệp 57,7%; công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ 44,31%.
Qua thực hiện các đề án, kế hoạch như: Đề án triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2021 - 2025…, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao thông qua công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo đạt chuẩn và nâng chuẩn, đào tạo lại đối với giáo viên dôi dư. Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt chuẩn trở lên là 74,4%; tỷ lệ giáo viên phổ thông trên chuẩn là 3,2%.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường được quan tâm đầu tư để tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 294 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 62,5%; trong đó, mầm non 115 trường, đạt 64,6%; tiểu học 32 trường, đạt 56,1%; tiểu học và THCS 98 trường, đạt 76,6%; THCS 33 trường, đạt 63,5%; THPT 13 trường, đạt 48,1%.
Cùng với đó, ngành giáo dục và đào tạo tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, lấy người học là trung tâm; xây dựng và phát huy các mô hình trường học gắn với thực tiễn như: "trường học nông trại”, "trường học du lịch”, "trường học hạnh phúc”...
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thời gian qua, Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo ra đòn bẩy động lực quan trọng, đột phá trong công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong 2 năm, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thu hút theo hình thức xét tuyển đối với 10 giáo viên vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; 3 chỉ tiêu bác sĩ giỏi về công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đăng ký chỉ tiêu thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao với 63 chỉ tiêu, trong đó thu hút 36 chỉ tiêu, đào tạo bồi dưỡng 27 chỉ tiêu.
Năm 2022, toàn tỉnh đã mở 189 lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo quản lý và bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp cho gần 16.500 học viên với tổng kinh phí trên 15,6 tỷ đồng.
Một giờ học của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.
Năm 2022, tỉnh đã tổ chức kỳ tuyển chọn 60 cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, nâng tổng số cán bộ thuộc Đề án lên 192 người. Tỉnh đã thực hiện sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển, đào tạo cán bộ tham gia đề án để đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ.
Về phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề của trung ương, của tỉnh.
Năm 2022, tuyển sinh đào tạo nghề cho 19.466 người, đạt 108,1% kế hoạch, trong đó: cao đẳng 1.612 người, trung cấp 3.292 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 14.562 người; giải quyết việc làm cho 21.520 lao động, đạt 110,4% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021); thực hiện chuyển dịch được 7.706 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 115,9% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,1%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt gần 35%.
Thực hiện tốt khâu đột phá chiến lược
Năm 2023, Yên Bái đặt mục tiêu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT đạt 54%; vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 27,5%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 44,6%; vào đại học 30%; giải quyết việc làm cho 19.500 lao động; tuyển mới đào tạo nghề: 18.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,4%; trong đó, lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 36,6%.
Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp 6.600 người. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh có trình độ trên đại học trở lên đạt trên 26%, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ trên đại học trở lên đạt trên 19%, tỷ lệ công chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ từ cấp tỉnh đến cấp huyện có trình độ đại học trở lên đạt 98%, tỷ lệ công chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 92%.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án của tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đổi mới đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, xếp loại theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, kỹ năng sống.
Huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giáo dục hướng nghiệp; tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn, định hướng phân luồng học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, đào tạo các ngành nghề trọng điểm, ngành nghề theo nhu cầu sử dụng của tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số đào tạo lao động thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tiếp tục đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái theo mục tiêu phát triển trở thành trường 1 trong 70 trường chất lượng cao của cả nước đến năm 2025, phấn đấu đáp ứng các tiêu chí của trường chất lượng cao và các tiêu chí của nghề đào tạo đạt chuẩn cấp quốc tế, ASEAN, quốc gia.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động đồng bộ, thúc đẩy chuyển dịch lao động theo định hướng thích ứng với phát triển việc làm và an sinh xã hội; tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động, giữa người lao động với chủ sử dụng lao động.
Thực hiện hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, các nhóm lao động yếu thế, nhất là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Chú trọng tạo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động; cải thiện điều kiện làm việc, hỗ trợ chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp.
Làm tốt công tác tạo nguồn lao động, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đưa đi làm việc ở nước ngoài; có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; trong đó, đẩy mạnh phân luồng học sinh từ THCS và THPT vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra; tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mạnh Cường