Gương sáng ở Thào Chua Chải
- Cập nhật: Thứ tư, 19/12/2007 | 12:00:00 AM
YBĐT - Không chỉ trồng thảo quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm giỏi, anh Hờ Giảng Lử ở bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha Mù Cang Chải (Yên Bái) còn giỏi nuôi ong và có nghề rèn lưỡi cày bán cho bà con trong vùng và cung cấp ra thị trường.
Chủ tịch Giàng A Của xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) phấn khởi nói: “Hờ Giảng Lử ở bản Thào Chua Chải được đấy, nó làm ăn giỏi lắm, bây giờ cuộc sống cũng khá lắm rồi. Chúng tôi nghe vậy và rất muốn lên Thào Chua Chải theo lời giới thiệu của Chủ tịch xã. Sau gần một giờ đồng hồ đi xe máy từ trụ sở xã cuối cùng cũng tới được nhà Hờ Giảng Lử.
Nằm riêng lẻ dưới chân một quả đồi, hai ngôi nhà gỗ mới làm của anh em Hờ Giảng Lử thật đẹp trong một vị trí thoáng đãng và sạch sẽ. Vẫn kiểu nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông: nhà thấp, bưng gỗ kín xung quanh nhưng bên trong xà, cột…, chạm trổ khá cầu kỳ và được lợp tôn lạnh.
Một điều khác biệt nữa so với các ngôi nhà của đồng bào Mông truyền thống đó là, đã có đủ ánh sáng khi vào trong nhà và có gian bếp riêng biệt. Dường như gia đình Hờ Giảng Lử rất ý thức được vấn đề vệ sinh môi trường và nền nếp sinh hoạt (điều khá khó khăn đối với đồng bào vùng cao) nên trong nhà, ngoài ngõ chỗ nào cũng sạch sẽ và ngăn nắp.
Sự sung túc cũng thể hiện ngay qua các tiện nghi sinh hoạt trong ngôi nhà: 2 chiếc xe máy, ti vi, tủ đứng, thóc, ngô chất đầy nhà… Với cảm quan ban đầu, tôi nhận thấy một cuộc sống văn hoá mới, nhiều khác biệt so với dăm mười năm về trước của đồng bào vùng cao.
Từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, Hờ Giảng Lử đã rời bản Chế Cu Nha lên lập trang trại làm ăn ở Thào Chua Chải. Ngày ấy chủ yếu là chăn nuôi và trồng thuốc phiện. Sau khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước về xoá bỏ cây thuốc phiện, anh cùng với gia đình tập trung trồng lúa ngô và phát triển chăn nuôi. Trong nhà lúc nào cũng có 15 - 16 con trâu, 20 con bò, hàng trăm con gia cầm. Gia đình còn đào ao dẫn nước về để thả cá cải thiện sinh hoạt gia đình.
Năm 2003, Hờ Giảng Lử đi chơi ở Văn Bàn (Lào Cai). Thấy bà con bên tỉnh bạn trồng thảo quả cho thu nhập cao, anh tự lặn lội đi mua giống về trồng thử. Lúc ấy giá một cây giống là 1.500 đồng, anh mua 1.000 cây về trồng. Năm 2005 thảo quả cho lứa thu hoạch đầu tiên, gia đình anh phấn khởi thu về trên 1 tạ quả, phơi khô bán với giá 30.000đồng/kg, số tiền chưa lớn nhưng cả gia đình hết sức phấn khởi.
Những năm tiếp theo anh tiếp tục tận dụng ven suối, những chỗ đất phù hợp để mở rộng diện tích trồng. Năm 2006, giá thảo quả bán khô đã tăng lên 60.000đ/kg, gia đình anh thu về trên 30 triệu đồng. Anh cho biết, năm 2007 thảo quả mất mùa nên dù giá tiêu thụ có cao hơn nhưng số tiền thu về cũng chỉ bằng năm trước.
Đúng như Chủ tịch xã Giàng A Của nói Hờ Giảng Lử chưa phải đã là người giàu nhất ở Chế Cu Nha nhưng với bản tính cần cù chăm chỉ và dám nghĩ, dám làm Hờ Giảng Lử đã xây dựng được nền tảng kinh tế vững chắc cho cả gia đình và lập nên cuộc sống mới ở Thào Chua Chải.
Một tư duy mới trong làm ăn cùng nếp sống văn hoá mới chính là điều đáng trân trọng rất cần được nhân rộng để đồng bào cùng học tập, làm theo, để ngày càng có nhiều hơn những hộ gia đình như gia đình Hờ Giảng Lử ở huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Mù Cang Chải.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư.
YBĐT - Là người dân tộc Dao, năm 2004, khi chưa đầy 20 tuổi, Thiều Thị Nguyệt tham gia Trung đội dân quân cơ động của xã vùng cao Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Được bạn bè cựu chiến binh mách bảo, giúp đỡ, Quyết bàn với vợ chuyển ra gần chợ ngoài thành phố để có cơ hội làm ăn dễ hơn. Vợ chồng thống nhất ý kiến, chị xin thôi việc, bán nhà, cùng anh gom tiền mua được mảnh đất ven đồi gần chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, cô giáo Nguyễn Thị Huyền mới hơn 22 tuổi đã thấu hiểu nỗi khổ của người dân vùng cao. Đặc biệt là các em nhỏ chưa được đến trường, cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn mọi thứ.