Người giáo viên yêu nghề
- Cập nhật: Thứ năm, 15/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cô giáo Phạm Thị Ngọc Thoa đến với nghề giáo viên không phải tình cờ mà đó là mơ ước khi còn là một nữ sinh. Tới nay, khi mái tóc đã điểm bạc, với gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của thành phố, lòng nhiệt tình và tâm huyết dành cho nghề vẫn đầy ắp nơi cô - người nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố của Trường THCS Yên Thịnh.
Ảnh minh hoạ.
|
Sinh ra và lớn lên ở thị xã Yên Bái, năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, cô Thoa được điều về giảng dạy tại Trường cấp I - II Bảo Ái, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Ba năm sau, cô được thuyên chuyển công tác về Trường cấp I - II Nguyễn Thái Học, thị xã Yên Bái (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học). Năm 1985, cô Thoa lại được điều về giảng dạy tại Trường THCS Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho đến nay.
Cô giáo Thoa tâm sự: "Làm giáo viên, nếu không có lòng nhiệt tình, sự tâm huyết thì không thể đứng vững. Dạy dỗ học sinh không chỉ đơn thuần là truyền đạt cho học sinh kiến thức mà còn phải dạy cả cách làm người. Mình dạy con mình thế nào thì dạy học sinh như thế…".
Với tình thương yêu của người mẹ, ý thức trách nhiệm với học sinh, cô Thoa đã không ngừng học hỏi, luôn sáng tạo đổi mới phương pháp giảng dạy, sưu tầm cải tiến đồ dùng dạy học, cùng đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn trong từng năm học, được Ban giám hiệu nhà trường, Phòng giáo dục - Đào tạo thành phố đánh giá cao, đồng nghiệp và các thế hệ học trò tin yêu, mến phục.
Trực tiếp đứng lớp ở bộ môn Hóa học, cô luôn tìm cách giúp học sinh có thể tiếp cận với bài giảng nhanh nhất thông qua các thí nghiệm nhỏ. Em Vũ Hiền Thu, lớp trưởng lớp 9D, do cô chủ nhiệm nói: "Chúng em rất thích các bài giảng của cô giáo Thoa. Cô luôn có cách để chúng em hiểu bài nhanh qua các thí nghiệm, sự vật, hiện tượng thường gặp trong cuộc sống. Chúng em còn có thể thoải mái tranh luận với cô về các vấn đề trong bài học cũng như các hiện tượng hóa học khác, rồi tự liên hệ với thực tế hàng ngày".
Dưới sự dạy dỗ của cô, có rất nhiều học sinh đã đoạt giải cao trong những kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Năm học vừa qua, đã có 9 học trò của cô trong tổng số 20 học sinh giỏi của thành phố được chọn đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia, và có 4 em đoạt giải nhì, 4 em đoạt giải ba.
Trong vai trò Tổ trưởng Tổ chuyên môn Sinh - Hóa - Địa, cô Thoa luôn nỗ lực cùng đồng nghiệp trao đổi, thảo luận, tìm biện pháp giúp học sinh hiểu bài nhanh và tạo hứng thú cho các em với từng bài giảng. Nhờ vậy, đã 4 năm liền Tổ chuyên môn Sinh - Hóa - Địa được công nhận là tổ chuyên môn xuất sắc cấp tỉnh, thành phố. Bản thân cô Thoa liên tục được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thành phố từ năm 1999 tới nay.
Những năm trong nghề, dù ở môi trường công tác nào, cô giáo Phạm Thị Ngọc Thoa cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được sự tin yêu, mến phục của đồng nghiệp và các thế hệ học sinh.
Tiến Bình
Các tin khác
YBĐT - Đến địa phận bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, khách qua đường có thể dễ dàng trông thấy ngay bên đường có rất nhiều đõ ong, đặt khắp cả quả đồi. Những đõ ong ấy là của anh Nguyễn Văn Nam, quê ở thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Nghĩa, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây mới đưa ong của mình lên đây để khai thác mật.
YBĐT - Theo giới thiệu của anh cán bộ địa chính xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), tôi tìm đến gia đình ông Vũ Huy Quang ở thôn Lương Môn - một trong những nông dân làm kinh tế giỏi.
Như một cái duyên, ông Lưu Đoàn Đường gặp được người thân quê Nam Điền (Nam Định) gợi ý về hướng đi phát triển kinh tế từ làm cây cảnh.
YBĐT - Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2004, chuyên ngành Cơ khí chế tạo với tấm bằng hạng ưu, Đỗ Ngọc Cường không ở lại Hà Nội theo lời mời của nhiều liên doanh nước ngoài với mức lương khá cao mà trở về Yên Bái để lập nghiệp .