Vườn chè giống của anh Luân
- Cập nhật: Thứ tư, 5/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Rời quê hương Thái Bình, anh Nguyễn Thành Luân cùng gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới tại thôn Trực Bình 2, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái. Nơi đây, khi xưa là đất rừng heo hút. Buổi đầu vô vàn khó khăn, nhưng với lòng quyết tâm cao và bản tính cần cù, chịu khó, anh Luân đã san đồi, lấp khe, cải tạo đất bạc màu trở nên phì nhiêu, màu mỡ.
Vườn ươm chè giống của gia đình anh Luân luôn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng trước khi xuất vườn.
|
Một cơ hội tốt đã đến với gia đình anh, khi anh được tham gia vào dự án phát triển chè của tỉnh. Anh đã được hỗ trợ xây dựng hệ thống vườn ươm chè giống mới LDP1, Kim Tuyên, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên để cung cấp giống cho các huyện, thị của tỉnh. Năm đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm còn ít nên tỷ lệ xuất vườn chưa cao.
Năm 2002, được sự giúp đỡ của Ban quản lý dự án, anh tham gia lớp tập huấn kỹ thuật, đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các vườn chè nhập nội giống gốc cho năng suất cao, chất lượng tốt. Tiếp thu được những kiến thức, anh đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn vốn ADB ban đầu là 15.000.000đ, chủ yếu để mua hom giống và vật tư vườn ươm. Các hợp đồng mua hom đều từ các vườn chè được công nhận là vườn giống gốc để nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Do nắm bắt tốt kỹ thuật xây dựng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, vườn ươm giống chè của gia đình anh Luân sinh trưởng phát triển tốt. Chất lượng cây giống đảm bảo, tỷ lệ xuất vườn đạt trên 90% bước đầu cho thu nhập.
Năm sau, anh vay thêm vốn 30.000.000đ, mở rộng diện tích vườn ươm lên gần 3.000m2, thuê thêm nhân công đóng bầu, chăm sóc cây trong thời kỳ sinh trưởng, từ đó chất lượng chè giống tại vườn ươm của gia đình luôn đạt cao, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn cây giống và được vận chuyển trực tiếp đến các hộ nông dân trồng chè trong tỉnh. Trung bình mỗi năm, anh xuất vườn từ 30 vạn đến 40 vạn bầu cây giống, giá tiêu thụ cho giống Bát Tiên là 350đ/cây; chè Phúc Vân Tiên 400đ/cây; chè Kim Tuyên 500đ/cây. Trừ tất cả chi phí, thu nhập từ vườn ươm của gia đình anh đạt từ 50 đến 60 triệu đồng/năm. Cuối năm 2006, với hiệu quả kinh tế từ vườn chè giống, anh Luân đã trả hết gốc và lãi từ nguồn vốn vay ADB, tích lũy được một số vốn đầu tư phát triển trong năm 2007 và các năm sau.
Vinh dự và tự hào hơn là tháng 9 năm 2007, anh được mời tham dự "Hội thảo kiểm soát, đánh giá dự án phát triển chè và cây ăn quả" tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Tại đây, anh xúc động phát biểu : "Cây chè là cây trồng có giá trị kinh tế, gắn bó mật thiết, lâu dài với nông dân, đặc biệt là nông dân miền núi chúng tôi. Ở Yên Bái, cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo!".
Ngọc Linh
Các tin khác
YBĐT - Đã 64 tuổi, bác Trần Xuân Hoạt có nhiều năm công tác tại xã Đại Phác (Văn Yên). Trong công tác cũng như về với đời thường, bác luôn là tấm gương sáng cho con cháu và bà con ở đây noi theo.
YBĐT - Theo chân ông Hiếu - Chủ tịch UBND xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái), tôi đến thăm gia đình anh Tài - Hội viên CCB của xã. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây cấp bốn khang trang và khá đầy đủ tiện nghi là người đàn ông trung niên có nước da ngăm đen, dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát.
YBĐT - Người vợ, người mẹ 25 tuổi ấy đã phải chịu nhiều đau khổ, T "nuốt" nước mắt vào trong, để sống. Và những tia sáng, ánh sáng của lòng nhân ái với một nghị lực sống mãnh liệt đã làm cho cuộc sống của chị - một người nhiễm HIV, có AIDS và gia đình "hồi sinh". Chị - như một đóa hướng dương, dẫu bao dông bão, vẫn hướng về phía mặt trời...
YBĐT - Dừng chân trước cửa nhà lúc 11h trưa, Dương Tĩnh Bảo đứng đó cười thật tươi và bảo: "Đường vào rừng còn xa lắm, nhưng đến nơi rồi thì không muốn về đâu". Câu nói đó, như tiếp sức cho tôi đi nhanh hơn đến trang trại của gia đình anh ở thôn Đồng Danh, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái).