Kế thừa và phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng văn hóa, con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/10/2023 | 7:27:10 AM

YênBái - Đa chiều, khách quan, hài hòa, tiếp nhận các giá trị mới tiến bộ trong đánh giá, nhìn nhận và xây dựng chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa gia đình trong thời kỳ mới chính là thiết thực góp phần xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Người Yên Bái tự hào khi “Nghệ thuật Xòe Thái” được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Người Yên Bái tự hào khi “Nghệ thuật Xòe Thái” được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

XÂY DỰNG VĂN HÓA, CON NGƯỜI YÊN BÁI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về văn hóa, đặc biệt là kế thừa và phát huy giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 và các quan điểm về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tại Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025. 

Trong đó, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của nhân dân, phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.


Những giá trị cốt lõi của văn hóa gia đình sẽ nuôi dưỡng, xây dựng và phát triển con người. 

Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: "Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 có sức sống mới trong bối cảnh hiện nay. Giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 luôn được quan tâm kế thừa, vận dụng và phát triển để từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển cả về quy mô lẫn chiều sâu, góp phần phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. 

Cụ thể, hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc được quan tâm chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và nhận thức bảo vệ di sản của nhân dân. Các loại hình văn nghệ dân gian được giữ gìn cùng các sinh hoạt, tập tục, lễ hội truyền thống được lưu truyền, phục dựng.... 

Với 18 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng và 21 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái, đội ngũ nghệ nhân của tỉnh đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương. 

Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đề xuất các giải pháp tổng thể cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Thực hiện chủ trương biến di sản thành tài sản phục vụ đắc lực quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc khai thác những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong những hướng đi được ưu tiên thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong vào ngoài nước đến với tỉnh Yên Bái. 

Trên 1.500 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, quảng bá và giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua hoạt động văn nghệ phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng.

Năm 2022, toàn ngành du lịch Yên Bái đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 28.000 lượt khách. Đời sống văn hóa ở cơ sở có bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu. 

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, tạo hiệu ứng cao, có sức lan tỏa nhanh trong đời sống xã hội, được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn văn hóa truyền thống, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82,3%; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 69,2%; cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt 89,5%. 

Cùng với đó, hệ giá trị văn hóa gia đình - nền tảng hình thành, hun đúc khát vọng, tâm hồn, ý chí ở mỗi người dân Yên Bái được chú trọng xây dựng. Các tiêu chí đánh giá: "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình hạnh phúc đạt 85,4%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc đạt 39,3%. Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí "Ứng xử trong gia đình” trên địa bàn toàn tỉnh góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Đồng chí Lê Thị Thanh Bình cho biết thêm: "Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhìn nhận nghiêm túc và đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện, tập trung giải quyết trong những năm cuối của nhiệm kỳ”. 

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, trong thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa ra các giải pháp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục hoàn thiện thể chế xây dựng, phát triển văn hóa; quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa; tập trung xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”...

"Với những giải pháp cụ thể, chúng tôi tin tưởng rằng sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Yên Bái sẽ có bước chuyển mình mang tính đột phá để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” - đồng chí Lê Thị Thanh Bình khẳng định.


HIỆU QUẢ TỪ MỘT PHONG TRÀO

Xác định phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Yên  thường xuyên đôn đốc các đơn vị, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các nội dung đến nhân dân. 


Cán bộ, công chức xã Ngòi A tham gia "Ngày cuối tuần cùng dân” đắp lề đường giao thông nông thôn. 

Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm được thực hiện công khai, dân chủ. Phong trào xây dựng làng, thôn văn hóa, khu phố văn hóa cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng. Các xã, thị trấn đã chỉ đạo thôn, tổ dân phố sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước phù hợp với tình hình và xu thế phát triển chung. 

Theo đó, các địa phương đã xóa bỏ nhiều hủ tục; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được phát triển mạnh mẽ; các lễ hội truyền thống được tổ chức đúng quy định, phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc. 

Để phong trào triển khai hiệu quả, ban chỉ đạo các cấp đã vận động các đơn vị, các xã, thị trấn, thôn bản, tổ dân phố thực hiện tốt 5 nội dung của phong trào. Các cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc... 

Nhờ đó, năm 2022, toàn huyện Văn Yên có 32.719/35.642 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91,8%; có 100% thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước; có 162/172 khu dân cư và tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 94,2%; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 95,7%. 

Toàn huyện có 70 câu lạc bộ thể dục, thể thao; tỷ lệ người dân tham gia tập thể dục, thể thao thường xuyên chiếm 39,72%. Toàn huyện thành lập được 172 tổ hòa giải, tổ tự quản hoạt động hiệu quả. 150/172 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được lắp đặt hệ thông wifi 4G, được trang bị tăng âm, loa đài, tạo điều kiện cho nhân dân sinh hoạt văn hóa tinh thần; toàn huyện duy trì 200 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tham gia giao lưu, biểu diễn.

 Ông Trần Hiệp Sỹ - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Yên cho biết: "Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã tham mưu, trình Huyện ủy ký ban hành văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả nội dung của phong trào đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tạo thành phong trào rộng khắp đến tất cả các địa phương, đơn vị. Qua đó, gắn với phong trào thi đua yêu nước trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của huyện. 

Các nội dung về văn hóa luôn được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở góp phần vào công cuộc xây dựng, đổi mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện hướng dẫn bình xét và công nhận các danh hiệu ở thôn, tổ dân phố; khen thưởng các thôn, tổ dân phố, gia đình tiêu biểu”. 

Năm 2023, huyện Văn Yên phấn đấu, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa là 89,7%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa 82%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 96,4%; số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới có 3 xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2023 so với năm trước là 4,05% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 60 triệu đồng.

GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ở Hà Nội ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu đặc biệt quan trọng. Trong bài phát biểu này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại… Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”.

Trích dẫn bài phát biểu của người đứng đầu Đảng ta để thấy rằng, văn hóa gia đình có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập. Văn hóa gia đình là một trong ba hệ giá trị bồi dưỡng, phát triển con người cùng với hệ giá trị văn hóa và trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia - dân tộc. 

Văn hóa gia đình là điểm khởi nguồn và nuôi dưỡng con người. Xuất phát của mỗi con người đều bắt đầu từ mỗi gia đình - tế bào của xã hội. Mỗi tế bào khỏe mạnh là cơ hội quý giá để mỗi người có một điểm khởi đầu phát triển lành mạnh. Mỗi tế bào có tốt thì "cơ thể” xã hội mới có thể phát triển tốt. Suốt cuộc đời của một con người đều gắn với một vị trí trong gia đình: là con hay cháu, là vợ hay chồng, là mẹ hay bố, là bà hay ông… 

Ở từng vị trí, mỗi người đều cần có ý thức và hoàn thành tốt vai trò của mình để góp sức xây dựng, phát triển gia đình. Mặt khác, trách nhiệm xây dựng, phát triển gia đình của mỗi thành viên cũng chính là giữ gìn, phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa gia đình.

 Những giá trị cốt lõi của văn hóa gia đình hiện nay đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ là: "Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”. Giá trị ấm no là chất lượng cuộc sống biểu hiện bằng điều kiện kinh tế, vật chất, thể chất ngày càng hướng đến mức độ cao hơn. Giá trị hạnh phúc là sự hài lòng trong mối quan hệ của các thành viên, sống có trách nhiệm, tin tưởng lẫn nhau... Giá trị tiến bộ là sự tôn trọng, bình đẳng trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Giá trị văn minh là nâng cao ý thức về việc giao tiếp, coi trọng và có cách ứng xử văn hóa với nhau. 

Chung dòng chảy văn hóa gia đình, văn hóa dân tộc, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng thực hiện công tác giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa gia đình kết hợp giữa những giá trị truyền thống với hiện đại. Thực hiện Bộ tiêu chí "Ứng xử trong gia đình” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với những tiêu chí chung, Yên Bái còn có hướng đi riêng và cách làm riêng. Xác định rõ những yếu tố, những điều kiện đặc thù về mọi mặt là Yên Bái hướng tới xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương để thực hiện mục tiêu đạt hiệu quả. 

Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới để ngày càng nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài phong trào chung "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỉnh có các hoạt động mang dấu ấn riêng biệt như nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”... 

Tất cả đều có cùng mục tiêu xây dựng môi trường tốt để mỗi người được sống, được hưởng, được trưởng thành, được cống hiến, được thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng trong mỗi gia đình, ra cộng đồng, với xã hội. Đa chiều, khách quan, hài hòa, tiếp nhận các giá trị mới tiến bộ trong đánh giá, nhìn nhận và xây dựng chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa gia đình trong thời kỳ mới cũng chính là thiết thực góp phần xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa gia đình cốt lõi trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh ý thức bảo vệ, tiếp nối các yếu tố truyền thống tốt đẹp là tinh thần cởi mở, tiếp nhận các yếu tố mới mang tính tích cực. Các giá trị cốt lõi của văn hóa gia đình sẽ nuôi dưỡng, bồi đắp, xây dựng và phát triển con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập. 

Con người tốt, gia đình tốt, xã hội tốt - mục tiêu ấy chính là nền tảng quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ, nỗ lực thúc đẩy và hiện thực hóa khát vọng vươn lên, đưa quê hương và đất nước ngày càng phát triển mạnh giàu, nhân dân ngày càng hạnh phúc.

THẾ HỆ TRẺ GÓP SỨC

Anh Trần Như Cường - Bí thư Đoàn thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên:



Bản thân tôi luôn luôn ý thức phấn đấu để cùng với cấp bộ Đoàn thị trấn xây dựng phong trào Đoàn ngày càng vững mạnh. Qua đó, phát huy được vai trò tiên phong của thế hệ trẻ sẵn sàng tham gia các phong trào xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; hăng hái tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chị Hà Thu Thủy - công chức xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình: 



Bản thân tôi luôn nhận thức sâu sắc là mình phải luôn luôn trau dồi kiến thức của bản thân, nâng cao nhận thức, trình độ và đặc biệt là không ngừng nỗ lực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong công việc, bản thân tôi cố gắng ngày càng hoàn thiện hơn và sống nhân ái, chan hòa để phát huy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Chị Giàng Thị Gừ - chủ homestay Dò Gừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải: 



Mình rất tự hào khi ruộng bậc thang là thành quả lao động của đồng bào mình đã được tôn vinh và trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây đều được người dân chào đón bằng nụ cười thân thiện và mến khách. Mình sẽ cố gắng góp một phần công sức để lan tỏa những hình ảnh, miền đất, con người Mù Cang Chải đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp sức cùng cộng đồng xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. Mình sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, gia đình với người khác và cộng đồng về phát triển du lịch tại địa phương mình.

Anh Nguyễn Duy Khiêm - Trưởng nhóm những nhà sáng lập ý tưởng Khởi nghiệp trên đỉnh núi của những kẻ mộng mơ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn: 



Là người trẻ mình phải luôn học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để nắm bắt thời cơ, chủ động tham gia các hoạt động và phát triển cùng cộng đồng; nỗ lực học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, của tỉnh. Đặc biệt mình phải tích cực, chủ động giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế. Hiện nay, bản thân tôi cùng nhóm sáng lập đang tích cực tiếp cận công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo AI để phát triển bản thân, phát triển kinh tế du lịch hội nhập với toàn cầu.

Hồng Duyên - Nguyễn Thơm - Lê Thanh (thực hiện)

Các tin khác
Nữ thủ lĩnh thanh niên Hoàng Thị Hồng Thương vinh dự nhận Giải thưởng

Với sự năng động, sáng tạo và có nhiều cống hiến trong hoạt động Đoàn - Hội, chị Hoàng Thị Hồng Thương - Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) xã Đại Minh, huyện Yên Bình vinh dự là một trong 82 cán bộ hội được Hội LHTN Việt Nam trao tặng Giải thưởng “15 tháng 10" năm 2023 tại Chương trình kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956-15/10/2023) vừa qua tại tỉnh Thái Nguyên.

Ông Lò Tuyên Dung dạy chữ Thái trong một lớp mở tại địa phương.

Là một người con dân tộc Thái sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghĩa Lộ - Mường Lò giàu bản sắc văn hóa, ông Lò Tuyên Dung - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là người đã góp công lớn giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Cựu chiến binh Bùi Văn Dần (bên phải) giới thiệu chăn nuôi trâu, bò của gia đình với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh xã Xuân Ái.

Sau lần thất bại, việc vực dậy phát triển kinh tế sau dịch bệnh tưởng chừng như không thể, nhưng với nghị lực của người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Dần đã trở thành hộ khá giàu ở vùng quê Xuân Ái và được UBND huyện Văn Yên tặng giấy khen là công dân có thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo Bác, giai đoạn 2021 - 2022.

Cô giáo Vũ Thị Hà - giáo viên Trường Cao đẳng Yên Bái hướng dẫn học viên nghiệp vụ bàn.

Đó là cô giáo Vũ Thị Hà - giáo viên Trường Cao đẳng Yên Bái. Cô là người truyền lửa cho rất nhiều mô hình homestay thành công trên khắp các bản làng vùng cao Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục