Người phụ nữ Mông giàu nghị lực

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hội Liên hiệp phụ nữ xã Púng Luông (Mù Cang Chải) là một trong những đơn vị đầu tiên của Hội Phụ nữ huyện được nhận hợp đồng ủy thác cho phụ nữ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và đã phát huy có hiệu quả nguồn vốn vay.

Huyện Mù Cang Chải luôn chú trọng việc nâng cao kiến thức phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc Mông.
(Ảnh: Thanh Xuân)
Huyện Mù Cang Chải luôn chú trọng việc nâng cao kiến thức phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc Mông. (Ảnh: Thanh Xuân)

Nhiều năm qua, Hội là đơn vị tiêu biểu trong công tác quản lý và thu hồi gốc, lãi của vốn vay, không để nợ tồn đọng. Người khơi dậy phong trào và cũng là người tiên phong trong việc tham gia vay vốn để phát triển kinh tế gia đình ở Púng Luông là chị Giàng Thị Của - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Đó là lời nhận xét của chị Sùng Thị Xày - Chủ tịch Hội LH phụ nữ huyện Mù Cang Chải.

Sinh năm 1959 trong một gia đình nghèo ở bản Đề Chờ Chua A - xã Púng Luông và theo phong tục của người Mông con trai mới được đi học nên chị Của chỉ được học hết cấp II. Đến năm 17 tuổi chị đã phải đi lấy chồng. Đời sống kinh tế gia đình nhà chồng cũng chẳng có gì khá hơn. Chị suy nghĩ làm gì để cuộc sống đỡ khổ? Chả nhẽ cả đời mình cứ đói nghèo mãi thế này sao? Chị nghĩ mình phải mua con trâu, con bò để cày kéo và có phân bón cho cây trồng mới phát triển được. Nhưng tiền không có lấy gì mà mua ? Chị muốn vay vốn của Nhà nước nhưng không biết bằng cách nào. Chị bàn với chồng nhưng anh chồng lại gạt phắt: "Đàn bà thì biết gì mà vay với chả vốn, biết gì mà làm kinh tế, có khi vay được tiền lại chẳng biết làm gì…".

Ngày tháng trôi đi, suốt 20 năm chị cứ phải sống trong nghèo đói vì cái hủ tục "trọng nam khinh nữ" của người Mông. Sau bao lần khóc vì chồng không đồng ý, mãi đến năm 1995 chị mới được chồng "cho phép" đi làm tạp vụ, quét dọn vệ sinh ở trên xã và chị được kết nạp vào hội viên Hội phụ nữ xã Púng Luông. Với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, ham học hỏi chị nhanh chóng chiếm được tình cảm của lãnh đạo xã và sự tín nhiệm của chị em phụ nữ trong xã. Đến năm 1997 chị được bầu làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Púng Luông. Là người đã hiểu thế nào là nỗi khổ phải núp mình dưới cái hủ tục không đáng có của người Mông nên với cương vị này chị đã mang hết khả năng, tâm huyết để vận động hội viên cũng như phụ nữ trong xã tích cực tham gia các phong trào của Hội, của xã, của Đảng, Nhà nước phát động. Chị chỉ có một mong muốn là làm gì để giúp người phụ nữ Mông đỡ khổ hơn và chỉ sau hai năm chị lại được bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Gần chục năm ở cương vị này, chị thường xuyên đến từng hộ gia đình hội viên tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giúp chị em phụ nữ nắm bắt và thực hiện tốt, đồng thời chị đi cũng là để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em. Chị thấy rằng, phụ nữ cũng rất muốn làm kinh tế, để khẳng định rằng "không phải chỉ có đàn ông mới làm được việc lớn". Năm 2001 Hội Phụ nữ huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội về thực hiện dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, đặc biệt là phụ nữ, giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay cho chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế. Nhận được chương trình phối hợp này, chị rất vui, hăng hái tham gia đầu tiên. Chị cho biết: "Hội phụ nữ xã có 446 hội viên, năm đầu thực hiện chỉ vận động được  hơn 10 hộ tham gia vay vốn. Một mặt tôi vận động hội viên, một mặt tôi mạnh dạn vay vốn cho mình. Thấy chúng tôi sử dụng có hiệu quả đồng vốn, năm thứ 2 đã có 26 chị tham gia, rồi các năm sau cứ tăng dần, 32, 36 chị đăng ký vay vốn đến nay, toàn hội đã có 115 chị tham gia vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số tiền 680 triệu đồng. Từ khi có vốn vay, nhiều hộ gia đình hội viên đã có cuộc sống đầy đủ hơn, nhiều nhà vươn lên có cuộc sống khá như gia đình chị Lù Thị Phếnh, chị Lù Thị Hú - bản Nả Háng A, Giàng Thị Dinh - bản Nả Háng B, Thào Thị Mú - bản Đề Chờ Chua B…".

Chị Giàng Thị Dinh - bản Nả Háng B tâm sự: "Trước kia gia đình tôi nghèo lắm, mỗi năm đói giáp hạt đến 2, 3 tháng. Phụ nữ chúng tôi không "được phép" nghĩ đến chuyện làm giàu, nhưng từ khi chị Của đến vận động vay vốn để phát triển kinh tế, ban đầu tôi không dám vay vì chồng tôi không đồng ý, song được chị thuyết phục nhiều lần dần dà tôi hiểu ra và quyết định vay. Khi vay được rồi tôi lại không biết chọn nuôi con gì và trồng cây gì để phát triển kinh tế. Nắm được ưu thế của Púng Luông, chị Của đã khuyên tôi nuôi ong. Ban đầu tôi chỉ dám nuôi 3 đến 5 tổ ong xem thế nào. Sau đó cho kết quả, tôi mạnh dạn phát triển đàn ong và bây giờ chúng tôi đã có 50 tổ ong. Cùng với tiền bán gia súc, gia cầm và bán mật ong 2, 3 năm trở lại đây mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng, đã tiết kiệm mua được nhiều vật dụng có giá trị cần thiết cho gia đình. Khi có được kết quả này gia đình tôi rất ủng hộ tôi trong việc vay thêm vốn để mở rộng đàn ong nhất là chồng tôi anh ấy cảm thấy xấu hổ vì trước kia đã cấm đoán tôi…". Nói xong, chị cười…

Còn theo anh Thào Là Sử - Chủ tịch UBND xã Púng Luông thì: "Chị Của là một người làm việc rất tốt, cương quyết và nhiệt tình, chị luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của xã, của thôn, được nhân dân tin tưởng nhất là phong trào xóa đói giảm nghèo".

Thanh Xuân
 

Các tin khác

YBĐT - Đến thôn Làng Mường xã Vĩnh Lạc huyện Lục Yên, bà con nơi đây ai cũng phấn khởi vì vừa có thêm một con đường mới nối từ xã Liễu Đô vào thôn Làng Mường, thay cho con đường đất nhỏ hẹp trước kia. Con đường đá dăm nước này do anh Nguyễn Văn Hùng, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Hùng Đại Sơn đầu tư xây dựng tặng cho nhân dân thôn Làng Mường - nơi anh sinh ra và lớn lên.

Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức Hội thi Rung chuông vàng nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 2007. (Ảnh: Minh Đức)

YBĐT - Nhắc tới dòng họ gia đình ông Bùi Đăng Văn ở phố Thắng Lợi 1, phường Nguyễn Thái Học, mọi người đều có chung nhận xét đó là một dòng họ hiếu học. Tâm sự với chúng tôi, ông Văn cho biết: "Xây dựng một gia đình tốt và nhiều gia đình tốt để cho xã hội ngày càng tốt hơn, phát triển hơn.

YBĐT - Nằm thanh bình và thơ mộng dưới chân núi Thắm, vườn quả của gia đình ông Nguyễn Ngọc Việt nổi tiếng đẹp và cho hiệu quả kinh tế cao ở đất Thượng Bằng La. Đây được xem như một trong những trang trại trồng cây ăn quả lý tưởng của huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Cô giáo mầm non vùng cao Trạm Tấu đang soạn bài.
(Ảnh: Tô Anh Hải)

YBĐT - Mùa xuân này là đã gần 7 năm, thầy giáo Lường Văn Hiệu - giáo viên cắm bản của Trường PTCS xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu ăn Tết cùng đồng bào Mông ở bản Tà Lù Đằng. Thầy cho biết: năm 1997, tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ, anh xung phong lên tận bản Chống Chùa, cách trung tâm xã Tà Xi Láng tới 6 cây số đi bộ để dạy học. Cuộc sống với bao khó khăn, thiếu thốn nhưng anh không chút nản lòng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục