Văn Chấn phát triển mô hình nội trú dân nuôi

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Huyện Văn Chấn có 31 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt, khoảng cách giữa các thôn bản rất xa nên việc đi lại, học tập của học sinh còn khó khăn, đặc biệt là học sinh bậc tiểu học. Trước những khó khăn đó, ngành giáo dục - đào tạo huyện đã chủ động tham mưu cho huyện và tìm những giải pháp thích hợp để huy động tối đa số học sinh nhập học, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn.

Nhà ở nội trú của Trường THCS Suối Giàng mới được đầu tư xây dựng.
Nhà ở nội trú của Trường THCS Suối Giàng mới được đầu tư xây dựng.

Ông Lê Quang Minh - Phó phòng Giáo dục huyện Văn Chấn cho biết: "Từ năm học 1991 - 1992, ở một số xã vùng cao như Suối Giàng, Sùng Đô, An Lương... có nhiều học sinh đã phải ở trọ nhà người thân hoặc bà con ở gần trường để thuận tiện cho việc đi học. Xuất phát từ nhu cầu học tập của con em đồng bào, năm học 1995 - 1996, ngành giáo dục huyện đã tham mưu cho chính quyền các xã vùng cao huy động nhân dân đóng góp công sức, vật tư, vật liệu để làm nhà ở cho học sinh và dành một phần kinh phí hỗ trợ lương thực cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời chỉ đạo các trường động viên, khuyến khích các em nhà xa trường ở nội trú và tăng cường hoạt động tập thể giúp các em yên tâm học tập".

Việc làm nhà ở nội trú cho học sinh các xã vùng cao là hết sức cần thiết, vì các em còn nhỏ mà mỗi ngày phải đi bộ hàng chục ki-lô-mét để đến trường. Như thôn Vàng Ngần (xã Suối Quyền), bản Tập Lăng (xã Suối Giàng), bản Giàng Pằng, Làng Mảnh (xã Sùng Đô), bản Khe Trang, Khe Kim (xã Nậm Mười)... học sinh phải đi bộ mất nửa ngày đường mới đến được trường, chưa kể những hôm mưa lũ. Ở các bản xa xôi như vậy, số lượng học sinh ít nên các trường không thể mở lớp tại bản, vì vậy mô hình làm nhà ở nội trú dân nuôi càng có ý nghĩa thiết thực. Qua sự tham mưu của Phòng Giáo dục huyện, nhiều xã vùng cao đã tích cực huy động nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu làm nhà ở nội trú cho học sinh, điển hình như xã Suối Giàng.

Tuy chỉ cách trung tâm huyện khoảng 12 km, nhưng Suối Giàng có nhiều thôn bản cách trung tâm xã tới 7 km. Do nhu cầu của con em đồng bào Mông về ở trọ tại trung tâm xã để đi học ngày càng đông hơn, UBND xã đã huy động nhân dân đóng góp công sức, vật tư, vật liệu làm nhà ở nội trú cho học sinh từ năm học 1995 - 1996 và đã giúp cho hàng trăm học sinh có điều kiện được đến trường. Đến nay, các xã vùng cao của Văn Chấn đã huy động nhân dân làm được 20 phòng ở nội trú tạm cho học sinh ở các thôn bản xa về trung tâm xã học tập. Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái, UBND huyện Văn Chấn đã bố trí một số nguồn vốn để hỗ trợ các xã xây dựng nhà ở nội trú cho học sinh. Đến năm học 2006 - 2007, bằng nguồn vốn hỗ trợ của ngành giáo dục tỉnh, UBND huyện và một số nguồn vốn khác, các xã Sùng Đô, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền... đã huy động nhân dân xây dựng được 11 phòng ở nội trú bán kiên cố. Năm 2007, Văn Chấn tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 20 phòng ở nội trú cho học sinh ở xã Suối Giàng, An Lương, Nghĩa Tâm, Sùng Đô, Suối Quyền...

Theo đánh giá của Phòng Giáo dục huyện, từ khi phát triển mô hình nội trú dân nuôi thì việc duy trì sĩ số học sinh tại các trường tiểu học và THCS  ở các xã vùng cao đã tốt hơn nhiều. Năm học 2001 - 2002, tổng số học sinh nội trú dân nuôi bậc tiểu học và THCS có 220 em, năm học 2003 - 2004 tăng lên 378 học sinh, đến năm học 2006 - 2007 đã tăng lên 671 học sinh. Các em được học tại mô hình nội trú dân nuôi so với các lớp học ở thôn bản lẻ có ưu điểm là thường xuyên được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô nên mạnh dạn hơn, điều kiện học tập tốt hơn nên chất lượng giáo dục cũng cao hơn. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần tích cực để Văn Chấn được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS vào năm 2005.

Hy vọng, từ mô hình này, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái và các địa phương khác sẽ có những chính sách riêng để đầu tư, hỗ trợ cho các xã vùng cao phát triển công tác giáo dục.

Trường Phong

 

Các tin khác

YBĐT - Trước tình hình diễn biến dịch cúm gia cầm (DCGC) đang lan nhanh và có nhiều diễn biến phức tạp, UBND thị xã Nghĩa Lộ vừa tổ chức hội nghị bàn biện pháp phòng chống, ngăn chặn DCGC và triển khai một số nhiệm vụ trong công tác phòng chống DCGC.

YBĐT - Vừa qua, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn cho 32 đối tượng là cán bộ Ủy ban DS,GĐ&TE các huyện, thị xã chưa được tập huấn trong năm 2006; trưởng ban dân số, gia đình và trẻ em (chủ tịch, phó chủ tịch UBND) và cán bộ chuyên trách DS,GĐ&TE các xã, phường tuyên truyền trọng điểm.

Phụ nữ dân tộc Mông ngày càng có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe và tham gia các hoạt động xã hội.
(Ảnh: Sơn Nam)

YBĐT - Với quan điểm chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với việc củng cố và xây dựng văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội, trong 5 năm qua, huyện Trạm Tấu đã đặc biệt quan tâm củng cố và xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Các sản phẩm từ đá quý đã giúp nhiều hộ phụ nữ thoát nghèo. (Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Những năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện Lục Yên luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiệm vụ của Hội cấp trên để xây dựng kế hoạch, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động trong quá trình tổ chức thực hiện gắn với 6 chương trình trọng tâm của Hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục