Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ
- Cập nhật: Thứ bảy, 4/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vượt lên thương tật để chiến thắng đói nghèo, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương là quyết tâm và nghị lực của người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Minh Sang, thôn Cao 1 xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).
|
Theo lời giới thiệu của anh cán bộ phòng Lao động TB và XH huyện Văn Chấn, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Minh Sang. Ngôi nhà gỗ rộng thênh thang được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn của đồi chè và rừng kinh tế. Đang mải phát tỉa đồi keo quanh nhà, thấy có khách đến thăm, lau vội những giọt mồ hôi trên trán, ông ân cần mời chúng tôi vào nghỉ tạm bên lán, ông Sang cười vui vẻ: “Cũng là xuất phát từ những mong muốn không cam chịu đói nghèo mà bản thân tự vượt lên với cuộc sống để chiến thắng bản thân và chiến thắng đói nghèo”.
Trong chiến tranh trước hiểm nguy không lùi bước, vậy trong cuộc sống lại chịu khuất phục trước đói nghèo? Xuất phát từ những suy nghĩ ấy, may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Dù bỏ lại một phần sương máu nơi chiến trường và những mảnh đạn trong người vẫn luôn làm ông đau khi trái gió trở trời. Nhưng với bản chất người lính cụ Hồ năm xưa, với niềm tin của những người lính, ngay sau khi xuất ngũ, trở về địa phương năm 1978, ông đã cùng vợ con bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình.
Lấy sản xuất thâm canh cây lúa cây chè, phát triển kinh tế đồi rừng làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Với hơn 3.000m2 ruộng nước 2 vụ, nhờ áp dụng giống mới năng suất cao, thực hiện phương pháp gieo cấy mạ khay và cách phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên năng suất lúa bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 20%, bình quân mỗi năm ông thu trên 2 tấn thóc.
Kết hợp làm vụ ba bằng việc trồng thêm ngô, sắn xen với rừng kinh tế mới trồng để có lương thực phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi.
Có lương thực dư giả, ông tập trung cho phát triển chăn nuôi lợn thịt, lớn nái và gia cầm. Một mặt bán lợn giống cho các hộ trong thôn, xã, mặt khác phục vụ trực tiếp nhu cầu chăn nuôi của gia đình. Với 3 lợn nái sinh sản, trung bình mỗi năm gia đình ông cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong xã khoảng trên 300 kg lợn giống, xuất án gần 1 tấn lợn thịt mỗi năm. Tổng cộng mỗi năm gia đình ông thu trên 14 triệu đồng từ chăn nuôi lợn.
Để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa trong chăn nuôi, với diện tích hơn 400 m2 diện tích mặt nước, ông thả thêm cá thịt, ngoài việc cải thiện sinh hoạt cho gia đình, mỗi năm ông còn thu hơn 5 triệu đồng.
Nếu chỉ phát triển kinh tế theo kiểu một cây một con, dù cộng thêm khoản phụ cấp thương tật ít ỏi trong khi con cái đang tuổi ăn, tuổi học thì khó có thể vươn lên làm giàu. Sau bao đêm dài trăn trở, rồi những ngày nắng mưa phát gốc làm cỏ, đến nay, hơn 1 ha keo, quế gần 10 năm tuổi đã cho thu hoạch; 5.000 m2 chè mỗi lứa thu hái cho gia đình ông trên 6 tạ chè. Bình quân thu nhập từ kinh tế đồi rừng mỗi năm gia đình ông cũng có trên 30 triệu đồng.
Một cơ ngơi bề thế với mô hình kinh tế tổng hợp VACR với tổng thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng, những tấm bằng khen trong phong trào điển hình làm kinh tế giỏi của tỉnh, huyện trao tặng cùng huân, huy chương chiến công kháng chiến là điều minh chứng cho phẩm chất và bản lĩnh của người thương binh tàn nhưng không phế.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - “Trong cuộc đời, ai cũng có những lúc gặp khó khăn, bất hạnh, song điều quan trọng là biết vượt qua để vươn lên” - đó là tâm sự của cô giáo Hà Thị Dung (vợ liệt sỹ Hà Xuân Hiền) - giáo viên Trường THCS Đồng Khê, huyện Văn Chấn.
YBĐT - Cách trung tâm huyện Lục Yên 10 km, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Kim Tô, sinh năm 1942 ở thôn Yên Thịnh, xã Vĩnh Lạc, thương binh hạng 1/4, bị nhiễm chất độc màu da cam được mệnh danh là “người thương binh dũng cảm”.
YBĐT - Chị Nguyễn Thị Toàn ở thôn 11, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên là người nông dân thành công trong phát triển kinh tế gia đình nhờ chăn nuôi lợn.
YBĐT - "Người công nhân gương mẫu" - đó là lời giới thiệu của mọi người về anh Hoàng Huy Nghĩa, Tổ trưởng Tổ lái máy Công ty Quản lý xây dựng đường bộ I.