Người mạnh dạn làm giàu ở Cát Thịnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vẫn giữ được nếp nhà sàn truyền thống của người Thái và người chủ của ngôi nhà ấy hết sức mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm. Anh là Sa Quang Huy dân tộc Thái ở thôn Ba Khe 2, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Với việc nuôi ba ba, nuôi hươu và trồng rừng kinh tế, gia đình anh đã trở thành hộ làm ăn giỏi và có kinh tế khá giả ở xã vùng cao Cát Thịnh còn nhiều khó khăn này.

Ba ba nuôi tại ao của gia đình anh Huy hiện đang phát triển tốt.
Ba ba nuôi tại ao của gia đình anh Huy hiện đang phát triển tốt.

Khởi nghiệp trong bối cảnh gia đình chẳng khác gì so với các hộ dân trong vùng với kiểu, nuôi mấy chục con gà, vài con lợn, chăm chút vài thửa ruộng mong đủ gạo ăn trong năm. Song với bản tính năng động ham học hỏi, anh Huy đã tìm hiểu qua sách báo cách làm ăn dựa trên tiềm năng đất đai sẵn có của gia đình và gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên của xã biết trồng rừng kinh tế.

Mặc dù khi đó chưa có giống tốt nhưng với các loại gỗ tạp, keo, bồ đề mua của Lâm trường Ngòi Lao về trồng, đến năm 1999 đã cho thu hoạch được trên 30 triệu đồng. Hiện tại gia đình anh còn 1 ha quế, 4 ha rừng, trong đó có diện tích đã được 10 năm tuổi nhưng chưa khai thác. Với suy nghĩ trồng rừng mặc dù cho hiệu quả kinh tế khá nhưng không thể quay vòng nhanh, anh mạnh dạn tìm hiểu mô hình nuôi ba ba của các hộ dân trong vùng, dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ thuật nuôi ba ba qua sách báo.

Với số vốn nhờ khai thác rừng trồng, năm 2001 anh xây ao, mua được 2 con ba ba giống của người dân bắt được ở suối về nuôi. Sau đó gia đình anh bắt thêm được 31 con về gây giống. Khởi đầu thật đơn giản, nhưng đầy tự tin anh Huy quyết tâm làm và những thành quả đầu tiên đã tiếp thêm niềm tin cho một bước làm ăn mới.

Sau một năm nuôi ba ba, mặc dù chưa phát triển được là mấy nhưng đã được thu 5 triệu đồng. Năm thứ hai thu được 7,9 triệu đồng, năm thứ ba 13 triệu, năm thứ tư là 22 triệu, năm thứ 5 là 37 triệu và năm 2006 sau sáu năm nuôi ba ba gia đình anh đã thu về 70 triệu đồng.

Từ đầu năm 2007 đến nay anh đã bán được 100 con giống với giá mỗi con giống giao động từ 185 đến 200 nghìn/con. Ba ba thịt giá trung bình 430 nghìn đồng/con, được giá  hơn cả là ba ba cái làm giống giá 600 - 700 nghìn/kg, con đực giống là 500 nghìn/kg trong khi đó mỗi con giống phải đạt từ 5 - 10kg. Nhiều người biết tiếng về mô hình nuôi ba ba của anh mà lặn lội từ Hà Nội, Phú Thọ lên học hỏi kinh nghiệm vì thế ba ba giống không có đủ để cung cấp cho thị trường, trứng nở đến đâu có người đặt mua đến đó.

Anh cho biết hiện tại trong ao còn 2 con nặng 11 cân và trên 40 con nặng từ 2,5kg - 7 kg. Nguồn thức ăn cho ba ba chủ yếu là các loại: giun, cua, cá, ốc phần thì do gia đình đi bắt phần thì gia đình xây bể nuôi như cá, ốc để tạo nguồn thức ăn thường xuyên và đặt hàng với người dân trong thôn, xóm, nhất là trẻ em để mua ốc làm thức ăn cho ba ba.

Anh Huy cho biết kinh nghiệm phần lớn được rút ra từ nghiên cứu tự nhiên, quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng. Vừa học vừa làm vừa nghiên cứu, các tờ báo, tạp chí về nông nghiệp nông thôn luôn là người bạn đồng hành cùng anh.

Cũng từ việc đọc và nghiên cứu qua sách báo mà anh đang thử nghiệm mô hình nuôi con ron. Mạnh dạn mua 1 đôi ron về làm chuồng nuôi thử nghiệm anh cho hay nếu thành công nuôi ron sẽ hiệu quả gấp 4 lần nuôi dê, mô hình này đã thành công ở Tuyên Quang, Thanh Hoá… Và lại thêm một bất ngờ nữa là anh đang có ý định nhân giống rùa nước - loại rùa mỏ quạ quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện tại anh đã tìm mua được 1 con giống về nuôi. Đây là loại rùa cho giá trị kinh tế rất cao, với con rùa nặng tầm 6 lạng đã có giá 1 triệu đồng/kg. Và có lẽ sẽ là thiếu nếu không nhắc đến mô hình nuôi hươu của gia đình anh.

 Bắt đầu từ năm 2004 sau khi bán được gần 7 tạ lợn hơi trừ tất cả chi phí còn lỗ 200 nghìn đồng thì anh Huy đã nghĩ tới hướng nuôi hươu - loài chỉ cần ăn cỏ và uống nước lã. Với suy nghĩ ấy, anh mua 1 đôi hươu về nuôi, sau 1 năm đã đẻ thêm một con, hàng năm mỗi con hươu lại cho 2 lần cắt nhung. Với giá 600 nghìn đồng/1 lạng, nhung hươu cắt đến đâu có người đặt hàng đến đó. Rất nhiều người gọi điện đặt mua nhưng không có vì thế anh đang muốn mở rộng thêm mô hình nuôi hươu bởi nhận thấy đây cũng là một hướng làm ăn hiệu quả.

Sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm đã mang lại cho gia đình anh Huy một nền móng kinh tế vững chắc và hơn thế với vai trò là Trưởng ban Nông - lâm nghiệp của xã, những thành quả ấy là minh chứng thuyết phục nhất để người dân trong xã, cùng học tập làm theo. Mô hình kinh tế của gia đình anh là con đường xoá nghèo hiệu quả rất cần được tuyên truyền nhân rộng ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Cát Thịnh.

Ngọc Tú

Các tin khác

YBĐT - Đó là khẳng định của bà con người Thái Mường Lò đối với ông Lò Văn Tâm ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).

YBĐT - Cơn mưa đầu mùa vẫn dai dẳng đổ xuống. Những tán bàng xanh chao đi chao lại trong gió bão che lấp những bóng đèn cao áp làm cho đường phố như đã về khuya. Trên đường phố lúc ấy có một người cầm ô dáng chậm rãi nhưng bước đi có vẻ chắc chắn và thận trọng. Người ta nhận ra ngay người đang đi dưới tán ô chao đảo dưới lòng đường kia là ông Bí thư chi bộ đường phố Nguyễn Đức Tùy.

YBĐT - Vượt lên thương tật để chiến thắng đói nghèo, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương là quyết tâm và nghị lực của người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Minh Sang, thôn Cao 1 xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

YBĐT - “Trong cuộc đời, ai cũng có những lúc gặp khó khăn, bất hạnh, song điều quan trọng là biết vượt qua để vươn lên” - đó là tâm sự của cô giáo Hà Thị Dung (vợ liệt sỹ Hà Xuân Hiền) - giáo viên Trường THCS Đồng Khê, huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục