Người con của bản
- Cập nhật: Thứ ba, 16/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Dù làm Xã đội trưởng, Chủ tịch hay Bí thư Đảng ủy xã, nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất là cuộc sống của bà con Dế Xu Phình này ngày càng thay đổi, cái đói nghèo dần bị đẩy lùi”. Đó là lời tâm sự chân tình về quá trình công tác của đồng chí Giàng Lùa Tủa.
|
Lớn lên tại bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, chứng kiến đồng bào quanh năm lao động vất vả nhưng đói nghèo vẫn đeo bám càng thôi thúc Giàng Lùa Tủa ấp ủ ý định tìm cách giúp bà con thoát khỏi cảnh ấy. Lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ được thể hiện khi năm 1979, anh được xã bố trí làm Xã đội phó. Thời gian này, Giàng Lùa Tủa cùng cả đội hăng hái luyện tập để bảo vệ quê hương; đến từng làng, bản vận động bà con không trồng thuốc phiện, không chặt phá rừng và hướng dẫn làm kinh tế.
Để bà con tin tưởng và làm theo, anh mạnh dạn thâm canh tăng vụ, đưa cây sắn vào trồng. Ban đầu, họ nghi ngờ, nhưng sau một vụ, trên 500m2 trồng thí điểm cho năng suất cao đã khiến họ phấn khởi làm theo. Với sự tín nhiệm cao, năm 1987, đồng chí được bầu làm Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Đảng ủy xã. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn gương mẫu đi đầu; tích cực tổ chức, vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Như việc tiên phong đưa giống ngô Bi-ô-xit vào trồng thí điểm trên 800m2; nhận 12 ha rừng tự nhiên và 2 ha trồng thông, sa mộc; vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khai hoang và nhân giống đàn gia cầm, gia súc...
Theo Giàng Lùa Tủa, người dân đã xóa bỏ ruộng một vụ, không trồng cây thuốc phiện, nhận khoán rừng để chăm sóc và bảo vệ, tích cực gieo trồng, chăn nuôi và khi có người ốm đau đã đưa đến trạm y tế, tích cực xây dựng gia đình văn hóa.
Rời vị trí công tác, đồng chí Tủa vẫn hăng say, cùng con cháu phát triển mô hình kinh tế VACR. Đến nay, gia đình có gần 15 ha rừng tự nhiên, rừng trồng thông, sa mộc và cây ăn quả; hơn 9.000 m2 ruộng, 6.000 m2 trồng ngô và có hơn 100 con lợn, gà, trâu cho thu nhập hàng năm khoảng 50 triệu đồng. Chưa bao giờ quên trách nhiệm giúp dân thoát nghèo, đồng chí nói: “Thấy dân có cái ăn, cái mặc, các cháu nhỏ được cắp sách đến trường, mình thấy thật ý nghĩa!”.
Các hộ nghèo, đồng chí chủ động giúp giống lúa, ngô và bảo cách trồng, chăm sóc, gia đình nào thiếu ăn hay đói giáp hạt thì cho vay gạo không tính lãi, nhiều khi cho không. Giàng Lùa Tủa còn giúp giống gia cầm, gia súc để bà con phát triển chăn nuôi, họp dân, bàn cách làm ăn và cùng nhau giúp đỡ các hộ khó khăn.
“Sống để lao động và cống hiến” - đó là phương châm sống tốt đẹp và đầy ý nghĩa của đảng viên Giàng Lùa Tủa. Còn người dân Dế Xu Phình thì dành tặng những tình cảm yêu mến và chân thành nhất cho Giàng Lùa Tủa người con của bản.
Ngọc Sơn
Các tin khác
Bà mế người Mường này tên là Đặng Thị Tỵ, quê ở thôn Thịnh Lợi, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. Ngày xưa nhà mế ở ven sông Hồng, nhưng vì bom Mỹ ác liệt quá nên cả nhà dinh tê vào ở tại một vùng đồi hoang vu. Bây giờ nhà mế vẫn gần như biệt lập với bên ngoài và đường vào nhà thật khó đi. Tuy nhiên, trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, biệt lập ấy, mế Tỵ đã lặng lẽ gần trọn cả cuộc đời chèo lái qua mọi gian khổ để lập nên một kỳ tích mà bất kỳ ai cũng phải kính nể.
YBĐT - Trong cuộc gặp gỡ, anh Giáp mở đầu bằng những câu chuyện đời thường về nỗi vất vả của bà con vùng sâu, vùng xa.
YBĐT - Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội. Nhưng làm như thế nào, làm ra sao, đến mỗi người dân, mỗi địa phương lại muôn hình muôn vẻ. Song lo lắng nhất của nông dân là thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học, ý chí và nghị lực.
YBĐT - Ông Nguyễn Văn Cẩn là Trưởng ban Mặt trận khu phố Tân Dân I phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, một con người ăn nói điềm đạm, mực thước ai cũng quí trọng. Hơn thế nữa trong khu phố có tới trên hai trăm sáu mươi gia đình, mỗi khi chỗ nào, gia đình nào có việc vui, việc buồn cần có sự giúp đỡ của bà con khu phố, mỗi khi trong nước có địa phương nào gặp rủi ro, bão lũ là ông có mặt đứng ra vận động các thành viên của mặt trận và nhân dân giúp đỡ tận tình.