Vẹn cả đôi đường
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) đưa chúng tôi tới thăm gia đình chị Trần Thị Lượng ở thôn Lương Thịnh 3. Cả xã đều biết đến gia đình anh chị bởi có ý chí vượt khó làm giàu, là mô hình phụ nữ công giáo sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Chị Trần Thị Lượng - chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình.
|
Xây dựng gia đình năm 1982, gia đình anh chị như bao hộ nông dân khác cũng bươn trải với cuộc sống hàng ngày bằng việc trồng trọt chăn nuôi, vất vả, khó nhọc nhưng cũng chẳng khấm khá. Năm 2000, chị không may mắc bệnh suy nhược thần kinh khá nặng, bao nhiêu tài sản trong nhà phải bán đi lo thuốc thang chạy chữa và trở thành một trong số các hộ nghèo nhất của xã Tân Thịnh.
Giữa lúc khó khăn đó, chị được Hội Phụ nữ xã tín chấp cho vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Chị Lượng bàn bạc cùng chồng sử dụng nguồn vốn vay đầu tư cho chăn nuôi. Ban đầu chị mua 2 cặp bò sinh sản, trồng thêm cỏ voi làm nguồn thức ăn lâu dài đồng thời xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Trong chuồng thường xuyên có từ 10 đến 15 con lợn thịt trở lên... đàn gà, vịt hàng trăm con, mỗi năm chị bán ra thị trường 2-3 con bò thịt, từ 3- 4 tấn thịt lợn hơi.
1 ha đất vườn đồi chị đã quy hoạch cải tạo trồng chè, keo. Khu vườn gần nhà chị trồng cây ăn quả như cam chua, bưởi Đoan Hùng, xoài Vân Du hiện đang cho thu hoạch. Chị còn trồng 5 sào lúa nước, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất từ năm 2003, năng suất lúa đạt 2 tạ /sào. Tự mày mò học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt sao cho hiệu quả, những khó khăn ban đầu qua đi. Hàng năm thu nhập từ chăn nuôi trồng trọt của gia đình đạt từ 20 đến 25 triệu đồng.
Từ một hộ nghèo, biết vượt khó vươn lên anh chị đã có cuộc sống ổn định và có đôi chút dư dật. Chồng chị luôn động viên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chị tham gia hoạt động xã hội. Được chị em hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Lương Thịnh 3, kiêm cả cộng tác viên dân số của xã, chị luôn nhiệt tình gương mẫu vận động hội viên chấp hành tốt các phong trào và 5 nhiệm vụ trọng tâm công tác hội, vận động chị em lương- giáo đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống; tham gia xây dựng hộp tiền tiết kiệm cho phụ nữ nghèo, chi hội góp quỹ hỗ trợ chị em nghèo vay vốn không tính lãi; thường xuyên thăm hỏi chị em lúc ốm đau, hoạn nạn.
Ở xã nghèo như Tân Thịnh, cái khó của chị em là thiếu vốn, thiếu kiến thức, chị đã tham mưu với Hội Phụ nữ tín chấp cho chị em vay vốn sản xuất, mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT. Nhờ có nguồn vốn, biết tính toán đầu tư sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả, hầu hết gia đình hội viên trong chi hội có cuộc sống ổn định. Chị em tích cực hoạt động Hội và toàn thôn đã thu hút 95% phụ nữ vào Hội.
Là thôn có trên 60% số hộ đồng bào công giáo, trước đây mỗi năm thường có từ 5- 8 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí có cả trường hợp sinh con thứ 8- thứ 9, với trách nhiệm của mình, chị đã kiên trì vận động theo phương châm "Gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; "mưa dầm thấm lâu" tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Từ năm 2002 đến nay, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh con thứ 3 đã giảm hẳn, chi hội phụ nữ do chị phụ trách nhiều năm liền đạt chi hội xuất sắc dẫn đầu toàn xã.
Nhiệt tình, trách nhiệm trong công hội phụ nữ, công tác dân số bằng việc làm và lời nói của mình, chị được bà con trong thôn, trong họ đạo quý mến. 13 năm tham gia công tác hội, bản thân chị được nhận nhiều giấy khen của Hội Phụ nữ; Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em thành phố; liên tục nhiều năm gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá.
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, chị Hà Thị Sâm mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho nhân dân quê mình. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Bắc Thái năm 1978, xây dựng gia đình với anh Hà Tuyết cùng quê, chị tình nguyện trở về quê công tác và được phân việc tại Bệnh viện thị xã Nghĩa Lộ.
YBĐT - Men theo con đường đất đỏ gồ ghề, chúng tôi tới thăm gia đình chị Đặng Thị Đặt ở thôn Khe Loóng, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đây là một trong những hộ đồng bào Dao đầu tiên trong thôn, trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
YBĐT - “Dù làm Xã đội trưởng, Chủ tịch hay Bí thư Đảng ủy xã, nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất là cuộc sống của bà con Dế Xu Phình này ngày càng thay đổi, cái đói nghèo dần bị đẩy lùi”. Đó là lời tâm sự chân tình về quá trình công tác của đồng chí Giàng Lùa Tủa.
Bà mế người Mường này tên là Đặng Thị Tỵ, quê ở thôn Thịnh Lợi, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. Ngày xưa nhà mế ở ven sông Hồng, nhưng vì bom Mỹ ác liệt quá nên cả nhà dinh tê vào ở tại một vùng đồi hoang vu. Bây giờ nhà mế vẫn gần như biệt lập với bên ngoài và đường vào nhà thật khó đi. Tuy nhiên, trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, biệt lập ấy, mế Tỵ đã lặng lẽ gần trọn cả cuộc đời chèo lái qua mọi gian khổ để lập nên một kỳ tích mà bất kỳ ai cũng phải kính nể.