Một phụ nữ người Dao làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ tư, 17/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Men theo con đường đất đỏ gồ ghề, chúng tôi tới thăm gia đình chị Đặng Thị Đặt ở thôn Khe Loóng, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đây là một trong những hộ đồng bào Dao đầu tiên trong thôn, trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Trước đây cuộc sống của gia đình chị cũng như 80 hộ đồng bào dân tộc Dao trong thôn gặp không ít khó khăn, kinh tế eo hẹp, quanh năm suốt tháng chỉ biết lên rừng phát nương làm rẫy, may lắm thì đủ ăn còn chủ yếu thiếu đói vài ba tháng mỗi năm.
Cuộc sống của gia đình chị bắt đầu thay đổi khi được tiếp cận với tiến bộ KHKT về gieo cấy lúa, trồng cỏ nuôi bò, trồng quế, trồng dâu nuôi tằm... Với bản chất chịu thương, chịu khó, không cam chịu đói nghèo; chị Đặt đã bàn bạc với gia đình tập trung lao động sản xuất, chuyển hướng làm ăn. Từ chỗ chỉ có 3 sào ruộng, mỗi năm khai phá giờ đây, gia đình anh chị đã có trên 1 mẫu ruộng gieo cấy 2 vụ, vừa đảm bảo nguồn lương thực hàng ngày, vừa tạo nguồn thức ăn cho gia súc.
Với lợi thế có diện tích đất đồi rừng lớn, chị đã ngày đêm khai phá diện tích quế bỏ hoang trồng thay thế bằng keo, bồ đề và quế. Do địa hình đất đai không phù hợp với trồng keo, chị đã chuyển hẳn sang trồng quế, hiện nay những diện tích quế trên 10 năm tuổi đang cho khai thác tỉa. Chị còn trồng thử nghiệm 1 ha tre Bát Độ xen sắn, đến nay diện tích này đã cho khai thác vụ măng đầu tiên. Thấy rõ được hiệu quả, giờ đây cả thôn Khe Loóng nhà nào cũng đăng ký trồng theo mô hình này. Từ chỗ khó khăn thiếu thốn quanh năm, đến nay gia đình chị đã có tích lũy, chị lại tiếp tục đầu tư gần 2 triệu đồng để làm nhà nuôi tằm, đồng thời chuyển 4 sào lúa không đủ nước tưới sang trồng dâu.
Được cán bộ khuyến nông đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dâu, nuôi tằm, vòng tằm đầu tiên, gia đình chị Đặt đã cho thu 22kg kén, trừ chi phí còn thu về 700 ngàn đồng. Do đó, chị lại dự định chuyển tiếp 3 sào lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm với quy mô lớn. Ngoài ra, tận dụng diện tích mặt nước ao quanh nhà, chị thả các loại cá chép, cá trôi cải thiện bữa ăn hàng ngày. Trong chuồng, chị luôn duy trì từ 5 đến 6 đầu lợn thịt, mỗi năm xuất bán từ 4 đến 5 tạ lợn hơi, góp phần đáng kể tăng thu nhập cho gia đình. Trung bình mỗi năm gia đình chị có tổng nguồn thu trên dưới 20 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Đặt còn là một cộng tác viên dân số năng động, nhiệt tình trong công việc. Không ngại khó, ngại khổ, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, chị thường xuyên trực tiếp tuyên truyền, tư vấn cho các chị em trong độ tuổi thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, nhận thức rõ tác hại của việc đẻ đông đẻ dày ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần. Chính vì vậy mà trong vài năm trở lại đây, thôn Khe Loóng không có trường hợp nào sinh con thứ 3 trở lên.
Với ý chí vươn lên, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, giờ đây gia đình chị Đặt đã có mức sống tương đối ổn định. Bản thân chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi công việc chuyên môn được giao. Với kết quả ấy nhiều năm liên tục gia đình chị được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, xứng đáng là tấm gương cho các hộ đồng bào dân tộc Dao nói riêng và bà con học tập và làm theo.
Hoàng Thủy
Các tin khác
YBĐT - “Dù làm Xã đội trưởng, Chủ tịch hay Bí thư Đảng ủy xã, nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất là cuộc sống của bà con Dế Xu Phình này ngày càng thay đổi, cái đói nghèo dần bị đẩy lùi”. Đó là lời tâm sự chân tình về quá trình công tác của đồng chí Giàng Lùa Tủa.
Bà mế người Mường này tên là Đặng Thị Tỵ, quê ở thôn Thịnh Lợi, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. Ngày xưa nhà mế ở ven sông Hồng, nhưng vì bom Mỹ ác liệt quá nên cả nhà dinh tê vào ở tại một vùng đồi hoang vu. Bây giờ nhà mế vẫn gần như biệt lập với bên ngoài và đường vào nhà thật khó đi. Tuy nhiên, trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, biệt lập ấy, mế Tỵ đã lặng lẽ gần trọn cả cuộc đời chèo lái qua mọi gian khổ để lập nên một kỳ tích mà bất kỳ ai cũng phải kính nể.
YBĐT - Trong cuộc gặp gỡ, anh Giáp mở đầu bằng những câu chuyện đời thường về nỗi vất vả của bà con vùng sâu, vùng xa.
YBĐT - Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội. Nhưng làm như thế nào, làm ra sao, đến mỗi người dân, mỗi địa phương lại muôn hình muôn vẻ. Song lo lắng nhất của nông dân là thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học, ý chí và nghị lực.