Người thương binh năng động

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Theo giới thiệu của Chủ tịch Hội CCB xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tôi đến thôn Bản Nả để tìm gặp người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Đình Cự. Trong cái nắng gay gắt của mùa hạ, ngồi bên con ngòi Nả, nước chảy xiết, anh kể cho tôi nghe về ký ức của một thời oanh liệt.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương, đến năm 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, anh lên đường chiến đấu ở chiến trường Đông Hà - Quảng Trị. Sau nhiều lần chiến đấu ác liệt, trong một lần làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực bến sông Thạch Hãn, để cho quân ta vượt sông vào giải phóng thành cổ Quảng Trị, anh bị mảnh đạn M79 của địch bắn văng vào vùng trái thái dương và hiện vẫn còn 2 viên bom bi nằm lại trong cơ thể, thường hành hạ anh những lúc trái nắng, trở trời.

Sau ngày đất nước thống nhất, anh được phân công về công tác tại Trường Cơ yếu trung ương nay là Trường Mật mã trung ương, rồi nên vợ nên chồng với chị Nguyễn Thị Đĩnh, người con gái vùng quê nghèo Ninh Giang ngày nào vẫn mong ngóng chờ đợi anh. Năm 1981, anh phục viên hưởng chế độ thương binh hạng 2/4 với tỷ lệ thương tật mất 61% sức khỏe. Không ngại khó, ngại khổ, bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ năm xưa thúc giục anh phải chiến thắng đói nghèo, lạc hậu để vươn lên làm giàu.

Anh rời mảnh đất quê hương yêu dấu vào năm 1988, lên Yên Bái sinh sống và Bản Nả xã Việt Hồng là nơi dừng chân của gia đình anh. Với bản lĩnh rắn rỏi của người lính, từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình anh Cự là một trong những hộ được xếp vào loại kinh tế khá nhất ở xã vùng cao này. Từ trồng lúa, trồng sắn lấy ngắn nuôi dài, đốt gạch, tôi vôi bán cho bà con trong xã...

Nhờ cần cù chịu khó trong lao động mà cuộc sống của gia đình anh nay đã đổi khác xưa nhiều. Hiện anh có 600m2 mặt nước ao, được xây kè cẩn thận và thả đủ các loại cá như: chép, trắm, chim trắng, ngoài phục vụ cho sinh hoạt gia đình, mỗi vụ anh còn cất bán 3 - 4 tạ cá thu nhập 6 - 8 triệu đồng. Với 1,5 mẫu ruộng, bình quân mỗi năm thu trên 5 tấn thóc, không những đủ ăn mà còn giành để phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong chuồng nhà anh, hiện có trên chục đầu lợn thịt; quanh vườn là 200 gốc cam sen và quýt đã có trên 100 gốc cho thu hái; 15 gốc táo Gia Lộc quả to, ngon ngọt và từ bán hoa quả, mỗi năm anh có thu nhập thêm từ 2 - 3 triệu đồng. Đàn gia cầm của gia đình anh thường được nuôi ổn định trên dưới 100 con, hàng năm xuất bán 6 - 70kg thịt, thu lãi hơn 2 triệu đồng.

Hiện nay, một năm bình quân anh nuôi 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa xuất bán 3 đến 4 tạ đem lại nguồn thu khá cho kinh tế gia đình. Có thời kỳ cao điểm, anh xuất bán đi trên 2 tấn thịt lợn hơi thu nhập về 16 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng được 1,2 ha rừng kinh tế và cây chủ lực là keo. Năm vừa qua, từ khai thác rừng trồng, anh bán trên 50m3 gỗ thu về 15 triệu đồng. Hiện nay diện tích rừng của anh đang bước vào chu kỳ kinh doanh lần hai, anh trồng được trên 5.000 cây keo tai tượng. Dưới chân đồi, anh trồng mới 2 sào chè Bát Tiên, chè đang sinh trưởng tốt.

Không chỉ sản xuất nông nghiệp giỏi mà anh Cự còn có đầu óc làm ăn kinh tế lớn. Có vốn trong tay, anh đầu tư máy móc, mở xưởng mộc dân dụng đóng đồ nội thất cho nhân dân trong xã, mỗi tháng trừ chi phí đầu tư, còn lãi 1,5 triệu đồng; thu nhập bình quân trừ chi phí đầu tư còn đạt mức từ 40 - 45 triệu đồng/năm.

Ở địa phương anh còn tham gia nhiệt tình vào các phong trào của tổ chức đoàn thể, là một hội viên CCB gương mẫu, bản thân anh được tỉnh, huyện tặng nhiều giấy khen vì có thành tích trong lao động, sản xuất kinh doanh giỏi.

Triệu Tuấn

Các tin khác
Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục