Người thương binh vượt khó làm giàu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sinh năm 1942 tại xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, một vùng quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh, học xong trung cấp kế toán thống kê, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Vỹ đã cùng bao người bạn nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc xung phong lên đường nhập ngũ.

Đó là thời điểm năm 1964, khi giặc Mỹ thua đau tại các chiến trường phía Nam đã mở rộng chiến tranh bắn phá miền Bắc. Được phiên chế vào C44, trinh sát đặc công Quân khu IV, rồi lại về Binh chủng Phòng không sang giúp nước bạn Lào diệt phỉ Vàng Pao, trong lần trinh sát chuẩn bị cho trận đánh vào sân bay Sầm Sọp, anh bị vướng mìn của địch và phải cắt bỏ một phần cánh tay trái. Trở về hậu phương với thương tật hạng 2/4 thương binh chống Mỹ, Nguyễn Hồng Vỹ chuyển sang công tác tại Công ty Xây dựng thuỷ lợi II Yên Bái.

Ở môi trường công tác mới, anh luôn sát cánh cùng những nông dân bản Thái, bản Tày vùng lòng chảo Mường Lò, vận động họ tham gia đóng góp công sức xây dựng các công trình thuỷ lợi để có đủ nước tưới cho đồng ruộng. Và cũng tại đây, anh đã lập gia đình với chị Lê Thị Khiếu, người con gái quê lúa Thái Bình cùng công tác trong ngành thuỷ lợi. Thập kỷ bảy mươi và tám mươi của thế kỷ trước, kinh tế của nước ta còn gặp khá nhiều khó khăn. Hai vợ chồng với 4 đứa con thơ, đời sống trông cả vào đồng lương công chức nên rất vất vả, đành lần lượt xin nghỉ hưu sớm. Vay mượn anh em, bạn bè mua được mảnh đất 1.500 m2 thuộc phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ làm nơi lập nghiệp. Ngày ngày ra công cuốc xới, vun trồng các loại rau đem bán tại chợ thị xã, cộng với đồng lương mất sức ít ỏi mà chẳng đủ ăn nên hằng năm vẫn phải nhận trợ cấp khó khăn của Nhà nước.

Làm thế nào để thoát nghèo luôn là câu hỏi thường trực trong đầu người thương binh Nguyễn Hồng Vỹ. Qua tìm hiểu phong trào xoá đói giảm nghèo, xoá bỏ vườn tạp xây dựng mô hình VAC, anh đã mạnh dạn làm dự án và được Phòng LĐ,TB-XH, UBND thị xã Nghĩa Lộ phê duyệt, cấp vốn. Cộng với tinh thần vượt khó, tự lực cánh sinh và nhất là thực hiện lời dạy của Bác Hồ “ Thương binh tàn nhưng không phế”, gia đình đã xây dựng thành công mô hình kinh tế hộ phát triển. Từ mảnh đất khô cằn, một vườn cây ăn quả 700 m2 được quy hoạch trồng các loại cây nhãn, hồng xiêm, xoài và một số rau quả phục vụ đời sống hàng ngày. Sau mấy năm, thu nhập từ vườn mỗi năm cũng được gần chục triệu đồng. Công phu và thành công nhất chính là chuyện đào ao thả cá. Nhìn cái ao mấy chục mét vuông chủ nhà cũ đào để lấy nước tưới rau, anh nảy sinh ý tưởng mở rộng nuôi cá giống. Có lẽ câu ca xưa “ nhất thả cá, nhì gá bạc” đã tác động mạnh tới cư dân mới của đất Mường Lò.

Suốt ngày đào đất lật đá, lại được sự giúp đỡ ngày công của bà con hàng xóm và bạn bè cơ quan cũ, hai chiếc ao xinh xắn rộng hơn 300 m2 đã hoàn thành. Anh Vỹ liền tìm đến cơ sở nuôi cá giống của huyện Văn Chấn học hỏi kinh nghiệm, đồng thời vay tiền mua đợt cá hương đầu tiên về ươm nuôi. Chỉ sau mấy tháng, lứa cá giống đầu tiên hàng vạn con trắm, trôi được xuất bán. Khách hàng hầu hết là nông dân, họ trả bằng tiền và cả ngô thóc. Thế là mở đầu đã thu được thắng lợi. Không còn lo cái đói, thu nhập bây giờ có của ăn của để và chi cho các con đi học. Vợ chồng bàn bạc tiếp tục mua cá về ươm và còn thuê thêm 300 m2 của làng để mở rộng nuôi thêm cá thịt. Rồi số lương thực quy đổi dư thừa mỗi vụ 2 -3 tấn thóc, 1,5 - 2 tấn ngô khiến anh nghĩ đến chuyện chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Lại vay vốn làm chuồng trại, mua con giống. Cứ thế trong chuồng thường xuyên có 2 con lợn nái, vài con lợn thịt, hàng năm cấp cho trên 400 kg lợn giống, 400 - 500 kg lợn thịt, thu về trên chục triệu đồng. Đàn gia cầm cũng có hàng trăm con, trong đó thường xuyên 30 - 50 gà, vịt đẻ. Như vậy là, mô hình VAC khép kín của gia đình đã phát huy hiệu quả, thu nhập trừ chi phí cũng dành dụm được 30 triệu đồng/ năm. Cũng bằng chính công sức của gia đình, ngôi nhà xây cấp bốn khang trang rộng 62 m2 cùng căn bếp 30 m2 được xây dựng với nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Đến thăm, khách không khỏi trầm trồ trước cơ ngơi đẹp như một trang trại sinh thái.

Bây giờ đã ở vào cái tuổi ngoại lục tuần, các con đều đã có nghề nghiệp ổn định, hàng ngày, ông bà Vỹ vẫn cùng nhau chăm sóc vườn quả và ao cá giống. Đời sống khá giả, tư tưởng tinh thần thoải mái nên ông càng có điều kiện tham gia công tác xã hội, là hội viên của Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội chữ thập đỏ, Hội những người làm vườn và Câu lạc bộ sức khoẻ người cao tuổi của phường. Sáng sáng, người dân nơi đây vẫn thấy một ông già mái tóc hoa râm, cánh tay trái mất gần đến khuỷu, đạp xe hoặc đi bộ đến các sân cầu lông của khối phố. Vừa tham gia luyện tập, vừa động viên hô hào, ông đã góp phần thúc đẩy phong trào luyện tập thể thao của phường Cầu Thia ngày càng sôi nổi. Và phần thưởng xứng đáng dành cho người thương binh giàu nghị lực là lòng tin của nhân dân cùng tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nam Hà

Các tin khác

YBĐT - "Cây chổi thần" là tên một bài báo đăng trên báo Tiền phong và báo Đường sắt viết về chị Nguyễn Thị Nga, vệ sinh viên Ga Yên Bái. Sau khi đọc được bài báo nêu gương người tốt, việc tốt, Bác Hồ cho người thẩm tra lại và tặng thưởng cho chị Huy hiệu của Người kèm theo giấy chứng nhận và thư khen.

YBĐT - Những năm gần đây, công tác dân số, gia đình và trẻ em phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) đạt được những kết quả đáng khích lệ, đó là: số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng; mô hình gia đình ít con ngày càng được đông đảo người dân chấp nhận; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Có được kết quả ấy chính là có một phần đóng góp, sự tận tụy, lòng nhiệt tình của chị Hà Thị Toan, cán bộ chuyên trách DS,GĐ&TE của phường.

YBĐT - Con đường nhỏ gập ghềnh đưa tôi đến cuối thôn Cường Bắc, xã Nam Cường. Ngôi nhà mới khang trang bên triền đồi thoai thoải, được bao bọc bởi nhiều loại cây như táo, nhãn, vải, xoài… là nhà của đoàn viên trẻ Nguyễn Hữu Phương, Đội trưởng Đội Xây dựng xã Nam Cường.

Anh Hoàng Văn An đang kiểm tra chất lượng những cây vải thiều mới ra quả vụ đầu tiên.

YBĐT - Nếu không được giới thiệu trước, chắc tôi không thể đoán được người thanh niên đang cặm cụi trồng hàng keo phía đằng xa lại là chủ của một trạng trại rộng trên 10 ha ở bản Giàu, xã Khánh Thiện (Lục Yên) và mỗi năm trang trại này cho thu nhập trên dưới 60 triệu đồng. Đó là chủ trang trại Hoàng Văn An. Anh An có dáng người nhỏ nhắn, nước da rám nắng, đôi mắt sắc sảo và trông già hơn rất nhiều so với tuổi của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục