Người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/11/2008 | 12:00:00 AM

YBĐT - Nói đến chị Lê Thị Ngọ ở thôn 5, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) thì ai cũng biết, bởi chị không chỉ là một hội viên điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi mà còn là một ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ tiêu biểu của thị trấn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở địa phương.

Xác định phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu để nâng cao thu nhập và cũng là 1 trong 6 nhiệm vụ quan trọng của phong trào Hội; chị Ngọ đã cùng với gia đình khắc phục khó khăn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Với diện tích lúa hiện có khoảng 10 sào, chị đã trồng các giống lúa chất lượng cao, xen canh trồng cây màu vụ 3 chủ yếu là ngô đông để tăng thu nhập.

Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa, chăm sóc cây màu của Hội và của địa phương nên năng suất lúa bình quân của gia đình chị luôn đạt từ 180-200 kg/sào, mỗi năm thu hoạch gần 4 tấn thóc, gần 5 tạ ngô vụ đông vừa đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình vừa có điều kiện để phát triển chăn nuôi. Tận dụng diện tích quanh nhà, chị Ngọ đã mua gà thả với quy mô từ 50 đến 100 con, hàng năm bán ra thị trường thu về gần 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhờ có nguồn vốn tích lũy, chị đã cùng gia đình đào 3 sào ao để thả các loại cá như: trắm, trôi, rô phi đơn tính, thu về gần 7 triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại ở đó, thông qua các kiến thức học được từ phương tiện thông tin đại chúng, chị còn mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Chị Ngọ cho biết: "Những năm đầu do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm chưa tốt nên hiệu quả thấp". Không nản chí, chị đã mua các loại sách báo để nghiên cứu về kỹ thuật, học hỏi từ bạn bè và người thân để trau dồi kinh nghiệm. Nhờ đó, đàn ong luôn phát triển tốt và đến nay chị đã mở rộng được nghề nuôi ong lấy mật với 10 đàn ong. Hàng năm thu về từ 60 đến 70 lít mật và đem lại cho gia đình chị gần 40 triệu đồng.

Theo hạch toán bình quân mỗi năm gia đình chị có tổng thu nhập gần 60 triệu đồng. Giờ đây, sau nhiều năm lăn lộn, bươn trải và tích lũy, gia đình chị Ngọ đã trả hết các khoản nợ của ngân hàng, đồng thời xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Cũng chính nhờ nguồn vốn này, chị Ngọ đã có điều kiện nuôi các con ăn học trưởng thành. Hiện nay 2 cháu trai đã tốt nghiệp đại học sư phạm và 1 cháu giảng dạy tại Trường PTTH Lê Quý Đôn, thị trấn Cổ Phúc, 1 cháu giảng dạy ở Trường PTTH Mù Cang Chải, còn 1 cháu gái đang công tác tại Trường PTCS Bát Xát (tỉnh Lào Cai).

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Lê Thị Ngọ còn là một ủy viên BCH Hội Phụ nữ thị trấn rất năng nổ trong công tác, là một cộng tác viên dân số/KHHGĐ tiêu biểu từ năm 2001 đến nay. Trong công việc, chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền để hội viên phòng tránh các tệ nạn xã hội như HIV/AIDS và 1 phong trào, 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội cấp trên phát động. Bản thân gia đình chị luôn gương mẫu đi đầu chấp hành tốt mọi quy định của địa phương, tích cực tham gia các buổi hòa giải trong thôn, xóm và góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, gia đình chị còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện như: ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do bão lụt; ủng hộ xây dựng nghĩa trang nhân dân; giúp đỡ hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Với những thành tích đã đạt được, gia đình chị Ngọ nhiều năm liên tục được UBND thị trấn Cổ Phúc tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", Hội Phụ nữ huyện tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ năm 2005. Đặc biệt, trong năm 2007 chị Ngọ đã vinh dự được UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen trong các phong trào thi đua yêu nước.

Đây là những phần thưởng cao quý kịp thời động viên, khuyến khích để chị cùng gia đình tiếp tục mở rộng quy mô phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hoàng Thủy

Các tin khác
Chị Hiên đang hướng dẫn ng­ười dân chăm sóc cây sơn tra mới trồng.

YBĐT - Không biết từ khi nào mà người Mông của huyện Trạm Tấu đã gọi chị Nguyễn Phương Hiên – cán bộ vườn ươm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu với cái tên đầy thân thương như vậy. Chỉ biết rằng mỗi khi xuống các bản làng, chị Hiên lại được người dân trong bản đón chào bằng những tình cảm thiết tha chân thành nhất.

Ông Thắm chăm sóc quế mới trồng bổ sung trên diện tích đã khai thác. (Ảnh: Phong Sơn)

YBĐT - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thịnh (Văn Yên - Yên Bái) - Đỗ Mạnh Hùng giới thiệu đầy thuyết phục về hội viên Nguyễn Ngọc Thắm ở chi hội Làng Chẹo.

YBĐT - Đó là ông Phạm Xuân Thủy, ở khu 2 thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên (Yên Bái). Ruộng vườn không có, cả gia đình ông chỉ trông chờ vào một suất lương của vợ. Suất lương đó cũng chỉ đủ chi tiêu một cách tằn tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Còn tiền học hành cho con, nhất là trong những năm hai con học đại học và cuối cấp, khó khăn càng nhân lên nhiều lần.

YBĐT - Đến xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), được giới thiệu về gia đình ông Vàng A Châu, 54 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Giàng A là hộ làm kinh tế giỏi. Vì vậy, chúng tôi đã tìm đến nhà ông để tìm hiểu về cách làm giàu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục