Người Thầy giáo thương binh

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 1972, khi đang học lớp 10 tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, anh Bùi Đức Trọng, mới 17 tuổi đã xung phong nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được điều động vào chiến đấu tại mặt trận B3, Tây Nguyên. Hai năm sau ngày nhập ngũ, anh vinh dự được kết nạp Đảng tại mặt trận.

Trong một lần trinh sát cứ điểm của địch, chuẩn bị cho đơn vị tiến công, anh bị vướng mìn và chiếc chân trái của anh bị dập nát. Anh đã được đồng đội đưa về bệnh viện dã chiến, tại đây, các bác sỹ đã phải cắt bỏ chiếc chân trái của anh. Đau đớn về thể xác, phải xa anh em, đồng đội nhưng nghị lực của người lính, một đảng viên đã giúp anh vượt qua được những ngày tháng đầy khó khăn đó. Năm 1975, anh Trọng được ra miền Bắc điều dưỡng. Trong những ngày này, anh đã tự ôn tập để hoàn thành chương trình PTTH và thi đỗ vào Trường Đại học sư phạm Việt Bắc.

Qua 4 năm học đại học, anh đã phải cố gắng vượt qua sự thiếu thốn về vật chất, về sức khỏe để có được tấm bằng tốt nghiệp. Sau khi ra trường, anh được phân công về làm việc tại Phòng Giáo dục huyện Trấn Yên. Sau đó, anh chuyển công tác và làm việc tại một số cơ quan khác trong huyện. Năm 1996, anh Trọng chuyển về làm giáo viên dạy môn lịch sử tại Trường THPT Lê Quý Đôn. Mặc dù sức khỏe không được như nhiều người nhưng anh Trọng đã cố gắng để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thầy giáo Phùng Mạnh Huy - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn đã nhận xét về người đồng nghiệp của mình: "Thầy Trọng là một giáo viên, một đảng viên gương mẫu, tận tụy trong mọi công việc. Tuy đi lại khó khăn, nhiều hôm trở trời vết thương tái phát rất đau, nhưng thầy Trọng vẫn lên lớp đúng giờ, giảng dạy có trách nhiệm. Tập thể giáo viên của nhà trường rất quý trọng người thầy giáo thương binh này".

Không chỉ các thầy giáo, cô giáo yêu quý, khâm phục tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công việc của anh Trọng mà các em học sinh trường cũng kính trọng và quý mến anh. Em Nguyễn Thị Ly Ly, học sinh lớp 12 kể với chúng tôi: "Thầy Trọng rất hiền, nhiệt tình với chúng em. Dạy lịch sử nhưng thầy giảng rất kỹ càng và dễ hiểu. Nhiều hôm mưa to, em vẫn thấy thầy đội ô, bước từng bước khó nhọc vượt con dốc nhỏ trong sân trường để đến lớp. Có hôm khi thầy vào lớp, em thấy mặt thầy tái đi vì chân bị đau nhưng thầy không hề kêu ca mà vẫn giảng bài cho chúng em bình thường. Em và các bạn rất khâm phục thầy Trọng".

Gia đình thầy Trọng hiện có một cuộc sống hạnh phúc, dù còn nhiều vất vả. Hằng ngày ngoài giờ lên lớp, tham gia các hoạt động của nhà trường, thầy Trọng trở về giúp vợ chăm sóc gia đình, con cái. Thầy có con đang học đại học tại Hà Nội, các cháu đều ngoan và chăm chỉ. Thầy Trọng nói: "So với nhiều đồng đội của mình đã hy sinh, thì mình vẫn là người may mắn".

Vì vậy, thầy đang đóng góp một phần công sức của mình để các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn và tự hào về lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Bạch Liên

Các tin khác
Ảnh minh hoạ.

YBĐT - Cô giáo Phạm Thị Ngọc Thoa đến với nghề giáo viên không phải tình cờ mà đó là mơ ước khi còn là một nữ sinh. Tới nay, khi mái tóc đã điểm bạc, với gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của thành phố, lòng nhiệt tình và tâm huyết dành cho nghề vẫn đầy ắp nơi cô - người nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố của Trường THCS Yên Thịnh.

YBĐT - Đến địa phận bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, khách qua đường có thể dễ dàng trông thấy ngay bên đường có rất nhiều đõ ong, đặt khắp cả quả đồi. Những đõ ong ấy là của anh Nguyễn Văn Nam, quê ở thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Nghĩa, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây mới đưa ong của mình lên đây để khai thác mật.

YBĐT - Theo giới thiệu của anh cán bộ địa chính xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), tôi tìm đến gia đình ông Vũ Huy Quang ở thôn Lương Môn - một trong những nông dân làm kinh tế giỏi.

Như một cái duyên, ông Lưu Đoàn Đường gặp được người thân quê Nam Điền (Nam Định) gợi ý về hướng đi phát triển kinh tế từ làm cây cảnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục