Người khắp Thái giỏi nhất Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đó là khẳng định của bà con người Thái Mường Lò đối với ông Lò Văn Tâm ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Ông có một chất giọng tuyệt vời, thuộc nhiều bài hát lại ứng tác rất giỏi. Bởi vậy ngay từ lúc còn trẻ ông đã được bà con gọi là "Quảng khắp" - tức là người hát Thái giỏi (như danh hiệu nghệ nhân). Những đêm "pay ỉn xao" - đi tìm hiểu bạn tình, hay những đêm "hạn khuống" - sàn hoa ngoài trời, nơi trai gái đối đáp giao duyên…, tiếng hát của ông khiến bao gái bản thổn thức nhớ mong. Còn ở các cuộc vui như: đám cưới, lên nhà mới, hội mừng cơm mới, mừng tết… nếu vắng ông, bà con thấy kém vui. Có người nói yêu: "Cuộc vui mà thiếu tiếng hát của quảng khắp Tâm chẳng khác nào cỗ bàn lại thiếu rượu, thiếu chéo", (chéo là món chấm nổi tiếng của người Thái, rất thơm và cay).

Tài khắp của ông hội tụ kết tinh năng khiếu bẩm sinh với truyền thống của gia đình và sự rèn luyện học hỏi không ngừng. Cha ông, cụ Lò Văn Nọi là người rất giỏi chữ Thái cổ và có giọng hát hay nổi tiếng. Mẹ ông, cụ Lò Thị Hít, mỗi khi cất tiếng hát được bà con ví như dòng nước suối Thia ngời muôn ánh bạc, như gió hát, lá reo. Ngay từ thời trai trẻ, ông Lò Văn Tâm đã biết khắp tất cả các làn điệu dân ca Thái, thuộc lòng nhiều thiên truyện thơ nổi tiếng của dân tộc mình và sáng tác rất nhiều thơ.

Từ năm 1955, khi ông được học lớp sư phạm dạy chữ Thái ở Khu tự trị Thái - Mèo và năm 1959 học lớp lý luận nghiệp vụ văn hóa, tài năng của ông như được chắp cánh. Những sáng tác và tiếng hát của ông da diết một tình yêu cháy bỏng và khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc, tin yêu vào cuộc sống mới đang thay da đổi thịt từng ngày. Dù khi dạy học hay khi làm Trưởng Đài truyền thanh Nghĩa Lộ, ông đã sáng tác rất nhiều thơ, không chỉ được sử dụng trên đài, báo mà còn được bà con khắp nơi đón nhận nâng niu và thuộc lòng, lâu dần nhiều bài bà con cứ ngỡ là dân ca.

Bây giờ trong các cuộc vui, các buổi liên hoan văn nghệ trên các chương trình phát thanh, những sáng tác của ông luôn được vang lên như các bài: Thẩm Lé, Tuổi trẻ yêu nước, Vườn hoa nở rộ, Tiếng hát hái bông, Thống nhất đất nước… Trong hàng trăm tác phẩm của mình, hai bài thơ: "Cổng vào bản" và "Hoa trẩu nở rộ" được vinh dự in trong "Tuyển tập thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam", do Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2000. Ngay đầu năm 2007 này, bài thơ "Thẩm Lé" của ông được đội văn nghệ của thị xã Nghĩa Lộ dàn dựng đi dự "Liên hoan tiếng hát dân ca các dân tộc toàn quốc" đã được trao giải ba.

Không chỉ là người khắp Thái giỏi và sáng tác tài hoa, ông Tâm còn rất thông thạo chữ Thái cổ và văn hóa Thái. Bè bạn và những nhà nghiên cứu xa gần, cả trong và ngoài nước thường xuyên đến trao đổi học hỏi. Ai cũng quý ông bởi cái tài, cái tâm của một nghệ sĩ chân chính.

Ông sinh năm 1933, nay đã bước vào cái tuổi "cổ lai hy". Nhưng khi gặp ông, khi được nghe ông khắp Thái, ai cũng thấy cái say, cái hồn nghệ sĩ trong ông. Vẫn dáng người dong dỏng, khuôn mặt tươi sáng, đôi mắt tinh anh, tiếng hát của ông như có lửa: "Cổng vào bản sớm hôm gắn bó/ Lối về mường ta nhớ ta thương/ Đường anh em qua lại vấn vương/ Hàng cây thẳng như đôi nến cưới/ Đường sang bản cờ hoa phấp phới/ Cổng về mường rực rỡ đèn sao/ Ngời sáng bầu trời cờ đỏ bay cao/ Ta hái sao trời về treo cổng bản…" (Cổng vào bản).

Sinh ra từ những điệu khắp của quê hương, chính tình yêu và tài năng của ông đã góp phần chắp cánh cho những điệu khắp của dân tộc mình thêm bay cao, bay xa và sống mãi trong lòng người. Ông là nhà thơ, là nghệ sỹ của nhân dân.

Trần Vân Hạc

Các tin khác

YBĐT - Cơn mưa đầu mùa vẫn dai dẳng đổ xuống. Những tán bàng xanh chao đi chao lại trong gió bão che lấp những bóng đèn cao áp làm cho đường phố như đã về khuya. Trên đường phố lúc ấy có một người cầm ô dáng chậm rãi nhưng bước đi có vẻ chắc chắn và thận trọng. Người ta nhận ra ngay người đang đi dưới tán ô chao đảo dưới lòng đường kia là ông Bí thư chi bộ đường phố Nguyễn Đức Tùy.

YBĐT - Vượt lên thương tật để chiến thắng đói nghèo, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương là quyết tâm và nghị lực của người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Minh Sang, thôn Cao 1 xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

YBĐT - “Trong cuộc đời, ai cũng có những lúc gặp khó khăn, bất hạnh, song điều quan trọng là biết vượt qua để vươn lên” - đó là tâm sự của cô giáo Hà Thị Dung (vợ liệt sỹ Hà Xuân Hiền) - giáo viên Trường THCS Đồng Khê, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Cách trung tâm huyện Lục Yên 10 km, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Kim Tô, sinh năm 1942 ở thôn Yên Thịnh, xã Vĩnh Lạc, thương binh hạng 1/4, bị nhiễm chất độc màu da cam được mệnh danh là “người thương binh dũng cảm”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục