Gia đình anh Nguyễn Trung Kiên ở thôn Đại An, xã An Thịnh, huyện Văn Yên thuộc diện hộ nghèo của xã trong nhiều năm. Bố mất sớm, điều kiện kinh tế khó khăn, tài sản có mảnh đất làm nhà và 3 sào ruộng, một ít diện tích đất đồi rừng.
Hàng năm, nhà anh cày cấy trên 3 sào ruộng nhưng có những năm mất mùa, có những năm thiên tai, dịch bệnh xảy ra nên đời sống cũng không ổn định. Ngoài thời gian cày cấy, anh đi làm thuê mà vẫn không đủ ăn. Mẹ anh lại đau yếu thường xuyên, cuộc sống kinh tế luôn chật vật.
Năm 2014, anh lập gia đình rồi sinh con, thêm nhiều khoản chi phí phải lo toan nên càng thêm khó khăn. Muốn vay vốn của các ngân hàng thương mại để phát triển kinh tế song tài sản gia đình không có gì đáng giá để thế chấp.
Năm 2015, thông qua họp thôn, anh biết Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên có chương trình cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi lại không cần thế chấp tài sản. Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm & Vay vốn thôn cho biết anh thuộc đối tượng được vay vốn.
Sau đó, anh Kiên đã xin gia nhập Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn đồng thời mạnh dạn làm đơn xin vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Tổ thực hiện bình xét cho anh được vay và hướng dẫn làm thủ tục thuận tiện, nhanh chóng.
Anh đã được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát tiền tại Điểm giao dịch ở trụ sở UBND xã An Thịnh, được tuyên truyền về các quy định khi vay vốn, được hướng dẫn cách sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và thực hiện trả lãi hàng tháng, trả gốc khi đến hạn.
30 triệu đồng được vay, anh Kiên đầu tư trồng 1 ha quế trên diện tích đất đồi của gia đình, còn lại mua thêm vài con lợn giống và nuôi thêm gà thương phẩm. Có sự tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ khuyến nông xã và Hội Phụ nữ xã, nhà anh đã biết chăn nuôi đúng cách.
Anh Kiên cho biết: "Chăn nuôi đúng cách lại có thêm chút may mắn, thuận lợi nên việc chăn nuôi của nhà tôi có hiệu quả hơn. Hàng năm, đàn lợn được hai lứa giống, bán đi một phần, còn thì giữ lại để nuôi lợn thịt cho xuất chuồng 1 - 1,5 tấn lợn thịt. Đối với đàn gà, tôi vừa nuôi lấy trứng vừa nuôi bán thịt, mỗi năm cũng được hàng trăm con gà lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt cuộc sống. Tiền tích lũy, tôi mua tiếp lợn giống để mở rộng chăn nuôi. Cuộc sống của gia đình tôi nhờ vậy đã đỡ vất vả, khó khăn hơn trước rất nhiều và đã trả được hết nợ vay ngân hàng”.
Đến năm 2019, gia đình anh Kiên đã thoát nghèo và thuộc hộ cận nghèo. Anh tiếp tục xin vay 90 triệu đồng vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo để trồng thêm 2 ha quế, mở rộng chuồng trại nuôi thêm lợn thịt. Thu nhập của gia đình anh từ tiền bán lợn, bán gà và trồng cây lương thực khác được từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
Năm 2020, gia đình anh thoát cận nghèo, xây được căn nhà 3 gian đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt. Anh tiếp tục mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường đảm bảo vệ sinh và đạt tiêu chuẩn. Kinh tế ngày càng ổn định, gia đình anh được bình xét là hộ có mô hình vay vốn tiêu biểu.
Nhờ số tiền được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên, anh Kiên tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định và thoát khỏi đói nghèo, gia đình có nhà ở đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, con có điều kiện học tập, mẹ già có tiền chữa bệnh. Anh duy trì chuồng trại chăn nuôi 14 con lợn giống sinh sản, hàng trăm con gà, 3 ha quế. Hàng tháng, anh nộp lãi đầy đủ, dành 300.000 đồng gửi tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn để trả nợ gốc.
Anh Kiên chia sẻ: "Tôi xin nói lời cảm ơn Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp cho gia đình tôi và các hộ nghèo khác có cơ hội thay đổi cuộc sống nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi!”.
Nguyễn Thơm